Khóc vì thương xót vai người mẹ tâm thần của NSƯT Thoại Mỹ nhưng còn khóc nhiều hơn vì vai bà ngoại (bà Hai) do NSƯT Quỳnh Hương thủ diễn. Đây không phải là vai bà ngoại duy nhất của Quỳnh Hương gây cảm động đến như thế.
Quỳnh Hương và bé Gia Hân trong vở “Diều ơi”
Bà Hai có đứa con gái xinh đẹp tên Nhớ. Cô Nhớ vì yêu một người đàn ông mà bỏ nhà theo anh ta lên Sài Gòn sống, có thai, rồi phát hiện ra âm mưu cướp con của vợ chồng anh ta vì chị vợ vô sinh. Thế là Nhớ hoảng loạn, chạy trốn như một đứa trẻ. Bà Hai đành ôm con mà nuôi, nuôi thêm đứa cháu mới lọt lòng. Bây giờ bà làm mẹ gấp đôi. Vừa gánh nặng áo cơm vừa gánh thêm vất vả vì chăm sóc một người tâm thần, lại còn phải thường xuyên đối phó hoặc van xin hàng xóm khi họ đánh đuổi, dè bỉu con mình, bà Hai nhẫn nhịn tới cùng nhưng cũng có lúc gào lên vì quá khổ. Vóc dáng gầy guộc trong chiếc áo bà ba sờn vá, cái thúng cắp bên hông đi rao bán xôi khắp làng trên xóm dưới của nhân vật bà Hai gợi nhớ hình ảnh những bà ngoại quê nghèo mà trong ký ức mỗi người dường như đều có. Bởi thế, khán giả đã khóc với Quỳnh Hương.
Trời cho Quỳnh Hương thân gầy như thế suốt 20 năm vào nghề nên vai bà ngoại của cô vẫn luôn làm người xem cảm động. Quỳnh Hương diễn tỉ mỉ từng chi tiết, rất chân thật, phả vào nhân vật những tâm lý, cảm xúc từ trái tim mình, có vậy mới làm người xem đồng cảm. Khóc nhiều nhất là khi bà ngoại đứng lặng yên nhìn người nhận nuôi chuẩn bị đem cháu mình đi. Biết cháu sẽ có tương lai, vì được mẹ nuôi đem lên Sài Gòn cho ăn học nhưng lòng bà đau như cắt, đau mà không dám nói, chỉ nghẹn ngào đứng lặng.
Rồi một cuộc chia xa nữa, lần này là vĩnh viễn, khi bà không còn đủ sức chống chọi với cuộc đời, không còn đủ sức làm cột trụ giữ cho ngôi nhà đứng vững. Sức đã tàn, lực đã kiệt, bà dựa vào vai người bạn hàng xóm, từ từ rũ xuống như chiếc lá vàng nhẹ rơi theo gió… Lá lìa cành không một tiếng động, bà ra đi im lìm như một thân phận nhỏ nhoi vô danh giữa cuộc đời sóng gió. Những khoảng lặng như thế làm cho nước mắt khán giả trào ra…
Vai cô Nhớ làm người ta cảm thấy tội nghiệp nhưng vai bà ngoại của Quỳnh Hương mới thật sự làm người xem xót thương và nể phục. Gần như Quỳnh Hương xuất hiện suốt vở, không thua kém gì vai nữ chính là cô Nhớ.
Quỳnh Hương tốt nghiệp Khoa Cải lương Trường Sân khấu Điện ảnh TP HCM, là diễn viên của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, đã gắn với những vai già từ khi mới vào nghề, thời còn rất trẻ. Gương mặt khắc khổ, vóc dáng gầy gò chính là một lợi thế cho Quỳnh Hương. Làm đào đẹp, đào thương không được thì cứ vui vẻ làm đào mụ, đào độc, lẳng. Mà chất giọng của Quỳnh Hương khi ca cải lương cũng không được mùi (bởi một lần bệnh nặng về thanh quản) cho nên vào vai già lại thích hợp, thậm chí còn rất hay, bởi cách nhấn nhá thật giỏi. Sân khấu có những diệu kỳ như thế, chỉ cần nghệ sĩ biết phát huy điểm mạnh của mình để lấp đi điểm yếu, biết rèn luyện công phu, nghiêm túc thì ắt thành công.
Nói thành công là sau khi cô đã vượt qua biết bao thử thách vì cái nghèo, vì cải lương khó khăn mà vẫn quyết không bỏ cuộc, cứ bám trụ tới cùng. Trong con người bé nhỏ ấy là một nghị lực phi thường. Để rồi bây giờ khi cần vai già là đạo diễn nhớ ngay tới Quỳnh Hương.
Trong "Hiu hiu gió bấc", Quỳnh Hương cũng xuất hiện với một vai bà ngoại đầy ấn tượng. Đến vở "Thái hậu Dương Vân Nga" mới đây của nhóm cải lương Kim Ngân, Quỳnh Hương được vào vai cố mẫu uy quyền, sang trọng. Quỳnh Hương phải thể hiện cố mẫu với nhiều cung bậc cảm xúc, nhiều tâm lý phức tạp, tinh tế, với phong thái của bậc mẫu nghi thiên hạ. Và Quỳnh Hương luôn xứng đáng là một "bà già" đa năng trên sàn diễn mà các đạo diễn tin cậy.
Bình luận (0)