Đời ông cho chí đời cha,
Mống hiện Sơn Chà không gió thì mưa.
Chiều chiều mây phủ Sơn Chà,
Sóng gầm Non Nước, mưa sa Vũng Thùng.
Voọc chà vá ở Sơn Chà Ảnh: hồ trung tú
Sơn Chà - ngọn núi xanh trên biển. Nhìn từ góc nào cũng thấy Sơn Chà thật uy nghi, thật đẹp. Từ góc nhìn Hải Vân, Sơn Chà nối liền với đất bằng một doi cát dài, được sóng và gió bồi tụ, che chắn cho Vũng Thùng.
Tai nghe súng nổ cái đùng.
Thôi rồi, Tây chiếm Vũng Thùng hôm qua.
Câu ca buồn ứa nước mắt có từ thời Tây. Sáng 1-5-1858, hạm đội Pháp - Tây Ban Nha, do R. de Genouilly chỉ huy, đổ bộ lên bán đảo Sơn Chà, làm đại bản doanh. Bị đánh tơi bời, 2 năm sau, ngày 23-3-1860, liên quân Pháp - Tây Ban Nha cuốn gói lên tàu, đốt sạch, chỉ để lại ở chân núi Sơn Chà một nhà thờ và một "đồi hài cốt"’, khoảng 1.500 xác lính xâm lăng bị quân ta diệt.
100 năm sau, ngày 8-3-1965, tàu "há mồm" của Hải quân Mỹ, thay chân thực dân Pháp vào Vũng Thùng, cập bến Xuân Thiều. Lính thủy đánh bộ Mỹ nghênh ngang nện gót giày lên đất Nam Ô, bay trực thăng lên chiếm đỉnh Sơn Chà, xây dựng đài radar - dân Đà Nẵng gọi là con mắt thần, có thể nhìn xa 300 km, là radar vọng ngoại.
Qua 2 cuộc chiến khốc liệt, cả giặc Pháp và giặc Mỹ đều lợi dụng ưu thế quân sự tuyệt vời của Sơn Chà để khống chế vùng biển, vùng trời và dải đất liền miền Trung Việt Nam. Trải qua bao cuộc chiến lẫn bão bùng, Sơn Chà vẫn bình yên và đẹp ngạo nghễ. Muông thú reo vui tung tăng. Khách qua đây liệu có yên lòng khi nhìn tấm bia với dòng chữ to: "Gìn giữ và bảo vệ môi trường sinh thái"!
NGƯỜI VIỆT VỐN CÓ TÌNH YÊU CON NGƯỜI, dễ tin; nhược điểm là luôn mất cảnh giác! Khi thấy thi công con đường cho xe lên núi, ai cũng vui và hy vọng người cùng Sơn Chà sẽ làm cho Đà Nẵng thêm vui, góp phần làm cho hoạt động du lịch, vui chơi khởi sắc. Lòng nhẹ tênh, khi ngồi ôtô lên Sơn Chà, vẫn thầm hỏi: Các nhà đầu tư họ sẽ làm gì đây?
Mừng, thấy sừng sững một tượng Phật uy nghi, trước mặt ngôi chùa khang trang, trên lưng chừng núi, mang tên chùa Linh Ứng. Phật và chùa đều nghiêm nghị, đầy suy tư, nhìn ra mặt biển xanh trong tận đáy sâu, nhìn về Đà Nẵng phố xá thênh thang, người - xe vội vã...
Người Đà Nẵng, và cả người tứ xứ, có Sơn Chà xanh uy nghi để chiêm ngưỡng, để kỳ vọng, tin tưởng, hướng về, mong cho tâm hồn thanh thản. Lúc lòng không yên, leo lên Sơn Chà, nhìn ra mênh mông biển, trông lên trời cao xanh, bỗng giật mình, lòng quặn lại, đau thắt. Phía trên đầu, gần nhất, đâu chỉ có cây xanh lá, ngày đêm cùng gió reo vui, mát rượi, tiếng chim kêu, tiếng voọc hát gọi bầy, tiếng khỉ hú ghẹo người. Quanh sườn núi, không chỉ mây mù làm thành chân mây bao quanh chân núi Hải Vân - Sơn Chà, mà vẳng nghe xa xa tiếng rền. Bỗng lo, phải chăng, đó là tiếng rên ai oán, vang ra từ lưng núi, từ vách núi, từ trong lòng núi, không chỉ dưới chân núi, mà trên những vách đá cao dần lên tới đỉnh. Quả nhiên, núp dưới cây xanh, bóng râm, hàng chục, hàng trăm cái khách sạn, nhà hàng, biệt thự, biệt phủ, lộng lẫy!
Rồi những sườn núi bị cày xới… Khi người đi câu, người đi xem khỉ khám phá ra chuyện động trời này, dân Đà Nẵng đâm lo. Ngoài khơi, chưa đầy một trăm hải lý, kẻ xấu lúc rập rình lúc nghênh ngang tập trận…
MUỐN GIỮ SƠN CHÀ THÌ PHẢI NHỚ: Ngày 8-4-1947, thành lập Ban Cán sự Đà Nẵng, do Nguyễn Ngọc Chấn làm Bí thư. Ban Cán sự ra đời, đóng cơ quan ở núi Sơn Chà, gồm 3 bộ phận: bộ phận thường trực ở trên núi, làm việc hằng ngày, có mật danh là Diên An; bộ phận dự bị trên chóp núi, có mật danh là Mốt-cu Mạc Tư Khoa; bộ phận dưới chân núi. Các bộ phận của Ban Cán sự Thành ủy Đà Nẵng thường xuống làm việc và ở luôn dưới làng, tại 3 địa điểm: Nhà bà Tư Muộn ở Cổ Mân, nhà bà Trần Thị Tý ở bờ phía Đông sông Hàn và nhà bà Tư Nhùm (tức Lê Thị Trà) ở An Hải.
Tháng 3-1947, chỉ có 11 người về Thành hoạt động, trong đó khu Trung 5 người với 2 cây súng trường, 1 súng lục. Tháng 5-1947, có thêm lực lượng tự vệ. Đoàn cán bộ đầu tiên vào nội thành hoạt động, do Đoàn Tiềm phụ trách. Để tổ chức kháng chiến chống địch ngay trong thành phố khi các lực lượng đã rút ra ngoài, thành lập một Ban Đặc vụ quân sự do Đoàn Tiềm phụ trách. Ban có 1 đại đội, mỗi trung đội phụ trách 1 khu phố với nhiệm vụ chủ yếu là nắm tình hình, diệt tề trừ gian, gây cơ sở và làm công tác địch vận.
Một bộ phận của ban với 15 chiến sĩ, do Nguyễn Hữu Khoan (Đà) chỉ huy, trực tiếp bám nội thành. Để tăng cường cơ quan lãnh đạo kháng chiến, chống giặc ngoại xâm, ngày 5-8-1947, Ban Cán sự Đà Nẵng tổ chức cuộc hội nghị tại Diên An. Hội nghị phân tích tình hình, chỉ ra rằng địch không chỉ có âm mưu xây dựng Đà Nẵng thành một căn cứ quân sự lớn, mà chúng muốn biến Đà Nẵng thành cứ điểm chiến lược cho cả miền Trung, Đông Dương.
Mùa Đông năm 1955, sau khi có Hiệp định Genève, nhân mùa biển động, thuyền về neo đậu quanh các cồn trên sông Hàn. Thành ủy Đà Nẵng tổ chức một cuộc họp, có Trần Chiến, Đinh Văn Lư (Bảy Á), Trần Nhành, Lê Đình Cả, Trần Hữu Cử (Ba Dư), do Bí thư Thành ủy Nguyễn Thành Long chủ trì, họp trên thuyền rớ của ông Huỳnh Đình Kiển. Để cuộc họp diễn ra an toàn, cơ sở bố trí thêm 9 thuyền đậu quanh thuyền của ông Kiển, ngoài ra còn bố trí một số thuyền con để anh em bảo vệ chèo quanh vòng ngoài, có động tĩnh gì thì báo ngay để kịp biến vào trong núi Sơn Chà.
Sau Tết Bính Thân - 1956, từ Hà Nội, Tư Thuận, tức Trương Chí Cương (từng làm Bí thư Quảng Nam - Đà Nẵng), ra Bắc làm Phó Ban Quan hệ Bắc - Nam, giao nhiệm vụ cho Nguyễn Trí Quang nghiên cứu lập đường dây trên biển nhằm vận chuyển người, tài liệu và hàng hóa từ Vĩnh Linh, vượt vĩ tuyến 17, vào Trung Man - Hòa Vang và ngược lại.
Tháng 3-1956, Nguyễn Trí Quang được triệu tập ra Hà Nội, gặp Phạm Hùng và Trương Chí Cương để nhận nhiệm vụ thành lập "đường dây liên lạc Bắc - Nam trên biển". Vào một đêm tối trời cuối tháng 3, đầu tháng 4-1956, thuyền lặng lẽ rời Vịnh Mốc, chạy ra cửa sông Nhật Lệ (Quảng Bình), mang theo tài liệu mật, 2 bộ con chữ in, thuốc tây, tiền Sài Gòn và những người con dũng cảm của Sông Đà, do Nguyễn Trí Quang - Bí thư Chi bộ - chỉ huy; Trần Ngọc Linh - Phó Bí thư Chi bộ và đảng viên Phan Xuân Đán (Quang) làm thuyền trưởng, cùng thủy thủ gan dạ Đoàn Hành và Trần Can người Hội An, ông Phạm Đủ quê Thăng An (Thăng Bình). Sau 2 ngày 2 đêm thuận buồm xuôi gió, thuyền cập vào Hòn Hành tại Liên Chiểu. (Sau mấy chục năm không mấy chú ý, gần đây người ta mới đưa ra kế hoạch làm cảng Liên Chiểu hiện đại hơn cảng Tiên Sa!).
Ông Phạm Đủ bắt được liên lạc với Trần Hữu Cử (Trần Hà), cán bộ của Thành ủy trụ lại, đóng vai người làm nghề buôn bán cá, sống hợp pháp hoạt động cách mạng, qua đó gặp được Nguyễn Thành Long - Bí thư Thành ủy. Sau 3 ngày, giao hàng xong, chiếc thuyền của Huỳnh Kim Tâm - ngư dân Sông Đà - tấp sát vào chân núi Sơn Chà, đón Bí thư Nguyễn Thành Long đang bệnh rất nặng, đưa ra Vĩnh Linh...
Đầu năm 1957, theo chủ trương của Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, đội thuyền mang tên "Tập đoàn đánh cá Sông Đà" nhận thêm nhiệm vụ cực kỳ quan trọng là đưa những cán bộ trụ lại sau 1954 bị đau ốm, kiệt sức, khó có điều kiện bám trụ lâu dài cùng nhiều cán bộ, đảng viên, cơ sở không còn khả năng hợp pháp… vượt biển ra miền Bắc để chữa bệnh, học tập. Kết hợp chuyển hàng, C2 - đơn vị vận chuyển ở Vịnh Mốc - đã đưa Trần Nhành và Nguyễn Duy Hưng (Sáu Hưng) rời hang Bờm Nở, trên mé núi Sơn Chà, xuống thuyền ra Vĩnh Linh. Sau khi ra Hà Nội một thời gian ngắn thì Trần Nhành về lại Sông Đà, bắt liên lạc lại với Trần Hữu Cử và các cán bộ trụ lại...
Đến thời chống Mỹ, các đời bí thư: Bốn Hương, Mười Khôi, Hồ Nghinh, Mười Chấp; cùng với Hà Kỳ Ngộ, Mai Đăng Chơn, Phạm Hồng Quang, Sáu Hưng, Năm Dừa... từ núi rừng Trường Sơn, đêm đêm lần về, xây căn cứ trong nhà dân, xây dựng "thế trận lòng dân". Nhờ vậy mà trụ được để duy trì cuộc chiến đấu cho đến ngày 29-3-1975, ngày lịch sử giải phóng Đà Nẵng thuộc chiến dịch mùa Xuân 1975 vĩ đại của quân và dân ta!
Người Việt Nam, người Quảng Nam - Đà Nẵng luôn tự hào về sức mạnh không gì so sánh của "thế trận lòng dân". Những quyết định sống còn, những thành tích vẻ vang của Việt Nam bao giờ cũng cần tiếng nói đồng thuận, tiếng nói đầy sức thuyết phục, những quyết sách hợp lòng dân và biết phát huy sức mạnh của văn hóa và lịch sử. Lịch sử về bán đảo Sơn Chà và những câu chuyện về di tích lịch sử trên bán đảo này và cả vẻ đẹp tuyệt vời của Sơn Chà là tài sản vô giá cần nâng niu giữ gìn và phát huy.
Phải giữ cho được
hòn ngọc Sơn Chà!
Bán đảo Sơn Chà có diện tích hơn 4.400 ha, dài 13 km, chu vi khoảng 60 km, độ cao trung bình 350 m, nơi cao nhất gần 700 m, cách trung tâm TP Đà Nẵng 10 km về phía Đông Bắc... Cùng với đèo Hải Vân và vịnh Đà Nẵng, bán đảo Sơn Chà như bình phong bao bọc, che chắn cho Đà Nẵng. Tôi gọi Sơn Chà là núi thiêng. Mỗi khi đài khí tượng thủy văn dự báo có cơn bão hướng vào miền Trung, vào Đà Nẵng thì nhiều bà con Đà Nẵng nghĩ về Sơn Chà. Họ cầu nguyện, mong cho bão xuống cấp, bão hãy lách đi!
Đặc biệt, Sơn Chà được đánh giá là khu sinh quyển độc nhất vô nhị ở Việt Nam, có hệ sinh thái phong phú, nhiều loài động - thực vật sinh sống, có loài voọc chà vá - một trong những loài động vật quý hiếm cần được bảo tồn. Là "lá phổi" cho Đà Nẵng, bởi Sơn Chà có khả năng tái tạo ôxy cho 4 triệu dân. Gìn giữ môi trường sinh thái Sơn Chà là gìn giữ cuộc sống cho người, cho cây và cho muông thú.
Gần đây, các nhà quản lý Sơn Chà luôn báo động: Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà có nguy cơ bị xâm hại và cháy rừng rất cao từ hoạt động tham quan của khách du lịch tự do. Muốn phát triển du lịch thì phải bảo vệ được di sản văn hóa, bảo vệ sinh thái, môi trường. Phát triển du lịch phải tuân theo quy hoạch và việc quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng phải được chính quyền các cấp thực hiện một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, do quy hoạch và định hướng về khai thác và phát triển Sơn Chà không rõ ràng, do lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm nên đã xảy ra tình trạng xây dựng không tuân thủ quy hoạch, không tuân thủ quy định về đầu tư xây dựng, diễn ra ở nhiều nơi với mức độ khác nhau. Có dự án không chỉ vi phạm quy định của pháp luật mà còn làm phương hại đến môi trường, tài nguyên sinh thái, di sản văn hóa. Điều này chính là không nghiêm chỉnh chấp hành chỉ đạo của Chính phủ về quy hoạch và khai thác Sơn Chà và cũng rất mâu thuẫn với quan điểm của ngành du lịch về phát triển du lịch.
Bình luận (0)