Tối 3-9, đông đảo khán giả đã đến xem suất diễn cuối của vở "Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai" nằm trong chương trình "Ngày xửa, ngày xưa" lần thứ 34 do đạo diễn Đình Toàn dàn dựng.
NSƯT Thành Lộc trong vở vở "Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai" nằm trong chương trình "Ngày xửa, ngày xưa" lần thứ 34
Hầu hết khán giả đều dành sự cổ vũ cho các diễn viên, biến suất diễn trở nên đặc biệt khi không gian vở diễn tràn ngập tiếng cười và những tràn pháo tay không dứt.
Nhóm Líu lo từ trái sang: Hoàng Trinh, Bạch Long, Thanh Thủy và Đình Toàn
Chính vì thế, NSƯT Thành Lộc đã "cháy" hết mình cho vai diễn phù thủy ác ma, và trong từng chi tiết của câu thoại kịch được anh cập nhật rất nhiều thông tin vừa hài hước, vừa mang tính châm biếm sâu sắc.
Chị Nguyễn Kim Oanh (quận Phú Nhuận) cho biết, gia đình cố ý mua vé suất cuối để được lưu lại ký ức thật đẹp của NSƯT Thành Lộc trong vở diễn này. "Tôi tin rằng chú Thành Lộc sẽ tạo một sân chơi nghệ thuật dành cho thiếu nhi để chúng tôi được là khán giả, được đưa các con đi xem và cùng vỡ òa niềm hạnh phúc trong những câu chuyện cổ tích mang ý nghĩa giáo dục" - chị Oanh nói.
Khán giả tràn lên sân khấu sau suất diễn cuối vở "Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai" nằm trong chương trình "Ngày xửa, ngày xưa" lần thứ 34
Bạn Lê Trung Kiệt Lương (TP Thủ Đức) chia sẻ: "Không phải ai cũng dễ tìm vé xem suất cuối này và dễ dàng bắt gặp sự tiếc nuối khi biết "Ngày xửa, ngày xưa" sắp tới sẽ thiếu chú Thành Lộc".
Các nghệ sĩ đã đưa vào các câu thoại kịch sự thanh xuân khi cùng vui đùa, chia sẻ với khán giả những lời thoại hết sức đời thường. Với tâm trạng suất diễn cuối nên trông các diễn viên đều thanh xuân hóa nhân vật của mình, để họ thi thoảng được sống với chính mình trong không gian đầy sự tiếc nuối của khán giả. NSƯT Hữu Châu cũng phấn khởi hòa vào không khí vui đùa với sự cổ vũ của số đông khán giả, đến đổi anh suýt quên cả lời thoại để quay về với vai ông pháp sư "3 mắt".
Các diễn viên trong vở "Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai" nằm trong chương trình "Ngày xửa, ngày xưa" lần thứ 34 thật sự để lại nhiều lưu luyến cho khán giả
Lớp diễn dễ thương nhất và cũng tạo sự tương tác thú vị với khán giả đó là Hữu Châu, Đình Toàn, Thanh Thủy, Bạch Long lần lượt nhắc lại tên các nhân vật của "quá khứ". Đó là hành trang làm nên thương hiệu cho "Ngày xửa, ngày xưa", giúp ông bầu Huỳnh Anh Tuấn tạo uy tín cho sự nghiệp và tạo thêm sân chơi đầy thú vị cho khán giả thiếu nhi.
Khán giả của suất diễn cuối vở "Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai" nằm trong chương trình "Ngày xửa, ngày xưa" lần thứ 34
NSƯT Thành Lộc đã có một suất diễn cuối rất đẹp, đã vắt kiệt sức mình làm cho vai diễn luôn mới mẻ dù đó là suất thứ 62. Ở tuổi hơn 60 anh vẫn hát múa, biến hóa tinh tế và làm cho sàn diễn nóng bừng mỗi khi anh xuất hiện. Chính vì thế, khán giả của "Ngày xửa, ngày xưa" từ số đầu tiên đến nay đã trở thành phụ huynh vẫn dẫn con em mình đến xem và ngồi cùng khán giả nhí cổ vũ, reo hò như chính mình của quá khứ.
Có ý kiến cho rằng, rồi Sân khấu Thiên Đăng của NSƯT Thành Lộc cũng sẽ có một chương trình tương tự như "Ngày xửa, ngày xưa", cũng như ông bầu Huỳnh Anh Tuấn vẫn sẽ duy trì thương hiệu này dành cho lực lượng trẻ.
Điều này rất tốt cho diện mạo sàn diễn kịch nói dành cho thiếu nhi, đồng thời sẽ tạo không gian cho thế hệ diễn viên phát triển. Nhưng với tình nghệ sĩ thì sự chia cách này có chút gì đó chạnh lòng, vì dù sao thương hiệu này đã được gầy dựng từ sự chung sức của nhiều tâm hồn vì nghệ thuật tử tế dành cho khán giả nhí.
Cũng có ý kiến cho rằng, rồi sẽ có dịp NSƯT Thành Lộc được mời với tư cách diễn viên, quay lại với "Ngày xửa, ngày xưa" với một vai diễn thật tuyệt. Chưa biết tương lai đó như thế nào, nhưng câu hứa của đạo diễn Đình Toàn khi cánh màn nhung sân khấu Nhà hát Bến Thành sắp đóng lại, chính là "Chúng tôi hứa sẽ tái ngộ với quý vị khán giả", đã là một điều kỳ vọng của số đông người xem hiện diện trong suất diễn này.
Dưới đây là một số hình ảnh của đêm diễn cuối vở "Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai" nằm trong chương trình "Ngày xửa, ngày xưa" lần thứ 34:
NSƯT Hữu Châu được khán giả yêu mến dù xuất hiện cuối vở
Phút ngẫu hứng đáng yêu của nghệ sĩ Tuấn Khôi trong vai nhà vua trong vở "Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai" nằm trong chương trình "Ngày xửa, ngày xưa" lần thứ 34
Tạo đất diễn cho diễn viên trẻ vừa hát, vừa múa là phương châm của thương hiệu "Ngày xửa, ngày xưa"
Hóa thân đủ tính cách trong một vai diễn, sự biến hóa ấn tượng của NSƯT Thành Lộc sẽ mãi được khán giả yêu mến khi nhắc đến vở "Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai" nằm trong chương trình "Ngày xửa, ngày xưa" lần thứ 34
Bình luận (0)