Nữ sĩ Đoàn Lê ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn cho những người yêu mến văn chương, hội họa của bà. Đoàn Lê mắc bệnh đã lâu, bà bị đột quỵ vài năm trước. Sau lần đột quỵ, sức khỏe của bà suy giảm nhiều.
Nữ sĩ Đoàn Lê được biết đến trong cả ba lĩnh vực: điện ảnh, văn chương và hội họa
Nữ sĩ Đoàn Lê sinh năm 1943 tại Hải Phòng, trong một gia đình nho học. Từ khi còn là nữ sinh trường cấp ba Phan Chu Trinh, Hải Phòng, năm 19 tuổi, Đoàn Lê đã có thơ đăng báo - bài thơ "Bói hoa" được độc giả thời đó nồng nhiệt đón nhận và tạo nên giọng điệu mới trong làng văn.
Đoàn Lê rời thành phố hoa phượng đỏ Hải Phòng tới Hà Nội theo học trường Đại học Sân khấu Điện ảnh. Sau khi tốt nghiệp, bà về làm việc tại Hãng Phim truyện Việt Nam và sống tại Hà Nội. Dù học về diễn xuất điện ảnh, song Đoàn Lê lại có sự nghiệp viết văn gặt hái nhiều thành công. Những năm 1970 - 1980, Đoàn Lê là tác giả của các kịch bản phim truyện thành công như: "Bình minh xôn xao", "Cha và con", "Làng Vũ Đại ngày ấy", "Hồ Xuân Hương"...
Đoàn Lê còn là đạo diễn của một số tác phẩm như "Con vá" (biên kịch kiêm đạo diễn, tác phẩm đã đạt giải Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam), "Chim bìm bịp" (đạo diễn)... Đoàn Lê là tác giả của nhiều truyện ngắn được yêu thích như "Đôi mắt hoa nhài", "Trương Viên", "Cây xoan non", "Người đẹp xóm Chùa", "Người khách đêm giao thừa", "Mẹ và con và thánh thần", "Đêm ngâu vào" (Giải A tạp chí Sông Hương)…
Bạn bè văn nghệ ghi nhận sức chịu đựng bền bỉ của nữ sĩ quê gốc Hải Phòng
Tập truyện ngắn "Trinh tiết xóm Chùa" của bà (Giải thưởng báo Văn nghệ và Hội Liên hiệp văn học toàn quốc) từng được dịch và giới thiệu tới bạn đọc Mỹ. Bà cũng là tác giả của các tiểu thuyết: "Cuốn gia phả để lại" (1990, được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam), "Lão già tâm thần", "Người đẹp và đức vua", "Tiền định", "Oan hồn ngõ đá dốc"...
Không chỉ khâm phục tài năng văn chương của nữ sĩ Đoàn Lê, trong mắt bạn bè văn nghệ sĩ, nữ sĩ là một phụ nữ rất đẹp, giọng nói nhẹ, trong, dịu dàng, ngay cả khi giận, giọng nói vẫn nhẹ nhàng, sống rất đơn giản và kỳ lạ là bà có sức chịu đựng rất tốt. Trải nhiều cảnh đời nhưng bà vẫn lao vào làm phim, miệt mài viết văn và cả đam mê vẽ tranh nữa, hàng trăm bức sơn dầu khổ lớn của Đoàn Lê được biết tới, bà cũng thực hiện nhiều triển lãm riêng, chung ở Hà Nội nơi bà sống và cả ở mảnh đất quê hương Hải Phòng.
Bình luận (0)