NSƯT Kim Tiểu Long
Giới sáng tác, biểu diễn đang xôn xao trước vụ việc nhạc sĩ Giáng Son bị khiếu nại bản quyền đối với chính con đẻ của mình là tác phẩm "Giấc mơ trưa" (thơ Nguyễn Vĩnh Tiến) khi cô lập kênh YouTube và cập bài hát này.
Trong khi đó, NSƯT Kim Tiểu Long hiện đang ở Mỹ cũng bức xúc không kém khi những bài ca cổ, tân cổ giao duyên và bài hát mang âm hưởng dân ca do chính anh đầu tư kinh phí thực hiện, khi cập lên trang cá nhân của mạng xã hội Facebook hoặc kênh YouTube đều nhận thông báo vi phạm bản quyền.
"Tôi hết sức bất ngờ vì ai đó đã lấy phần nhạc nền để đăng ký bản quyền, rồi khi chính tôi sử dụng sáng tác đó thì lại bị cho là vi phạm" – NSƯT Kim Tiểu Long nói.
Trên thực tế, kho tàng âm nhạc cải lương với hàng ngàn bài bản và điệu lý, các soạn giả, nghệ sĩ thậm chí người bình thường thích sáng tác vẫn có thể sử dụng để viết lời mới.
"Hễ ai nhanh tay đăng ký bản quyền thì mặc định những sáng tác thuộc di sản 100 năm của sân khấu cải lương đã có sở hữu bản quyền nên việc nghệ sĩ sau này bị cho là vi phạm bản quyền chính trên phần hòa âm phối khí mới của mình đã trở thành bức xúc lớn của người làm nghề chuyên nghiệp" – soạn giả Hoàng Song Việt từng phân tích.
NSƯT Kim Tiểu Long và NSND Lệ Thủy
Những bài bản như: Nam ai, Nam xuân, Cao phi, Đoản khúc lam giang, Phi vân điệp khúc, Trường tương tư, Vọng kim lang…. được xem là phổ biến khi các ca sĩ nhạc trẻ thích đưa một đoạn ngắn vào ca khúc nhạc trẻ thì đoạn nhạc nền của các bài bản này cũng được xem là bản quyền của người sử dụng. Các nghệ sĩ chuyên nghiệp lâu nay suy nghĩ đơn giản, cứ cho là sáng tác lời mới của mình thì phần nhạc nền cũng sẽ của "chính chủ", mà dẫn đến những phiền phức như trường hợp của NSƯT Kim Tiểu Long.
"Tôi đợi trong thời gian tới khi dịch bệnh ổn định sẽ về nước, đăng ký bản quyền tất cả những nhạc nền và sản phẩm đã thu âm, thu hình để không rơi vào tình trạng đứa con tâm huyết mình sinh ra do chậm trễ khai sanh bị người ta chiếm mất" – NSƯT Kim Tiểu Long nói.
Thời gian qua, không ít nghệ sĩ từng bị "đánh gậy" và không thể sử dụng bài hát do mình đầu tư để up lên trang cá nhân và kênh YouTube.
Bài học này dẫn đến ý thức làm nghề không thể chủ quan, tránh bị khiếu nại bản quyền thì ngay từ khi thực hiện phải nghĩ đến việc đăng ký bảo vệ tác quyền.
NSƯT Kim Tiểu Long và NSND Minh Vương
Nếu nhiều lần bị "đánh gậy", dẫn đến "sập" kênh YouTube khi không kịp liên lạc thỏa thuận thì sẽ chấp nhận mất kênh. Theo các nhà chuyên môn, vì YouTube không phân xử hay giải quyết và ai cũng có thể xác nhận bản quyền đối với bất cứ sản phẩm từ âm nhạc cải lương, chỉ cần họ báo cáo lên YouTube họ bị vi phạm thì YouTube sẽ đổ tiền về bên người phản ánh.
"Những đơn vị cảnh báo này thừa biết nghệ sĩ ngại kiện tụng, trong khi ngay việc tìm họ ở đâu để làm việc cũng khó, nên nhiều năm qua có nhiều nghệ sĩ chấp nhận thiệt thòi, ngại lên tiếng và xem nhẹ việc bảo vệ tác quyền" – soạn giả Hoàng Song Việt nói.
Giải pháp để giải tỏa bức xúc này, theo NSND Trần Ngọc Giàu – Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, đã đến lúc nghệ sĩ sân khấu cẩn trọng với các thỏa thuận, hợp đồng tác quyền. Nghệ sĩ là người sáng tạo tác phẩm khi dựa trên nền tảng âm nhạc cải lương, nhưng lại không hiểu biết luật bản quyền nên rất cần được các nhà tư vấn công nghệ thông tin để soạn thảo, đăng ký bản quyền phần nhạc nền đã hòa âm phối khí thuộc về sở hữu của nghệ sĩ.
"Mong muốn những người kinh doanh, hoạt động trong môi trường này phải có ý thức tôn trọng pháp luật và có lòng tự trọng. Thực tế thời gian qua, nhiều nghệ sĩ cho rằng vấn đề tác quyền trên không gian mạng đang rất mập mờ và bị thu chồng chéo lẫn nhau. Vì thế các nghệ sĩ cần sớm đăng ký tác quyền để tránh xảy ra tranh chấp, kiện tụng" – NSND Trần Ngọc Giàu nói.
Bình luận (0)