Nữ kịch sĩ Giáng Kiều tên thật là Kiều Dinh, sinh ngày 7-10-1922 tại Hà Nội. Vì tuổi cao sức yếu, bà đã trút hơi thở cuối cùng vào sáng 26-4 tại tiểu bang California – Mỹ, hưởng thọ 98 tuổi.
Theo một số giai thoại, bà được nhà thơ Quang Dũng nhắc đến trong bài thơ nổi tiếng "Tây Tiến": "Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm". Bà cũng là một trong 4 người thành lập Ban kịch Thế Lữ và thành lập nguyệt san Phụ nữ Diễn đàn thập niên 1960-1970.
Nữ kịch sĩ Giáng Kiều
Nhiều nghệ sĩ sân khấu kịch nói và nhà văn, nhà thơ đã bày tỏ sự thương tiếc khi biết tin nữ kịch sĩ Giáng Kiều qua đời.
Theo NSND Kim Cương, 4 phụ nữ nhan sắc nức tiếng Hà thành một thời được cho là nguồn cảm hứng cho câu thơ "Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm’’ trong "Tây Tiến". Giai thoại này được kể lại trong lễ kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhà thơ Quang Dũng, tổ chức tại Hà Nội cách đây không lâu.
Đó là lúc cậu học trò Quang Dũng và người bạn là Ngọc Chương sắp sửa bước vào kỳ thi, được đến nhà mấy chị em cô Kiều nổi tiếng xinh đẹp, con một ông chủ thầu khoán. Gọi là 4 cô Kiều vì các cô đều có tên đệm Kiều, gồm: Kiều Vinh, Kiều Dinh, Kiều Hinh và Kiều Hương. Lúc đó, Ngọc Chương chấm cô Kiều Dinh, định giới thiệu cho bạn mình một trong ba cô còn lại.
Thời trẻ, Quang Dũng và Ngọc Chương là hai chàng trai cao ráo tuấn tú. Bố của các cô Kiều cũng khá ưng ý nhưng lại ra điều kiện: "không đậu Thành chung thì không gả con gái cho". Sau đó, cả hai chàng trai đi thi đều trượt, khiến mối nhân duyên với các cô Kiều bất thành.
Năm 1948, nhà thơ Quang Dũng - lúc này đã là một người lính - dự đại hội toàn quân ở Phù Lưu Chanh (Hà Nam) sau chiến dịch Tây Tiến. Ông làm bài thơ "Tây Tiến" đọc trước đại hội, được anh em ngợi khen. Bài thơ sau đó còn đăng báo, được độc giả truyền nhau chép tay.
Một buổi chiều cuối năm 1948, Quang Dũng tìm đến xưởng công binh Liên khu 3 vùng kháng chiến, nơi người bạn Ngọc Chương làm việc, để tặng bạn bài thơ "Tây Tiến", trong đó có câu "Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm", với chữ "Kiều" viết hoa trịnh trọng. Hai người bạn ngồi đọc thơ và nhắc lại kỷ niệm thời đi học.
Nữ kịch sĩ Giáng Kiều
"Có một gian đoạn, bài thơ "Tây Tiến" bị quy chụp là ủy mị, là tiểu tư sản bởi câu thơ "Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm". Có lúc nhà thơ Quang Dũng không dám nhắc đến đứa con tinh thần của mình nhưng rồi bài thơ vẫn sống, vẫn lưu truyền. Và chữ Kiều trong bài thơ, có khi được viết hoa để nhớ về cái thời trai trẻ mới biết rung động của nhà thơ, và có khi không viết hoa để nói đến vẽ yêu kiều, quý phái, nên thơ của phụ nữ Hà Nội, trong đó hình ảnh 4 chị em nhà Kiều, mà bà Giáng Kiều sau này là nữ kịch sĩ gắn bó với ban kịch Thế Lữ, được xem là duyên dáng, đáng yêu bởi phong cách diễn xuất, đài từ sang trọng. Bà là một trong những nghệ sĩ tiên phong của phong trào sân khấu kịch của Việt Nam" – NSND Phạm Thị Thành xúc động.
Bình luận (0)