Nắm bắt được những băn khoăn của tuổi trẻ lạc lối trước những lựa chọn cuộc đời, ngay từ tác phẩm đầu tay của mình, tiểu thuyết "Down and Across" (tên tiếng Việt: "Ô chữ thanh xuân", Thanh Đình dịch, NXB Văn hóa - Văn nghệ ấn hành 2021), Arvin Ahmadi đã gây được tiếng vang trong lòng độc giả trung thành của YA - dòng sách của những tác giả trẻ viết cho giới trẻ và viết về tuổi trẻ.
Tiểu thuyết "Ô chữ thanh xuân" (diễn tả kết cấu của một bảng giải ô chữ, gồm những ô ngang dọc) có nhân vật chính là cậu thiếu niên người Mỹ gốc Iran, Scott Ferdowsi - người còn chẳng thể quyết định sáng nay ăn gì chứ đừng nói đến quyết định tương lai của mình.
Cuốn tiểu thuyết “Ô chữ thanh xuân” ấn hành tại Việt Nam
Cuộc đời phía trước của Scott giống như một ô chữ trống rỗng trước mặt mà cậu phải lựa chọn "chữ" thích hợp để điền vào, một chữ để định vị bản thân trong những năm dài rộng phía trước.
Nhân vật Scott không phải độc sáng của Arvin Ahmadi. Chủ đề tuổi trẻ băn khoăn đi tìm cái tôi, hoang mang định nghĩa chính mình không mới trong văn học. Trước "Ô chữ thanh xuân" đã có những hành trình đau đớn hơn, những chuyến lên đường hoang dại hơn, những cuộc nhận mặt chính mình mang đẫm tính triết học mà văn hào Hermann Hesse từng minh họa bằng hình ảnh "chú chim đấu tranh thoát khỏi quả trứng. Quả trứng là thế giới. Ai muốn được sinh ra, trước hết phải phá hủy một thế giới".
Scott là hậu sinh của những tuổi trẻ băn khoăn thuở trước. Chỉ khác, gánh nặng hiện sinh đã mất đi và chỉ còn những trạng thái mơ hồ, những cảm xúc vẩn vơ khó định hình.
Bởi Scott lại là nhân vật của thế kỷ XXI, thuộc một thế hệ có đầy đủ các phương tiện công nghệ trong tay để biết cách phô diễn cái tôi của mình. Đồng thời, mọi sự nổi tiếng, gây chú ý nào cũng giống như thứ thức ăn nhanh thể hiện rõ bản chất của một thời đại tiêu thụ, thừa mứa vật chất nhưng đánh mất đi cá tính.
Tiểu thuyết "Ô chữ thanh xuân" mở ra bằng khung cảnh Scott ở cửa hàng thức ăn nhanh McDonald’s "lăn tăn về phương hướng cuộc đời". McDonald’s vô tình trở thành một tượng trưng cho sự lựa chọn, với những đắn đo, mà dù chọn gì thì cũng chẳng "bổ béo".
Thực tế, mọi công việc Scott có được đều do bố mẹ giúp đỡ, vì thế cậu từ bỏ rất nhanh. Cuối cùng, cậu cũng dám đưa ra quyết định, một quyết định ngẫu hứng, đến Washington DC để tìm một nhà tâm lý học nổi tiếng nhằm giúp cậu tìm ra bí quyết thành công trong cuộc sống.
Trong hành trình của mình, cậu gặp cô sinh viên Fiora Buchanan, rồi Trent, Jeanette, những người bạn sẽ giúp mình "giải" ô chữ thanh xuân và cậu trải qua hết tình huống không mong đợi này đến chuyện oái oăm khác.
Đối với những tiểu thuyết như "Ô chữ thanh xuân", cái đích cuối cùng của cuộc hành trình, không quan trọng bằng trải nghiệm mà hành trình mang lại. Scott đi từ điểm không này đến điểm không khác. Cậu suýt bị giết, mất điện thoại còn ba mẹ cậu ít ngày nữa sẽ từ Iran trở về, đe dọa kết thúc chuyến phiêu lưu ngắn ngủi.
Những ngày đầu tiên khi bỏ đi, Scott than vãn: "Đời tôi là một đống tàn dư bầy hầy". Lời than vãn vừa trầm trọng nhưng cũng hài hước rồi đây sẽ thành giọng chủ đạo được duy trì xuyên suốt toàn bộ tiểu thuyết này, cũng chính là thứ lôi cuốn độc giả qua những trang tiểu thuyết vốn không có nhiều bất ngờ.
Bất chấp những vấn đề nghiêm túc dường như quá khổ đối với một tiểu thuyết YA, Arvin Ahmadi muốn nói về một giai đoạn mà bất kỳ người trẻ (đôi khi cả những người không còn trẻ) từng trải qua ít nhất một lần trong đời. Khi chúng ta đứng trước một tương lai trống rỗng như trước một trò ô chữ và phải lần hồi từng chút để tìm ra đáp án cho riêng mình.
Bình luận (0)