.Phóng viên: Là người thuộc thế hệ nghệ sĩ (NS) đi trước, có nhiều thành tựu trên con đường nghệ thuật, đặc biệt là HCV Giải Thanh Tâm năm 1959. Ông nghĩ gì về cuộc thi "Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang năm 2020"?
NSƯT Hùng Minh
- NSƯT HÙNG MINH: Tôi tự hào vì đến thời điểm này 31 thí sinh tranh giải vòng chung kết đã hoàn thành tốt cuộc thi. Tuy không đến nhà hát xem trực tiếp nhưng qua mạng xã hội và diễn đàn của Nhà hát Trần Hữu Trang, tôi đã xem các thí sinh ca diễn. Có nhiều em chọn sở trường kép độc diễn rất khí thế, tôi mừng lắm!
.Theo ông, để phát triển sở trường, NS cần phải chú tâm vấn đề gì trong quá trình rèn luyện nghề?
- Thấy được ưu khuyết điểm của mình rất khó. Gần như 2/3 đường đi của đời NS mới biết được mình mạnh điểm nào, cần phát huy tối đa ưu điểm đó. Có khi nhận biết nhưng do bầu gánh, đạo diễn buộc mình phải đi theo sự sắp đặt của họ. Bản thân mình không dám bứt phá. Ngày nay, các gánh hát không còn nhiều để ép NS phải theo sự sắp đặt của bầu gánh, lại có nhiều cuộc thi để các diễn viên trẻ thi thố tài nghệ. Theo tôi, vấn đề là phải nhập vai thật chu đáo, dù sở trường nào cũng cần nắm bắt yếu tố làm chủ bản thân để tìm lối đi riêng cho mình trong cách hóa thân, ca diễn. Sở trường của NS đòi hỏi sự dấn thân, chứ đứng yên một chỗ thì không thể phát triển.
.Khi phát hiện mình có ưu điểm ca diễn vai kép độc thành công, ông còn nhớ kỷ niệm nào khiến ông day dứt?
- Tôi lúc trẻ cũng như bao NS khác, rất háo thắng. Còn trẻ thì sung sức lắm, nhất là diễn vai kép đẹp, vai trung tâm, được khán giả yêu mến, tôn vinh. Cho đến một lần được gặp soạn giả Hoa Phượng, ông khuyên tôi nên thử sức diễn vai kép độc, pha mùi, vì tôi có giọng ca. Ban đầu tôi hơi hoài nghi nhưng rồi tôi thấy lời khuyên của ông có giá trị đối với một diễn viên trẻ chịu học như tôi. Tôi đã thử sức diễn kép độc, pha mùi, ca vọng cổ thể hiện sự hối hận được khán giả tán thưởng nồng nhiệt.
.Các thầy tuồng xưa có con mắt nhìn rõ tài năng của NS. Phải chăng có bí quyết?
- Các đoàn hát lớn thập niên 50-60 và thời hoàng kim của sân khấu cải lương - thập niên 70 của thế kỷ trước, các soạn giả sáng tác kịch bản được xem là thầy tuồng. Họ viết "đo ni đóng giày" cho NS và làm đạo diễn nên có cặp mắt tinh tế. Chính họ đã phát hiện được sở trường của NS, viết kịch bản và "bỏ vai" đúng như dự đoán của họ. Từ đó, tạo ra khuynh hướng sáng tác và hình thành những trào lưu dàn dựng đi theo từng phong cách của từng thương hiệu. Ví dụ như đoàn "Thanh Minh, Thanh Nga" đi vào tâm lý xã hội; "Dạ Lý Hương" khai thác tình cảm lứa đôi, ngang trái, đoạn trường; với "Hương Mùa Thu", ông bầu Thu An luôn muốn tìm cái mới trong hình thức biểu diễn, đã "đẻ ra" trường phái "thi, ca, vũ, nhạc, kịch, cải lương"… Họ dung nạp cái mới và NS đi theo khuynh hướng đó đổ nền móng thật vững cho nghề.
.Phải chăng do nhiều hoàn cảnh tác động mà nền tảng của NS trẻ ngày nay có phần thiệt thòi so với thế hệ vàng đã qua?
- Thế hệ chúng tôi có nhiều bậc thầy tài năng vừa là thầy tuồng vừa là người bạn tâm đầu ý hợp để nâng niu những bước tiến của NS. Điểm lại sẽ thấy các soạn giả xưa là những bậc trí thức, thông thạo tiếng Pháp, tiếng Anh. Am hiểu văn hóa phương Tây, rành Nho học, phân tích rành ngôn ngữ Hán Việt và đọc nhiều pho sách kinh điển nên áp dụng vào sáng tác rất nhuần. Nền móng được đào sâu nên khi xây "3 đến 5 tầng lầu" cũng không ảnh hưởng gì. Còn con đường làm nghề của diễn viên trẻ ngày nay hạn chế vì không được ca diễn thường xuyên, ít có cơ hội mài giũa nghề. May mắn, chỉ có các cuộc thi để khoe sắc, khoe tài. Họ thiệt thòi nhưng lại có cơ may hơn chúng tôi là dễ dàng nổi tiếng, dễ có huy chương để chạm tay đến danh hiệu.
.Nói đến điều này phải chăng ông chạnh lòng vì thế hệ của ông ít có điều kiện để dự thi?
- Thực tế, khi Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM và Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam phối hợp tổ chức cuộc thi "Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang năm 2020" là đã dành cho mọi lứa tuổi được tham dự. Cuộc thi mở ra nhiều dạng vai để NS thỏa sức tung hoành cũng là một cơ hội để chúng tôi có thể dự thi. Tuy nhiên, sức khỏe hiện không cho phép nên chúng tôi cũng không dám liều lĩnh. Chạnh lòng thì làm được gì, có chăng là chấp nhận sự thật và đồng hành, làm điểm tựa cho con cháu diễn viên dự thi, tỏa sáng. Qua đó, đúc kết kinh nghiệm, hệ thống một cách khoa học những dạng vai diễn để bổ sung cho giáo trình giảng dạy, đào tạo nguồn nhân lực mai sau cho bộ môn nghệ thuật cải lương.
NSƯT Hùng Minh và các diễn viên trẻ trong chương trình Nghệ sĩ tri âm
.Nếu được chọn lại từ đầu con đường đến với nghề hát, ông có chọn sở trường kép độc?
- Tôi vẫn chọn, vì đó là niềm đam mê của tôi. Hơn nữa, để phát huy được tình yêu dành cho thánh đường nghệ thuật, tôi còn là một NS thích lao tới khám phá. Nghề hát mênh mông lắm, học hoài cũng thấy mình ngỡ ngàng trước thực tại. Tôi nhớ lần tham gia vở cải lương "Thầy Ba Đợi" do đạo diễn - NSND Triệu Trung Kiên dựng với sự tham gia của các NS cả 3 miền, tôi đã ra thủ đô diễn, bà con khán giả miền Bắc gặp lại tôi đã gọi "Mã đô úy", tôi hạnh phúc lắm! Thì ra diễn kép độc mà được bà con thương thì là diễm phúc.
.Nhìn lại chặng đường làm nghề, ông hối tiếc điều gì?
- Tôi mải miết theo nghề diễn viên, bỏ lỡ nhiều cơ hội tham gia các lớp tập huấn sáng tác do Hội Sân khấu TP HCM tổ chức những năm 80 của thế kỷ trước. Khi đó NSND Thanh Tòng có rủ tôi nhưng vì bận rộn lịch diễn, lại tham gia đóng phim nên cứ hẹn và không có cơ hội được gặp các soạn giả giỏi nghề, nghe họ nói về bí quyết sáng tác. Đến nay, rất muốn viết tuồng nhưng mắt yếu, tay rung, chưa thể hoàn thành tâm nguyện. Thật ra, tôi đi diễn nhiều nơi, quan sát cuộc sống và thích thú với nền văn hóa vùng miền khác nhau của các dân tộc, tôi rất muốn viết kịch bản cho riêng mình nhưng lực bất tòng tâm.
.Vậy ông có dự định sẽ viết hồi ký về một đời làm kép độc?
- Lại nghĩ đến sức khỏe mà không thể viết. Tuy nhiên, vợ tôi - NS Hoa Lan, con gái của soạn giả Nguyễn Huỳnh - cha đẻ của tác phẩm "Tướng cướp Bạch Hải Đường", lâu nay là thư ký cho tôi. Bà nói tôi đọc và thu vào điện thoại, rồi bà chép để tôi có được những trang sách viết về cuộc đời "ba chìm bảy nổi" của tôi, làm bài học cho diễn viên trẻ ham mê sở trường kép độc sau này.
.Dự án của ông trong năm nay? Sau nhiều vai diễn trong phim truyền hình, ông ước mong điều gì?
- Nhiều người nói tuổi trên 70 của tôi mà còn hoài bão gì nữa, nhưng tôi thì lại ấp ủ một dự án, đó là quay hình lại những lớp độc diễn vai kép độc của tôi như: Mã Tắc ("Tiếng trống Mê Linh"), Bạc Bê ("Nàng Hai Bến Nghé"), nhà thầu phán ("Ánh sáng và bóng tối")… và các vai diễn được khán giả thương mến trên sân khấu cải lương truyền hình trong các vở: "Muôn dặm vì chồng", "Thất trảm sớ", "Giấc mộng đêm xuân", "Con gái chị Hằng", "Tấm lòng của biển"… Dự án này cũng nằm trong sự chuẩn bị của tôi và Ban Lý luận phê bình sân khấu TP HCM nhằm đúc kết những bài học quý cho giáo trình đào tạo diễn viên trẻ.
Nhiều bài học để giữ gìn chuẩn mực cải lương
NSƯT Hùng Minh đánh giá cao Sân khấu nhỏ Sen Việt đã tổ chức các buổi giao lưu dành cho khán giả trẻ đối thoại với các nghệ sĩ thế hệ vàng của sân khấu cải lương. Sáng 31-10, 2 NS tài danh Thanh Điền, Thanh Kim Huệ đã giao lưu với khán giả. "Sân khấu này có lời mời tôi tham gia, có thể trong tháng 11 sẽ có một chuyên đề về kép độc do tôi và nghệ sĩ Khánh Tuấn nói chuyện với diễn viên trẻ về quá trình hóa thân vào vai kép độc. Tôi hoan nghênh Ban Đào tạo, Ban Lý luận phê bình của Hội Sân khấu TP HCM đã nỗ lực tạo hiệu ứng tích cực lôi kéo khán giả đến với sân khấu cải lương. Thông qua các buổi tọa đàm và chuyên đề về tác phẩm, tác giả, NS tiền bối, sẽ vỡ ra nhiều bài học quý giá trong nỗ lực giữ gìn chuẩn mực của sàn diễn cải lương trong thời đại mới" - NSƯT Hùng Minh nói.
Bình luận (0)