NSƯT Vũ Luân trong vai Trọng Thủy (vở "Trọng Thủy - Mỵ Châu")
Phóng viên: Được đánh giá là một diễn viên đa năng, rời sàn diễn nhiều năm định cư tại Mỹ, lần về nước này anh lại chọn vở dài để ra mắt khán giả?
NSƯT Vũ Luân: Tôi muốn làm điều gì đó mới hơn, không phải chỉ là với các chương trình tổng hợp mà phải là những kịch bản được chăm chút. Sau vở "Hồn của đá", tham dự liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2018 được tổ chức vào tháng 9 tới đây tại Long An, tôi sẽ thực hiện live show tại Nhà hát Bến Thành, hội ngộ với 5 cô đào đã từng diễn chung với tôi, và 5 trích đoạn đều mới.
NSƯT Vũ Luân, Tú Sương và NS Lê Thanh Thảo trong vở "Trời nam" của tác giả Lê Duy Hạnh
Anh luôn được đạo diễn tin tưởng giao cho những vai diễn khó, anh lý giải điều này thế nào?
Tôi nhớ mãi vai Lê Quyết trong vở "Trời Nam" của chú Lê Duy Hạnh. Khi nhận kịch bản tôi đọc xong thì mất ngủ mấy đêm liền. Vai diễn cứ ám ảnh tôi. Một trung thần chấp nhận rứt trái tim mình để bày tỏ sự hối hận trước những hành động lên án, chỉ trích đấng minh quân. Lại là vai lão, vai diễn để lại cho tôi nhiều suy tư. Cũng như trước đó đạo diễn Hoa Hạ giao tôi đóng vai ông Tám Khỏe, trong trích đoạn "Người ven đô" của tác giả Minh Khoa. Tôi cũng trằn trọc, suy tư. Nói chung đạo diễn thấy tôi còn có thể khai thác những tiềm ẩn bên trong nên cứ muốn tôi dấn thân. Là diễn viên mà được tin cậy thì hạnh phúc lắm. Giống như lần này, tôi sẽ vào một vai diễn gai góc, một thanh niên làng chài đứng trước những giông tố của cuộc đời mình.
Ngoài khả năng nổi trội trong lĩnh vực diễn xuất, anh còn có một tình yêu lớn dành cho công tác quản lý. Đã từng lèo lái thành công đoàn 3 Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, một đơn vị xã hội hóa mạnh một thời? Anh có dự định sẽ về nước tiếp tục làm bầu?
Nhắc đến giai đoạn 1995 đến 2005, tôi cảm ơn ông Phan Quốc Hùng – chồng của NSƯT Thoại Miêu, cha của đạo diễn Phan Quốc Kiệt – hiện nay là phó giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang. Ông Hùng lúc đó là giám đốc, một vị giám đốc có cái nhìn chiến lược đối với thế hệ chúng tôi. Từ sau khi đoàn đồng ấu Bạch Long ngưng hoạt động, chúng tôi lúc đó chỉ còn biết đi hát chầu ở các đình, các chùa, rồi đi đại nhạc hội ở các tỉnh. Ông là người mời về, giao hẳn một đoàn hát, để chúng tôi hoạt động trong khuôn khổ một đoàn hát chuyên nghiệp. Tôi học từ ông cách quản lý, lên phương án dàn dựng, tổ chức biểu diễn. Để một thời đoàn 3 là thương hiệu cải lương xã hội hóa ăn nên làm ra, mỗi năm tôi diễn hơn 150 suất, dàn dựng mỗi năm 8 đến 10 vở. Bây giờ không dám tin mình sẽ có thể điều hành một đoàn hát như trước, vì mọi thứ đều thay đổi. Diễn viên khó qui tụ bởi họ vì mưu sinh mà tứ tán khắp nơi với game show, với phim truyền hình…Tôi chỉ mong sau một vài dự án khởi động, nếu Tổ còn thương sẽ tiếp tục làm bầu.
NSƯT Vũ Luân và NS Lê Văn Gàn
Anh là con trai út trong gia đình có đông anh chị em. Nếu được quyền lựa chọn lại anh vẫn chọn nghệ thuật cải lương hay là nghề nào khác?
Không. Tôi vẫn sống với nghề diễn viên và xem sàn diễn cải lương là nhà. Từ sân khấu hát đám cưới, đám hỏi, sinh nhật, tôi được thầy Bạch Long mời về đồng ấu mang tên ông, dạy cho tôi ca diễn, rồi tôi được NSƯT Vũ Linh nhận làm con nuôi, trao truyền nhiều kinh nghiệm. Khi tôi lập đoàn hát, NSND Thanh Tòng cho phép lấy kịch bản của gia tộc ông, để dựng rồi biểu diễn. Đây là điều đáng quý, vì NSND Thanh Tòng chưa bao giờ cho phép ai ngoài gia tộc sử dụng kịch bản của ông. May mắn như thế, tôi nguyện nếu có kiếp sau thì vẫn xin được là nghệ sĩ cải lương.
NSƯT Vũ Luân trên sàn tập sáng 17-7 với các NS: Tô Châu, Hồng Lan, Chí Cường (vở "Hồn của đá")
Có bao giờ anh nghĩ sẽ sáng tác kịch bản cải lương Hoặc kịch bản phim về nghệ thuật cải lương? Năm nay sân khấu cải lương tròn 100 năm, anh có dự định sẽ thực hiện chuyên đề sân khấu để góp phần tạo hiệu ứng cho những hoạt động chào mừng kỷ niệm này?
Tôi nhớ lời NS Minh Cảnh đã nói, không phải đợi đến một thế kỷ của sân khấu cải lương thì con cháu mới vội vội, vàng vàng làm điều gì đó để tỏ lòng tôn kính. Cứ có điều kiện, có cơ hội là tôi làm. Mà các chương trình, vở diễn xuất hiện phải mới. Tôi có ý nghĩ sẽ thực hiện một bộ phim về nghề. Tôi đã vẽ lên ý tưởng, chỉ chờ gặp đúng tác giả có tâm, có cùng suy nghĩ để thực hiện. Còn viết kịch bản tôi chưa dám. Còn viết trích đoạn cải lương cho chính mình diễn thì tôi đã thử sức.
NSƯT Vũ Luân và các diễn viên trong vở "Hồn của đá" trong ngày khởi tập
NSƯT Vũ Luân và Ngọc Huyền trong live show tổ chức tại Mỹ năm 2017
- Hoài bão nào cho đến thời điểm này Vũ Luân chưa thực hiện được trong sự nghiệp nghệ thuật của mình?
- Vì hoàn cảnh cuộc sống tôi đã tạm rời xa sàn diễn nhiều năm. Hoài bão của tôi là tiếp tục quay lại để thực hiện ước mơ còn dang dở, đó là quy tụ lực lượng diễn viên cải lương tuồng cổ, dàn dựng nhiều vở diễn đỉnh cao. Tôi chỉ hối tiếc một điều, ngày mẹ tôi qua đời, tôi đã không về kịp để thọ tang.
- Điều gì anh trăn trở nhất hiện nay khi nghĩ về nghệ thuật, cải lương sàn diễn và các ấn phẩm sân khấu trong thời đại công nghệ mới?
- Tất cả đều nghèo nàn về hình thức dàn dựng. Sàn diễn cải lương thiếu vắng sự ứng dụng công nghệ mới. Các ấn phẩm từ MV cho đến video cải lương đều được dàn dựng quá cũ, không thu hút giới trẻ, trong khi mỗi ngày họ tiếp cận với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 với tốc độ nhanh.
NSƯT Vũ Luân và mẹ - Nỗi đau lớn nhất là anh đã không kịp về thọ tang mẹ mình
Bình luận (0)