NSƯT Hùng Minh
Theo NSƯT Hùng Minh, nhằm tôn vinh những nghệ sĩ đã thể hiện thành công những vai "kép độc" trên sân khấu cải lương trong suốt 50 năm qua, HTV đã làm một chuyên đề hết sức ý nghĩa. Qua đó, ông đặt vấn đề: "Như thế nào là một kép độc, một vai phản diện trong một vở cải lương?".
"Kép độc" là khái niệm để chỉ anh kép đóng vai xấu, đối lập với cụm từ kép mùi để chỉ anh kép đóng vai tốt. Trong một vở tuồng, kép độc là vai đối đầu với kép mùi, là vai gieo gió, là động lực gây ra xung đột giữa cái ác và cái thiện.
NSƯT Hùng Minh cho biết tầm quan trọng của vai diễn này đòi hỏi các nghệ sĩ phải lao tâm khổ trí rất nhiều, đồng thời cảnh báo: "Ngày càng hiếm nam diễn viên trẻ từ cải lương đến kịch và cả phim truyền hình đóng vai phản diện. Họ chọn vai kép đẹp để dễ chiếm cảm tình khán giả nhưng họ quên rằng chính vai kép độc mới là mảnh đất màu mỡ để sáng tạo".
Trong lịch sử hình thành và phát triển của sân khấu cải lương, người nghệ sĩ qua biết bao thế hệ giữ gìn và phát huy sáng tạo đã nỗ lực đúc kết rất nhiều vai diễn khuôn mẫu trên sân khấu. NSƯT Hùng Minh khẳng định ông sẵn lòng truyền đạt kinh nghiệm để diễn viên trẻ chịu đầu tư cho vai "kép độc".
"Mừng là các sân khấu kịch đã mời tôi đến nói chuyện với các em về nghệ thuật diễn vai phản diện. Còn sân khấu cải lương thì chưa có dịp. Có lẽ các em chưa thấy tầm quan trọng nên dạng vai diễn này đang là một lỗ hỏng lớn" - NSƯT Hùng Minh nhận định.
NSƯT Hùng Minh và diễn viên Lê Văn Gàn
NSƯT Hùng Minh có những vai "kép độc" hay trên sân khấu mà không có ai thay thế như: Mã Tắc (Tiếng trống Mê Linh), Phạm Khanh (Thanh gươm nữ tướng) và Trần Ích Tắc (Dưới cờ Tây Sơn), Nguyễn Thế Nam (Bóng tối và ánh sáng), Tướng giặc (Nàng Hai Bến Nghé), Nguyễn Nhạc (Tâm sự Ngọc Hân)…
NSƯT Hùng Minh cho biết có các loại vai "kép độc" như độc lẵng, độc quan, độc tướng, độc nịnh, độc hề... Nhưng khó nhất là vai "kép độc" có chất bi hùng trong cách diễn mà ông là người khởi xướng.
"Đó là cách thể hiện một anh "kép độc" làm rất nhiều điều ác rồi cuối vở ăn năn, hối hận. Nét độc đáo là đưa vào vai diễn những câu vọng cổ mùi mẫn" - NSƯT Hùng Minh nói.
Nhắc lại các nghệ sĩ chuyên đóng vai kép độc nổi danh phải kể đến NSND Diệp Lang, ông đã từng có nhiều vai diễn kép độc trên sân khấu cải lương mà nổi tiếng nhất là vở "Hai chiều ly biệt", rồi sau này là Hội đồng Thăng (Đời cô Lựu), Hội đồng Dư (Tiếng hò sông Hậu)... Ngoài ra, còn phải kể đến NSƯT Trường Xuân, NSƯT Bửu Truyện, NSƯT Hoàng Giang, nghệ sĩ Ba Xây, NSND Thanh Tòng, NS Văn Ngà...
"Những nghệ sĩ đó mỗi người một vẻ tạo nên sự độc đáo, thú vị cho sân khấu cải lương. Bây giờ các diễn viên trẻ không học thì sau này khó mà thể hiện được tính đa dạng của loại vai này" – NSƯT Hùng Minh nhận định.
NSƯT Hùng Minh và các nghệ sĩ: NSND Minh Vương, NS Trọng Nghĩa, NSƯT Thanh Nguyệt, NS Quốc Nhĩ
Khi biết tin giải thưởng Huy chương vàng Trần Hữu Trang do Hội Sân khấu TP HCM tổ chức sẽ khởi động vào cuối năm nay, ông nói: "Khuyết điểm của các nam thí sinh là cứ chọn vai kép chánh để thi, trong khi vai phản diện có nhiều đất để phát huy tài năng. Năm 1967, tôi là người đoạt HCV triển vọng giải Thanh Tâm. Từ đó, tôi có những nghiên cứu về cách diễn vai "kép độc". Tiếc là bây giờ muốn dồn sức cho diễn viên trẻ nhưng quá ít người chịu học diễn loại vai này, sợ khán giả ghét nên dần xa lánh vai phản diện. Ai cũng muốn là kép chánh thì ai sẽ làm kép độc?" – NSƯT Hùng Minh lo ngại.
Bình luận (0)