Trong số những nghệ sĩ sáng tác, Phan Vũ là một trường hợp độc đáo về cá tính sáng tạo. Dù đã thuộc lứa "cổ lai hy" (92 tuổi) nhưng hiện nay ông vẫn hăm hở viết, vẽ với bút lực sung mãn không thua gì người trẻ.
Phan Vũ sinh năm 1926 tại Hải Phòng. Ba mẹ ông là người Đà Nẵng, họ gặp nhau ở thành phố hoa phượng đỏ rồi sinh ra ông ở đó. Ảnh: TƯ LIỆU
Trước hết, phải thừa nhận rằng Phan Vũ là người có thể lực tốt, khỏe mạnh và bao giờ cũng miệt mài lao động nghệ thuật. Cứ nhìn số lượng tranh sơn dầu ông đã vẽ trong thời gian gần đây thì rõ. Từng mảng màu được bố cục chặt chẽ, "có nghề" đã khiến từ các họa sĩ đến công chúng đều phải thán phục, trầm trồ khen ngợi.
Trước đây, với kịch bản "Lửa cháy lên rồi", "Thanh gươm và bà mẹ"… Phan Vũ là người của sân khấu. Tuy nhiên, ông còn là người của điện ảnh khi đạo diễn các bộ phim như "Bí mật thành phố cấm", "Như một huyền thoại"…
Tuy nhiên, một khi nhắc đến ông, không thể không nhắc đến trường ca "Em ơi! Hà Nội phố". Ông đã từng tâm sự trên báo rằng khi B-52 của Mỹ bắn phá thủ đô vào tháng chạp năm 1972, với lời hăm he "đưa Hà Nội trở lại thời kỳ đồ đá", ông khởi viết những câu đầu tiên: "Em ơi! Hà Nội phố... Ta còn em, mùi hoàng lan, ta còn em, mùi hoa sữa...". Điệp từ "Ta còn em..." được lặp lại trong từng đoạn của bài thơ. "Ta còn em..." là còn những hoài niệm yêu thương của ông về Hà Nội mà đôi lần khi trong trạng thái cần nương tựa, an ủi, ông lại tìm về…
Và trường ca này trở nên phổ biến sâu rộng là lúc nhạc sĩ Phú Quang đã chắt lọc phổ nhạc, để rồi "Em ơi! Hà Nội phố" có sức sống lâu bền âm vang sâu thẳm trong lòng người mộ điệu.
Với Phan Vũ, thơ mới chính là "góc khuất" diệu kỳ và kỳ lạ nhất. Dù chưa nhiều người được đọc toàn bộ thơ ông, nhưng với tập thơ mới vừa xuất bản: "Ta còn em" (NXB Hội Nhà văn -2018), bạn đọc đã nhìn ra chất thi sĩ thấm đẫm nỗi khắc khoải, u hoài trong từng câu chữ: "Xưa tôi có bình, đợi một bông hoa đỏ/ Đến khi bình vỡ rồi thì đầy đường hoa đỏ".
Đọc lại lần nữa, mới hay rằng trong câu chữ ấy, có điều gì buồn bã mà vẫn lấp lánh ánh sáng của sắc màu. Và không phải ngẫu nhiên tôi liên tưởng đến màu đỏ trong thơ Thanh Tùng: "Hoa như mưa rơi rơi/ Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi/ Như máu ứa một thời trai trẻ"; lại nhớ về câu thơ của Nguyễn Mỹ: "Chiếc áo đỏ rực như than lửa/ Cháy không nguôi trước cảnh chia ly". Cũng sắc đỏ ấy nhưng tâm thế của Phan Vũ lại khác. Tôi không nghĩ đó là câu thơ tình. Phải là câu thơ của tâm trạng nói với riêng mình thì đúng hơn. Để rồi, lại có lúc ông thẫn thờ như một sự tiếc nuối mơ hồ:
"Tôi có một chiếc bình/ vẫn để không/ trong góc phòng/ Im lìm lặng lẽ/ như một nỗi cô đơn tĩnh vật/ trinh nguyên/ Một chiếc bình màu xanh/ ngóng mong một bông hoa thẫm đỏ"
Sự ngóng đợi ấy là một biểu tượng nội tâm của chính Phan Vũ đang hướng tới chăng? Những câu thơ của ông viết ra như một sự giãi bày, không uốn éo làm dáng, nó bật ra như một tiếng thở dài:
"Tôi vẽ dọc ngang/ Chi chít những song hành/ Câu hát đen đồng nghĩ/ Với phán truyền/ Tôi vẽ một lõa lồ/ Không che đậy/ Nguyên khổ những hình hài khao khát/ Đam mê".
Vâng, khi bước sang hội họa cũng là một Phan Vũ của những câu thơ gieo vào lòng ta một nỗi buồn man mác. Không phải ngẫu nhiên, khi vẽ tranh, thỉnh thoảng ông lại ghi thêm những câu thơ ngẫu hứng. Qua bức "Tự họa", ông thổ lộ: "Thời gian ghi những gì cho khuôn mặt/ rồi xóa đi như một chối từ…". Mà phải thế thôi, thơ là gì nếu không là tiếng thì thầm sâu kín nhất không thể chia sẻ với ai, ngoài trang giấy? Hội họa là gì, nếu không là sự nối tiếp, kéo dài thêm của thơ, một khi tâm trạng ngổn ngang sắc màu cần phải phơi lên toan vải với từng nhát màu ngẫu cảm?
Bề ngoài của Phan Vũ với sự vạm vỡ khỏe mạnh, phơi phới sức sống và thừa sức hấp dẫn phái đẹp, nào ai biết phía sau ấy, bên trong ấy đã vọng về tiếng nói thầm nào từ cõi hư không? Không ai biết. Chỉ có thơ và sắc màu của ông biết đến. Thế là đã đủ, đã đầy đủ cho một Phan Vũ - chàng nghệ sĩ đã sống tận hiến cho cõi nhân sinh này với tất cả cuồng nhiệt hồn nhiên, thăng hoa say đắm…
Bình luận (0)