Đạo diễn, NSND Xuân Huyền tên đầy đủ là Ngô Xuân Huyền, sinh ngày 1-6-1942 tại Thanh Nam, Thanh Chương, Nghệ An.
Ông từng theo học khóa đầu tiên trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam (1959 - 1963), gắn bó với nghệ thuật Tuồng và được đi học đạo diễn ở Liên Xô cũ. Trở về nước, ông tiếp tục dành trọn tâm huyết cho nghệ thuật sân khấu.
NSND Xuân Huyền đã qua đời ngày 27-11
NSND Xuân Huyền đã dựng khoảng 300 vở diễn thuộc nhiều thể loại, trong đó có rất nhiều vở nổi tiếng như: "Lời thề thứ 9", "Ông không phải bố tôi", "Hồn vọng phu", "Nhà có ba chị em gái"…
Ngoài ra, ông còn là một giảng viên của trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, góp phần đào tạo nên nhiều thế hệ học trò xuất sắc, trong đó có nhiều người đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT - hiện đang là các gương mặt sáng giá trong nghệ thuật biểu diễn, cũng như trong công tác quản lý các đơn vị sân khấu cả nước…
NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, nhìn nhận là đạo diễn xuất thân từ sân khấu truyền thống nên NSND Xuân Huyền đã có nhiều xử lý ước lệ, rất đắt khi dàn dựng cho sân khấu kịch. Ngược lại, sau khi đi học đạo diễn ở nước ngoài về, ông lại mang hơi thở, tiết tấu của sân khấu kịch hiện đại để làm giàu cho sân khấu truyền thống. "Xuân Huyền đã tạo niềm khát khao sáng tạo cho người diễn viên và thổi bùng lên ngọn lựa nhiệt tình, đam mê của họ" - NSND Lê Tiến Thọ chia sẻ.
Sự ra đi của NSND Xuân Huyền để lại niềm thương tiếc đối với gia đình, đồng nghiệp và đông đảo học trò thuộc nhiều thế hệ. Trong mắt đồng nghiệp, cố đạo diễn là người nghiêm khắc, kỷ luật trong công việc. Học trò quý mến NSND Xuân Huyền bởi sự tâm huyết, cần mẫn.
Lễ viếng NSND Xuân Huyền được tổ chức từ 8 đến 10 giờ ngày 30-11 tại Nhà tang lễ Cầu Giấy, Hà Nội; sau đó, hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ, Hà Nội.
NSND - đạo diễn Xuân Huyền được đánh giá là một tượng đài của nghệ thuật dàn dựng với phong cách phóng khoáng, giàu chi tiết và có sức ảnh hưởng mạnh đến thế hệ đạo diễn trẻ cả nước. Ông là bậc thầy đánh kính của thế hệ làm sân khấu hôm nay.
Theo NSND Trần Minh Ngọc, sự nổi tiếng của NSND Xuân Huyền gắn liền với những vở kịch một thời vang bóng, làm nên thời hoàng kim của sân khấu phía Bắc như: "Lời thề thứ 9", "Hòn vọng phu", "Ông không phải bố tôi"…
"Những vở kịch đề tài chính luận thể hiện dấu ấn không lẫn vào bất cứ cá nhân nào đã làm nên chân dung nghệ thuật rõ nét của NSND Xuân Huyền. Từ những xu hướng sáng tạo trong dàn dựng thể loại kịch chính luận, ông đã góp phần tạo nên những giáo trình giảng dạy cho thế hệ trẻ để có được những tác phẩm chính luận đạt chuẩn. Bài học đó cho đến nay vẫn được người làm nghề trân quý" – NSND Trần Minh Ngọc nhận xét.
NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, cho rằng NSND Xuân Huyền đã khơi gợi niềm khát khao làm mới hình thức dàn dựng cho thế hệ đạo diễn trẻ. "Với đội ngũ diễn viên được làm việc với NSND Xuân Huyền, họ nhận được từ ông ngọn lửa nhiệt huyết và đam mê để đi đến cùng những sáng tạo của mình, góp phần làm nên những giá trị mới cho sân khấu" – NSND Trần Ngọc Giàu cho biết.
NSND - đạo diễn Xuân Huyền
NSND Phạm Thị Thành từng nói NSND Xuân Huyền nổi tiếng là người nghiêm khắc và thẳng thắn. Ông quan niệm nghệ sĩ cũng phải tuân thủ kỷ luật như trong quân đội, làm nghệ thuật không phải để "xưng hùng, xưng bá" mà phải bằng cái tâm thúc đẩy cái tài đi đúng hướng, để làm nên sự thành công.
Với quá trình làm nghề đầy tự hào của NSND Xuân Huyền, giới sân khấu đặt cho ông nhiều biệt danh như: "Người gác đền cuối cùng của sân khấu chính kịch"; "Người khó tính, cực đoan nhất trong số những người tài"; "Ông thầy đồ khó tính"… Ông được phong tặng danh hiệu NSƯT vào năm 1993 và NSND năm 2006.
Thanh Hiệp
Bình luận (0)