Hơn một năm trước, vừa Tết Nguyên đán xong, anh Phạm Đức Mạnh đến Khoa Lịch sử chúc mừng Xuân mới. Anh bảo với tôi bằng cái giọng khàn khàn do hút thuốc lá, nhưng chủ yếu là đang bị K vòm họng, như khoe: "Này ông bạn cùng tuổi Quý Tỵ, năm nay là tròn 20 năm tôi về Khoa Lịch sử rồi đấy". Tôi nói vui: "Nhớ rồi, năm 2000 chứ gì".
Thực ra trước đó 20 năm, tôi đã biết anh tốt nghiệp chuyên ngành Khảo cổ ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Rồi anh hoàn thành nghĩa vụ quân sự trước khi đi Liên Xô làm phó tiến sĩ Khảo cổ học. Về nước, anh trở lại Viện Khoa học Xã hội (KHXH) tại TP HCM (nay là Viện KHXH vùng Nam Bộ).
PGS.TS Phạm Đức Mạnh giới thiệu sách “Đến với lịch sử văn hóa Biên Hùng - Đồng Nai”. Ảnh: Văn Truyên
Nhớ lần ngồi cà phê sáng với Lại Văn Sinh, vừa rời vị trí Cục trưởng Cục điện ảnh vào TP HCM chơi, anh nói như giãi bày với 2 người bạn cùng gốc Hà Nội: "Mình vào Viện KHXH vùng Nam Bộ vì thấy có Trung tâm Khảo cổ học, mê quá và tưởng sẽ hoạt động khảo cổ khắp vùng Nam Bộ. Khi vỡ lẽ thì chuyển về trường lúc đó mang tên Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP HCM, "oai lắm". Sang Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (KHXH-NV), được vào Đảng, vừa đi làm khảo cổ vừa đào tạo khảo cổ học, sướng thật".
Lại Văn Sinh thêm vào: "Ông thích làm lãnh đạo khoa học nên sang trường là phải". Tôi nói thay cho anh: "Không phải đâu, ở Viện KHXH tại TP HCM, anh đã làm Giám đốc Trung tâm Khảo cổ học rồi. Sang trường đi dạy, có hai lần làm Trưởng Bộ môn Khảo cổ và làm Giám đốc Bảo tàng văn hóa, đều do khoa và trường cắt cử mãi mới chịu đấy. Điều quan trọng là lần nào cũng có công gây dựng phát triển và đóng góp khoa học xứng đáng với niềm tin cậy của khoa và trường".
Năm 2007, anh Phạm Đức Mạnh nếu không tham gia xây dựng thì làm sao năm 2009 xuất hiện được Bảo tàng Lịch sử văn hóa ở Trường Đại học KHXH-NV - bảo tàng học đường đầu tiên trong hệ thống các trường đại học ở phía Nam? Năm 2013, nếu anh không ra tay thì làm sao ĐHQG TP HCM ra quyết định giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ ngành Khảo cổ học ở Khoa Lịch sử?
Nhớ năm 2007, viết kỷ yếu "Khoa Lịch sử 30 năm trên đường phát triển", anh thống kê 10 năm (1997-2007) danh mục 205 công trình khoa học cá nhân đã công bố. Tôi hốt hoảng bảo: "Như thế chiếm gần 1/5 tổng số bài của toàn khoa rồi đấy; tư duy khoa học nhanh và bút lực khỏe thế này thì 10-15 năm nữa là ra tuyển tập thôi". Quả nhiên năm 2019, nhìn lại 40 năm theo đuổi khảo cổ học, anh đã thống kê hơn 400 bài nghiên cứu khảo cổ được in trên báo, tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước; ngoài ra còn xuất bản mấy chục cuốn sách chuyên sâu về khảo cổ và lịch sử văn hóa.
Năm 2009, anh Phạm Đức Mạnh làm chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm loại B của ĐHQG TP HCM về "Di tích khảo cổ học thời văn hóa Óc Eo - hậu Óc Eo trên đất An Giang". Công trình hoàn thành được nhận Giải thưởng Trần Văn Giàu lần thứ IV-2009; sau đó in thành sách do NXB ĐHQG TP HCM ấn hành, làm cơ sở cho nhiều tỉnh, thành Nam Bộ nghiên cứu và giảng dạy về văn minh Phù Nam.
Hồi làm Trưởng Bộ môn Khảo cổ học, năm nào cũng thấy anh xăm xăm kéo quân đi điền dã. Trong mùa điền dã 2011-2012, Bộ môn Khảo cổ học do anh làm Trưởng Bộ môn thực hiện nhiều chương trình hợp tác điền dã và nghiên cứu với các bảo tàng, ban quản lý di tích - danh thắng các địa phương, xây dựng phương hướng đào tạo đại học và sau đại học, khai triển các đề tài nghiên cứu trọng điểm ĐHQG TP HCM tập trung vào địa bàn các tỉnh, TP Nam Bộ.
Gần đây, sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh trong và ngoài ngành khảo cổ tìm đọc nhiều sách khảo cứu của anh như: "Lạm bàn về niên biểu tục thờ mẫu và cá tính Nam Bộ trong di sản đình miếu - lăng tẩm nữ quý tộc Nam Bộ thời cận đại"; "Đền thờ và mộ táng "Danh sĩ xứ Dừa" thời cận đại"; "Mộ hợp chất Cầu Xéo (Long Thành - Đồng Nai)"; "Tiền sử-Sơ sử Đông Nam Bộ"; "Ngàn xưa bên đôi bờ Sông Bé"… Hóa ra, khảo cổ dễ dẫn dắt nhà nghiên cứu lân la sang cổ sử và cả văn hóa nữa.
Nhìn cách anh viết bài báo khoa học có chú thích, chú giải, dẫn nguồn dài dằng dặc; cách anh làm hồ sơ phong tặng học hàm hay hồ sơ xét tặng danh hiệu nhà giáo cẩn thận đến từng minh chứng, mới thấy anh có đức kiên nhẫn của người làm khoa học đích thực, xứng đáng là phó giáo sư năm 2005, Nhà giáo Ưu tú năm 2020. Đọc bài "Tưởng nhớ nhà Việt Nam học PGS-TS Nishimura Masanari (1965-2013)", mới biết tâm hồn và tình cảm chân tình, mộc mạc của anh sống với đồng nghiệp trong và ngoài nước thế nào!
Năm 2019, kỷ niệm 320 năm hình thành và phát triển Biên Hòa - Đồng Nai, tại Văn miếu Trấn Biên, Câu lạc bộ Người Đồng Nai và Trung tâm Văn miếu Trấn Biên tổ chức chương trình giao lưu giới thiệu sách "Đến với lịch sử văn hóa Biên Hùng - Đồng Nai" của anh. Ở đấy, người ta bảo ở đâu có dấu vết văn hóa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, ở đó có dấu chân, mồ hôi, chất xám và thông tin tin cậy của PGS-TS Phạm Đức Mạnh. Ở đấy, người ta nói anh là tác giả và đồng tác giả nhiều đầu sách giá trị viết về Đồng Nai như: "Mộ cổ Đồng Nai"; "Địa chí Đồng Nai"; "Khảo cổ Đồng Nai - Thời tiền sử"; "Di tích mộ, đền thờ Đoàn Văn Cự"; "Hàng Gòn, kỳ quan cự thạch Việt Nam"; "Những phát hiện mới về thời sơ sử trên miền đất đỏ Bazan Long Khánh, điều tra khảo cổ học di tích mộ hợp chất Cầu Xéo, Long Thành - Đồng Nai"... Ở đấy, người ta truyền tai nhau: "Anh thuộc lòng những địa chỉ văn hóa ở Đồng Nai, nhiều công trình có tiếng vang, nhiều kiến giải đóng góp quan trọng cho khoa học lịch sử Đồng Nai. Anh đã góp phần "giải mã" mảnh đất Đồng Nai như một địa văn hóa - lịch sử quan trọng ở phương Nam và định danh khoa học cho "Đồng Nai là giảng đường đặc biệt của người làm khảo cổ"".
Sáng nay, không biết vô tình hay hữu ý, tôi mở tủ lấy quyển sách anh tặng, đọc chưa hết lời giới thiệu thì bỗng nhận được hung tin. Thôi thế là anh đi rồi, nhẹ như cơn gió thoảng giữa những ngày giãn cách phòng chống đại dịch Covid-19. Chẳng thể đến thắp nén tâm nhang cho bạn được, chỉ ngồi đọc để hiểu thêm cách anh "giải mã" về loại hình di tích khảo cổ học lịch sử mộ táng hiện hữu ở Nam Bộ; thấy giống như anh vừa ngược về với quá khứ đời người vậy - chẳng cần ai giải mã cho mình.
Bình luận (0)