Tối 14-7, tại Nhà Văn hóa xã An Nhơn Tây (huyện Củ Chi, TP HCM), Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã tổ chức chương trình biểu diễn báo cáo lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức nghệ thuật đờn ca tài tử và cải lương năm 2022. Mở đầu cho kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn truyền đạt kinh nghiệm biểu diễn trên sân khấu.
NSƯT Mỹ Hằng, đạo diễn Phan Quốc Kiệt - Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang và NSƯT Kim Phương (từ trái sang) trong chương trình biểu diễn báo cáo lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức nghệ thuật đờn ca tài tử và cải lương năm 2022
Tham gia giảng dạy có NSƯT Kim Phương, NSƯT Mỹ Hằng và hai nghệ sĩ Thanh Lựu, Hải Long. Lớp tập huấn được khai giảng vào ngày 28-5, theo sự chỉ đạo của Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM, thu hút được 60 học viên là thành viên các câu lạc bộ, đội nhóm đờn ca tài tử đang sinh hoạt tại các xã trên địa bàn huyện Củ Chi.
Chương trình tạo được sức trẻ, năng động, sáng tạo, thu hút khán giả đến xem tại Củ Chi
Đạo diễn Phan Quốc Kiệt, Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang, cho biết qua 8 ngày tập huấn với sự hướng dẫn của đội ngũ giảng viên là các nghệ sĩ chuyên nghiệp, có nhiều kinh nghiệm trong công tác giảng dạy, các học viên đã được bổ sung nhiều kiến thức bổ ích, thiết thực cho công tác tổ chức giao lưu sinh hoạt lẫn biểu diễn đờn ca tài tử và cải lương trong cộng đồng.
"Thật hào hứng và khí thế khi thấy hiệu quả giảng dạy, thực hành của các học viên, trong đó phần đông là người trẻ. Họ đã thể hiện thật ấn tượng những tình cảm dành cho bài vọng cổ, những bài bản đờn ca tài tử và nghệ thuật cải lương. Điều này cho thấy lớp tập huấn đầy sức trẻ, đầy nội lực sẽ góp phần tạo cho đời sống văn hóa những cú đột phá mới, bồi đắp thêm nguồn nhân lực cho sân khấu cải lương trong tương lai" - đạo diễn Phan Quốc Kiệt đánh giá.
Nghệ sĩ Kim Tiến (phải) hỗ trợ phụ diễn cho một học viên tham gia báo cáo với trích đoạn "Máu nhuộm sân chùa".
"Lớp tập huấn này nằm trong kế hoạch tuyên truyền, quảng bá nghệ thuật đờn ca tài tử, cải lương tại các địa phương cho cộng đồng. Qua đó có thể tìm kiếm, phát hiện những nhân tố mới cho nghệ thuật đờn ca tài tử, cải lương cũng như nuôi dưỡng một lực lượng khán giả cho sân khấu" - NSƯT Mỹ Hằng bày tỏ.
Riêng đối với NSƯT Kim Phương, vốn mát tay trong việc đào tạo nguồn nhân lực trẻ cho sân khấu cải lương qua kinh nghiệm dàn dựng rất nhiều vở diễn cho chương trình "Ngân mãi chuông vàng" của HTV, bà nhận xét: "Sau thời gian tập huấn, Ban Tổ chức đã chọn ra 22 học viên tiêu biểu tham gia biểu diễn. Họ đều thể hiện tốt chất giọng, biết cách diễn xuất và nuôi cảm xúc cho bài ca, lời thoại. Đây là tín hiệu đáng mừng sau đợt tập huấn này".
Học viên Ánh Nguyệt (trái) và diễn viên Nhựt Nguyên trong trích đoạn "Người tình trên chiến trận"
Chương trình đã báo cáo 16 tiết mục đặc sắc, gồm các trích đoạn: "Máu nhuộm sân chùa", "Người tình trên chiến trận", "Hàn Mặc Tử", "Hai bà mẹ"; các bài ca cổ như: "Đất thép thành đồng", "Thăm lại chiến trường xưa", "Duyên quê", "Bộ đội về làng", "Điểm hẹn quê hương"... Khán giả đã đến xem rất đông và cổ vũ cho chương trình nghệ thuật được biểu diễn bởi con em tại địa phương.
Các học viên được trao bằng chứng nhận sau đợt tập huấn
Điều ấn tượng hơn là qua chương trình này đã tạo điều kiện cho các học viên học hỏi kinh nghiệm ca diễn trên sân khấu, giao lưu với các nghệ sĩ của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang như: NSƯT Mỹ Hằng, NSƯT Tâm Tâm, Nhật Thanh, Kim Tiến, Nhật Nguyên… khi họ tham gia diễn hỗ trợ cho các học viên hoàn thành tiết mục báo cáo.
Trong thời gian tới, các mô hình tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức về nghệ thuật đờn ca tài tử, cải lương này sẽ được Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang tiếp tục tổ chức ở các quận, huyện trên địa bàn TP HCM.
Bình luận (0)