Đương nhiên, có lần đúng, lần trật. Và không hẳn lần nào Hà cũng có cơ hội để kiểm nghiệm độ chính xác của mình. Như đêm qua là giọng của gã đòi nợ lạ, giọng Bắc rặt. Bình thường Hà hay nghe giọng Nam nhiều hơn. Tự nhiên Hà muốn mở cửa nhìn sang nhà hàng xóm thử nhưng lại sợ lỡ cái thân hình hầm hố mà Hà hình dung ấy bất chợt quay lại phía Hà thì sao. Những thước phim kinh dị về một con quái vật tấn công khiến Hà bất an bỏ ý định.
Có lần Hà đoán trật lất một gã đi đòi nợ. Gã có giọng nói khàn đục, bất cứ câu nào cũng kèm thêm câu chửi thề. Câu nào ở đằng trước chưa có thì sẽ bổ sung vào vế sau. Luôn rất đầy đủ. Hôm ấy, Hà đang từ dưới cầu thang chung cư đi lên, phòng Hà nằm cách căn phòng thường xuyên có người đến đòi nợ 2 căn. Hà quay lui thì sợ bị phát hiện mà đi giáp mặt lại thấy rợn rợn. Cuối cùng, Hà cắm cúi đi thật nhanh về phòng mình, không dám nhìn mặt gã. Thật xui rủi, Hà đánh rơi thẻ xe ngay đoạn gã đứng. Gã - đương nhiên chẳng như trong phim - cúi lượm thẻ xe đưa cho Hà, rồi hai người chạm ánh mắt nhau; nhưng trong lúc tự cúi lượm thẻ xe, Hà đã thấy gã. Trái ngược hoàn toàn với suy đoán của Hà bao lâu nay, gã không xăm trổ, không cơ bắp, khuôn mặt thon dài, vầng trán che đi bởi chiếc nón lưỡi trai, áo sơ-mi trắng, quần tây đen, tóc cột thành túm sau gáy như những gã trai lớp nghệ thuật mà thời sinh viên Hà từng quen biết ở trong trường.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Hà vẫn không thể tin hình dáng thư sinh ấy lại gắn với giọng nói rất mang tính chuyên môn công việc kia.
Vài lần trong buổi họp dân ở chung cư, có người lên tiếng vụ đòi nợ chửi thề. Làm sao đi chứ, mấy căn hộ gần đó đều có trẻ em, lại không có cửa cách âm, để chúng nghe rõ mồn một như vậy đâu có được. Chưa kể, còn có cả ẩu đả nữa, lỡ chẳng may liên lụy tới người khác thì ai chịu trách nhiệm?
Nhưng phải làm sao? Người ta thiếu thốn, khó khăn mới phải đi mượn nợ, chứ có ai muốn đâu. Ở trên đời này ai mà không ít nhiều một lần đi vay mượn, miễn sao không phạm pháp, giết người, cướp của của ai là được, mắc mớ gì mà nói. Mấy người có ngon thì đi bịt miệng thằng chửi thề lại. Còn không nữa, muốn riêng tư nữa thì đừng có ở chung cư, mua nhà đất mà ở. Trời, nói gì mà ngang ngược.
Buổi họp ở chung cư, cả hai lần Hà tham gia đều thấy kết thúc bằng trận cãi vã mà tổ trưởng chẳng bao giờ giải quyết được. Cuối cùng, nhà nào về nhà nấy cho bớt căng não.
Dọc hành lang, Hà còn nghe giọng ấm ức của ai đó, suốt ngày đề đóm không chịu làm ăn mà còn lý với chả lẽ…
Hôm ấy, cô tổ trưởng gọi giật Hà lại, dặn cái điều mà lần trước đã dặn rồi nhưng chắc cô quên mất, vẫn với giọng điệu vừa nói vừa canh chừng để người khác đừng nghe thấy, rằng sống ở đây nếu có ai vay mượn tiền thì tuyệt đối không cho nghe chưa.
2.
Thường thì luôn có một sự bù đắp nào đó ở mọi khía cạnh trong cuộc sống này, Hà luôn tin như vậy. Vài người nhà biết được sự phức tạp ở chung cư này đã ngán ngẩm thay cho Hà. Chị gái nghe Hà kể đã tru tréo lên, nói rồi, ít nhất cũng phải tiếp cận với người dân hỏi thăm trước khi mua, xem thử họ có phàn nàn gì không. Ai lại lượm ngay cái tin rao nhà trên mạng, coi hôm trước, hôm sau đến đặt cọc. Lại còn đặt cọc ngay tháng bảy âm lịch nữa chứ, có ai gan cùng trời như mày không hả?
Chửi thì chửi vậy nhưng chị vẫn lo lắng hỏi, rồi nhắm có ở tiếp được không? Chứ cứ nay có người đòi nợ, mai có kẻ tạt vương vãi mắm tôm khắp nhà xe, mốt nhậu nhẹt say xỉn đập phá… Ở cái nơi mà con người thiếu ý thức như vậy sao mà yên ổn được. Mình sống lâu dài, lại làm việc trí óc nên cần phải có nơi yên tĩnh, không thì cũng văn minh chứ giống cái chợ trời như vậy, làm sao sống?
Nhưng ngoài sự phức tạp ấy ra, mọi thứ đều thoải mái với Hà. Thích nhất là khoản hẹn hò bạn bè cà phê. Phạm vi ngồi cà phê của tụi bạn Hà là những quận gần trung tâm, cho tiện đường cả đám, mà chung cư Hà ở lại ngay trung tâm.
Cái chung cư nghe nói có từ mấy chục năm nay rồi, cũ kỹ nhưng tường xây dày chắc chắn, tới hai mươi centimet - Hà nghe một anh thợ điện nói vậy khi tới bắt máy lạnh cho Hà. Mỗi năm một lần có nhóm người xuống kiểm tra độ an toàn nhưng chưa năm nào có tên trong danh sách những chung cư cần trùng tu, xây lại của thành phố. Vậy ra, vẫn còn an toàn chán.
Mỗi lần chúng bạn hẹn, Hà tự hào nói khi nào tụi bay tới quán thì gọi cho tao, tao đi bộ qua, 5 phút sau là có mặt liền.
Rồi đoạn kết của cuộc hẹn có rã rời mưa nắng với chúng bạn thì với Hà, vài bước chân là đến nhà, nằm thảnh thơi, không quan tâm kẹt xe, ngập lụt gì. Công việc cũng vậy, dù Hà có làm chính ở một nơi, chạy sô thêm vài nơi khác thì vẫn là những địa điểm cách nhà không quá 2 km, quá tiện.
Nhiêu đó cũng đủ để cân với những phiền phức khác. Vậy nên, thỉnh thoảng Hà có than thở vài câu nhưng nói tìm chỗ khác chuyển đi thì không. Với Hà, mua nhà cũng là cái duyên chứ không phải sự chọn lựa gì.
3.
Buổi trưa mây giăng xám trên nền trời, Hà vừa từ chỗ ăn trưa về văn phòng thì bất chợt một cánh tay níu lấy tay Hà. Hà giật thót người vì bất ngờ nhưng giọng nói ấy vang lên đầy khẩn khoản: "Em, chị nè, chị ở căn 112, cách em hai căn đó". Chị ta nói đến đó và chăm chú nhìn Hà, Hà đã nhận ra giọng nói "ngang như cua" của chị hôm đi họp chung cư - chị chính là chủ nhân của căn nhà thường xuyên có người đến đòi nợ, song giọng nói lần này nhẹ nhàng, ngọt lịm, nghe kỹ còn có tiếng nấc nghẹn trong cổ họng. Hà khẽ gật đầu tỏ ý đã nhận ra chị, chị ta tiếp: "Em cho chị mượn ít tiền nha, con chị bị tai nạn, nó đang nằm bên kia" - chị chỉ tay về phía bệnh viện bên kia đường - "Chị cần tiền gấp để đóng, chị đưa bé đi học nên không có mang tiền, đang định chạy về thì gặp em…".
Hà nhìn một lượt khắp người chị, vẻ hối hả thì rất thật nhưng không có bất cứ vết trầy nào dù nhỏ thôi, cho giống với người vừa mới gặp tai nạn giao thông. Lúc ấy, Hà đã kịp nhớ lại lời dặn của cô tổ trưởng. Nhưng không hiểu sao khi nhìn vào ánh mắt của chị ta, Hà rụt rè hỏi: "Chị cần bao nhiêu?". "2 triệu, lúc nào về chị gửi lại em ngay". Hà răm rắp mở túi xách đưa cho chị 4 tờ năm trăm. Hà đứng nhìn theo bóng chị khuất hẳn trong dòng người nơi cổng bệnh viện. Trong lòng có chút áy náy với sự đa nghi của mình khi nãy. Có mấy ai đi dựng chuyện xui rủi, ốm đau làm gì.
Nhưng sự áy náy đó biến mất khi Hà về đến chung cư vào buổi chiều chập choạng. Cô nhìn vô căn phòng chị qua song cửa, hai đứa con chị ở độ tuổi tiểu học, mặt mũi nhếch nhác đang giành nhau chiếc điện thoại, la chí chóe.
2 triệu - số tiền không quá lớn cũng không quá nhỏ, nhất là sau mùa dịch này, Hà đang nhận 50% lương để chia sẻ sự khó khăn chưa thể hồi phục của công ty. Coi như đó là cái phí phải trả cho việc không nghe lời cô tổ trưởng, nếu không lần này thì sẽ là lần khác thôi, chẳng thể tránh được, Hà nghĩ vậy để an ủi mình.
4.
Có tiếng gõ cửa. Ở nơi này Hà chưa quen ai, mọi vấn đề liên quan đến sinh hoạt chung đều được thông báo ở bảng tin, các thể loại phí mỗi tháng cũng chuyển khoản cho tiện. Nói chung, không riêng gì Hà mà hầu hết mọi người ở chung cư này tránh tiếp xúc với nhau nhất có thể. Vậy ai gõ cửa phòng Hà giấc tối này? Hà không tránh khỏi hồi hộp khi tiến những bước chân về phía cánh cửa, ở khe hở có thể nhìn ra bên ngoài, Hà thấy chị Nhiên - người mượn tiền Hà hôm trước. Có lẽ nào chị ấy sang để trả nợ Hà, có thể lắm chứ. Mới nghĩ đến điều đó, Hà đã nghĩ lan sang việc sẽ báo tin mừng đó với cô tổ trưởng.
Hà và chị Nhiên cùng nhìn nhau khi cánh cửa bật mở, chị lên tiếng trước: "Em có tiền không, cho chị mượn…". Hà gần như không chuẩn bị cho tình huống khiến mình hụt hẫng này. Cô cũng không phản ứng nhanh được với những sự việc không thuận theo dự đoán nhưng không hiểu sao Hà hỏi lại chị: "Chị cần bao nhiêu…", Hà thấy ánh mắt chị ánh lên niềm vui: "2 triệu, à 1 triệu thôi cũng được…".
Sáng hôm sau, Hà thức giấc đã nghe tiếng nói chuyện lao xao ngoài hành lang, lần này không phải những tay đòi nợ nhưng là những người lạ - chủ nhân mới của căn nhà. Họ đến để xác nhận xem chị Nhiên đã đi đúng như lời hứa chưa.
Hà nghe rõ giọng cô tổ trưởng hỏi thăm từng người chung quanh, xem chị Nhiên còn thiếu nợ những ai, tiện chia buồn luôn chứ nó trốn đi trong đêm kiểu này đời nào lấy lại được, đã dặn kỹ rồi cơ mà.
Hà nhớ lại lời chị Nhiên trong lúc cầm 1 triệu của Hà trên tay: "Lần này chị thuê nhà trọ ở, cũng gần đây thôi để không phải chuyển trường cho 2 đứa nhỏ. À, chị có mở quán bún riêu ở đầu dãy trọ, khi nào rảnh, em ghé chị ăn nha, còn tiền của em, nhất định chị sẽ trả lại".
Một buổi sáng cuối tuần, Hà lần theo địa chỉ có ghi trên tờ lịch mà chị Nhiên đưa hôm trước, những vòng bánh xe lần lượt quẹo vô con hẻm ngày càng nhỏ lại. Từ phía xa, Hà đã nhận ra dáng chị thoăn thoắt bên nồi bún riêu bốc khói, thơm lừng.
Bình luận (0)