Tối 20-10, Nhà hát Trần Hữu Trang đã tổ chức chương trình nghệ thuật giới thiệu các diễn viên của khóa đào tạo thứ 8.
Xuất hiện tại chương trình, NSƯT Mỹ Hằng có dịp trải lòng về công việc "đưa đò" thầm lặng của mình.
NS Thanh Lựu, NSƯT Mỹ Hằng trong chương trình nghệ thuật giới thiệu khóa đào tạo diễn viên thứ 8 của Nhà hát Trần Hữu Trang
NSƯT Mỹ Hằng cho rằng một thế kỷ đi qua, sân khấu cải lương đã "nếm" đủ dư vị cay, đắng ngọt bùi của cuộc sống. "Nhà hát đã tổ chức được 8 khóa đào tạo, tôi mừng muốn khóc khi vẫn có người còn yêu nghệ thuật cải lương" – NSƯT Mỹ Hằng chia sẻ.
Các diễn viên biểu diễn trích đoạn "Trọng Thủy, Mỵ Châu"
Cô và NS Thanh Lựu là hai nghệ sĩ đã gắn kết với công tác đào tạo tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Học viên phần nhiều là cán bộ, công nhân, kỹ sư, bác sĩ, có cả công an, giáo viên, tiểu thương. NSƯT Mỹ Hằng cho biết cô rất hạnh phúc khi họ đến với bộ môn cải lương bằng tình yêu, cùng chung tay để sáng đèn sân khấu.
NSƯT Mỹ Hằng hướng dẫn các diễn viên trẻ trong khóa đào tạo thứ 8 của Nhà hát Trần Hữu Trang
Tính đến năm nay, nghệ thuật cải lương đã đánh dấu 102 năm tồn tại. Công việc thầm lặng của NSƯT Mỹ Hằng và NS Thanh Lựu đã góp phần vào sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực cho sàn diễn cải lương. Đó cũng là nơi để hậu thế nhìn lại một diện mạo chỉn chu nhất của nghệ thuật cải lương, từ đó thêm yêu, trân trọng và phát huy giá trị văn hóa truyền thống này.
Cảnh trong trích đoạn "Thần Thủy Hoàng"
Chương trình đã giới thiệu đến khán giả nhiều trích đoạn cải lương nổi tiếng như: "Nàng Tiên Mẫu Đơn", "Bão táp Nguyên Phong", "Tần Thủy Hoàng", "Lôi Vũ", "Vị đắng lá sầu đâu", "Lữ Bố hí Điêu Thuyền", "Trọng Thủy – Mỵ Châu".
Chương trình cũng đã giới thiệu đến khán giả những giọng ca có nhiều triển vọng sau khóa đào tạo này như: Trúc Hương, Minh Trí, Mỹ Vân, Phương Quyên, Minh Tú, Trung Dũng, Thanh An, Tấn Danh, Như Nguyệt, Khánh Tường, Minh Cường, Phương Thủy, Lan Ngọc…
NS Thanh Lưu, Mỹ Hằng đã âm thầm đóng góp cho công tác đào tạo nguồn nhân lực của sân khấu cải lương
NSƯT Mỹ Hằng cho rằng điều quan trọng nhất là gầy dựng, nuôi dưỡng đam mê cho một thế hệ trẻ có khát vọng khôi phục lại bộ môn nghệ thuật cải lương. "Để các bạn trẻ có ý thức giữ gìn và bảo vệ di sản văn hoá dân tộc, để cải lương thích nghi được trong thời đại mới và tiếp tục lan tỏa, chúng tôi không quản khó khăn trong công tác đào tạo. Các khóa học nhằm truyền dạy cải lương cho thanh thiếu niên và không phân biệt độ tuổi, góp phần tạo ra một bộ phận nghệ sĩ mới và khán giả mới cho cải lương trên địa bàn TP HCM" – NSƯT Mỹ Hằng nói.
Những học viên yêu cải lương đến với khóa đào tạo thứ 8 của Nhà hát Trần Hữu Trang
Bình luận (0)