"Ra mắt Sân khấu Thiên Đăng phía có lợi là công chúng, còn nghệ sĩ chúng tôi có đất dụng võ để làm nghề, thế hệ trẻ theo con đường này mỗi lúc một nhiều mà sàn diễn thì lại ít, cho nên việc Thiên Đăng đã ra đời làm tôi vui, vì bản thân có chỗ làm nghề theo đúng tâm nguyện, sở thích" - NSƯT Thành Lộc tâm huyết.
.Phóng viên: Được biết vở nhạc kịch thuần Việt "Giáng Hương - Sân khấu về khuya" đã bán hết vé 10 suất từ khi Sân khấu Thiên Đăng chính thức ra mắt công chúng, là người phụ trách nghệ thuật của đơn vị được xem là "em út" của làng kịch TP HCM, anh có cảm thấy bớt lo?
- NSƯT THÀNH LỘC: Vào độ tuổi của tôi mà gọi là khởi nghiệp thì nghe buồn cười nhưng con đường nghệ thuật của bất cứ ai cũng vậy, nó không bao giờ có giới hạn nếu như người nghệ sĩ luôn đau đáu với công việc nghệ thuật của mình.
Ở thành phố hơn 10 triệu dân nhưng chỉ có vài sân khấu sáng đèn thì đó là điều bất thường. Trong khi cách đây 30 năm có hơn 20 đơn vị nghệ thuật cùng hoạt động. Sân khấu kịch hiện nay toàn là tư nhân, bên cải lương thì diễn theo sự kiện là chính. Tuy vậy, tôi không dừng lại ở 2 vở khởi đầu của Thiên Đăng là "Giáng Hương - Sân khấu về khuya" và "Alo, lộ hàng" mà hiện đã đưa lên sàn tập vở thứ ba, vở thứ tư đang trên ý đồ dàn dựng.
Lượt theo dõi và mong đợi kịch mục mới của Thiên Đăng là trên dưới 4.000 người, mà mỗi đêm diễn chỉ phục vụ 300 khách thì chúng tôi tin lượt khán giả ủng hộ Thiên Đăng còn nhiều. Việc tôi dồn sức cho vở "Giáng Hương - Sân khấu về khuya" mang một lời mời, sự "chào hàng" nhằm trình bày một hướng đi, không dám nói là tuyên ngôn mà từ đây về sau Thiên Đăng sẽ đi theo phong cách nghệ thuật hướng đến những tác phẩm đạt trình độ nhất định về văn học, nghệ thuật, biên kịch, mỹ thuật, phong cách dàn dựng mà chúng tôi hướng tới, như đêm ra mắt tôi đã nói đến cụm từ "vì một nền nghệ thuật tử tế".
NSƯT Thành Lộc và diễn viên Lê Khánh trong vở nhạc kịch “Giáng Hương - Sân khấu về khuya” trên Sân khấu Thiên Đăng.(Ảnh: THANH HIỆP)
Trong cuộc đời đôi khi chúng ta đã thỏa hiệp với những điều chưa tử tế lắm để tồn tại, để duy trì. Song, tôi nghĩ người nghệ sĩ yêu nghề thì lúc nào cũng muốn hướng tới những điều hoàn hảo không phải cho người khác mà cho chính mình, như vậy "Giáng Hương - Sân khấu về khuya" như là một thông điệp để lan tỏa năng lượng tích cực đến công chúng, để công chúng tin rằng chúng tôi mong muốn như vậy.
.Điểm lại quá trình 26 năm gắn bó với Sân khấu IDECAF, anh đã đạo diễn các vở: "Bí mật vườn Lệ Chi", "Con ma nhà hát", "Ngàn năm tình sử", "Tin ở hoa hồng", "Ngôi nhà anh Túc", "Tiên Nga"… Trong đó, vở "Tiên Nga" qua 5 đợt tái diễn với 69 suất được xem là đỉnh cao trong sự nghiệp dàn dựng của anh. Anh có nghĩ mình sẽ thực hiện một tác phẩm trên Sân khấu Thiên Đăng vượt qua thành công của "Tiên Nga"?
- Tầm vóc của "Tiên Nga" khác, nó là vở kịch dã sử mang dáng vóc sử thi, một câu chuyện về lòng ái quốc. Còn "Giáng Hương - Sân khấu về khuya" là câu chuyện về lòng ái nghệ, tầm khái quát về lòng yêu nghề của người nghệ sĩ khác với tầm khái quát của lòng yêu nước. Hai câu chuyện khác nhau và nơi diễn cũng khác, với một bên là Nhà hát Bến Thành trên 1.000 ghế, còn một bên chỉ có 300 ghế. Vấn đề là mình không làm khác với phong cách dàn dựng của chính mình là được rồi.
.Khi quyết định kịch bản "Giáng Hương - Sân khấu về khuya", điều đầu tiên anh nghĩ đến là gì?
- Đó là tính ước lệ, tả ý. Sau khi Ban Giám đốc Công ty Thiên Đăng chọn địa điểm 62 Trần Quang Khải để làm nơi biểu diễn, chúng tôi đã quyết định phong cách dàn dựng của các vở phải tuân thủ phong cách ước lệ chứ không tả thực vì diện tích của sàn diễn. Hay nói đúng hơn, những vở được dàn dựng phải mang tầm khái quát nhiều hơn và nói một cách dễ hiểu là theo phong cách lãng mạn của châu Âu.
Dù có dàn dựng kịch hài, kịch lịch sử thì cũng phải phù hợp với không gian của Sân khấu Kịch Thiên Đăng, chứ chúng tôi không thể làm theo kiểu cũ. Tôi nghĩ đó cũng là cách hay vì sẽ hình thành kiểu xem kịch khác khi đến Sân khấu Thiên Đăng có phong cách dàn dựng không lẫn với bất cứ sân khấu nào.
.Anh đã đi theo lộ trình nào để hình thành nên thông điệp mới trong công tác biên tập kịch bản "Sân khấu về khuya" của NSND Nguyễn Thành Châu?
- Khi cầm trong tay kịch bản, tôi bất ngờ khi biết kịch bản gốc là kịch nói chứ không phải cải lương. Ông đã có ý tưởng viết từ những năm 1940, tên ban đầu là "Trong bóng hậu trường", có thể đây đó quý vị khán giả cao tuổi biết soạn giả cải lương xưa đều học trường Tây, trình độ tri thức họ rất cao, hầu hết kịch bản họ viết không ít thì nhiều đều ảnh hưởng văn học Pháp. Tôi thích vô cùng kịch bản gốc, sau đó đọc kịch bản cải lương cũng do ông chuyển thể và phát hiện một điều thú vị, đó là câu chuyện không phải xảy ra trong một đoàn cải lương mà là một đoàn kịch, ông chọn cải lương làm ngôn ngữ thể hiện.
Vì thế, kịch bản có nhiều chất liệu để tôi làm mới. Khi một kịch bản văn học được viết ra từ thời đại nào thì sẽ mang tính thiết thực của thời đại đó. Đôi khi có những quan điểm về nhân sinh quan, thế giới quan nó chỉ có giá trị trong một thời điểm nhất định. Ví dụ, khi nhân vật Giáng Hương nói về những quan hệ giữa nghệ sĩ và công chúng thì tôi với tư cách là người làm nghệ thuật ở năm 2023 đã thấy không phù hợp nữa. Tôi có trao đổi với đạo diễn Hồng Dung - con gái của NSND Nguyễn Thành Châu - về quan điểm của tôi, để biên tập lại, thay đổi quan điểm đó nhằm phù hợp với cách suy nghĩ về giá trị của người nghệ sĩ trong thời đại mới.
.Vở diễn còn mang một thông điệp giá trị nào mà bản thân anh cảm động? Vì sao anh chọn phong cách nhạc kịch?
- Hồn dân tộc trong câu chuyện cho thấy trách nhiệm của NSND Nguyễn Thành Châu với đất nước quá lớn, đó là Giáng Hương đau đáu muốn diễn vai Huyền Trân công chúa - một vai diễn trong tác phẩm sử Việt. Và một chi tiết mà trong kịch bản gốc không có, đó là câu thoại: "Ngay vào lúc này tôi chỉ có thể là Huyền Trân chứ không thể là Chiêu Quân". Tôi muốn thể hiện trách nhiệm người nghệ sĩ công dân ngay ở giai đoạn này. Còn chọn nhạc kịch thì vì bản thân tôi thích. Sân khấu Thiên Đăng đã chính thức mời nhóm ITS (Impact Theatre Saigon) tham gia biểu diễn. Họ là những người trẻ đều tốt nghiệp nhạc viện, có tình yêu lớn với nhạc kịch theo phong cách Broadway. Trước mắt có 2 suất vào ngày 13 và 14-10, giới thiệu những trích đoạn nhạc kịch, lan tỏa đến những khán giả yêu thích nhạc kịch Broadway.
.Sân khấu Thiên Đăng có kế hoạch kết hợp với Sân khấu IDECAF để dựng các vở phục vụ thiếu nhi với thương hiệu "Ngày xửa, ngày xưa"? Anh sẽ tái dựng các vở mà anh đạo diễn?
- Sân khấu Thiên Đăng chưa có chủ trương làm kịch thiếu nhi. Nếu có làm thì phong cách sẽ khác hoàn toàn với "Ngày xửa, ngày xưa", vì chúng tôi không muốn mang tiếng là cạnh tranh.
Hiện nay, Thiên Đăng chỉ dựng vở mới và khi tôi có ý tưởng làm mới vở cũ thì bản dựng đó sẽ khác rất nhiều. Tuy nhiên, tiêu chí của tôi là vở ít nhân vật. Tôi không thích làm vở quá nhiều nhân vật. Hay nói đúng hơn là đi vào tính thể nghiệm, hạn chế dàn dựng kịch sinh hoạt, dù kén khán giả nhưng sẽ nâng nhu cầu thưởng ngoạn của công chúng lên. Chúng tôi hướng đến công chúng thấu hiểu về mặt nghệ thuật.
Bình luận (0)