Ngày 24-3, tỉnh Quảng Ngãi đã đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt về văn hóa Sa Huỳnh của Thủ tướng Chính phủ. Đây có thể xem như một bước đệm để tỉnh Quảng Ngãi từng bước phát huy giá trị ngàn năm của nền văn hóa cổ xưa vẫn chưa được nhiều du khách biết đến.
Nhiều di tích giá trị
Để cụ thể hóa phát huy giá trị di sản văn hóa Sa Huỳnh, tỉnh Quảng Ngãi đã từng bước phục dựng lại không gian văn hóa Sa Huỳnh, tập trung thu hút các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động tham quan, du lịch.
Theo TS Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, văn hóa Sa Huỳnh có 5 địa điểm chính gồm các di tích: Long Thạnh (còn gọi là gò Ma Vương), Phú Khương, Thạnh Đức, đầm An Khê - lạch An Khê và quần thể di tích Chăm Pa. Đây là quần thể di tích tiếp nối nhau phân bố liên tục trong không gian đầm, biển và cồn cát Sa Huỳnh.
Khách du lịch tham quan đầm An Khê - nơi được xem là trái tim của văn hóa Sa Huỳnh
Hiện nay, tại Quảng Ngãi đã tìm thấy hơn 10 di tích văn hóa Sa Huỳnh ở cả vùng núi, vùng đồng bằng ven biển và hải đảo. Các di tích khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh tiêu biểu nhất của Việt Nam hiện nay là hệ thống các di tích: Sa Huỳnh, Thạnh Đức, Phú Khương, Long Thạnh I, Long Thạnh II (gò Ma Vương), phân bố xung quanh đầm nước ngọt An Khê và đầm nước mặn phía Nam đầm này với tổng diện tích 1.615 ha. Trong đó, diện tích mặt nước đầm An Khê là 347 ha và đầm nước biển Sa Huỳnh gần 120 ha. Đây chính là vùng lõi, vùng bảo vệ đặc biệt của di sản văn hóa Sa Huỳnh.
"Đầm nước ngọt An Khê được hình thành trước khi người Sa Huỳnh đến cư trú, các thềm biển, đụn cát đã hình thành và ổn định trước 3.500 năm. Các di tích khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh ở 2 xã Phổ Khánh và Phổ Thạnh hội tụ đầy đủ tính nguyên vẹn, xác thực và tính nổi bật về lịch sử văn hóa. Đây là bằng chứng cho một giai đoạn lịch sử cư trú, khai phá vùng đồng bằng ven biển của cư dân từ tiền Sa Huỳnh sang văn hóa Sa Huỳnh, đại diện tiêu biểu nền văn hóa Sa Huỳnh ở Việt Nam và khu vực" - ông Đoàn Ngọc Khôi nói.
Còn theo GS-TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Sa Huỳnh gần như còn giữ lại được không gian sinh tồn của người cổ Sa Huỳnh - từ môi trường sinh thái, địa lý nhân văn, địa chất, địa mạo…
Bước đệm phát triển du lịch
Ông Võ Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi - cho biết di tích văn hóa Sa Huỳnh được công nhận di tích quốc gia đặc biệt đã mở ra cơ hội, động lực mới cho địa phương. Giai đoạn 2025 - 2030, thị xã Đức Phổ định hướng du lịch sẽ trở thành kinh tế trọng điểm, vì vậy địa phương sẽ tăng cường quảng bá, xúc tiến, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, cơ hội đầu tư với các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng để bảo đảm phục vụ phát triển du lịch thuận lợi. Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn nhằm phục vụ phát triển du lịch, khai thác tối đa di tích văn hóa Sa Huỳnh.
Ông Lê Minh Phụng - Phó Chủ tịch UBND phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ - cho hay hiện nay người dân đã thành lập 2 hợp tác xã du lịch cộng đồng làng gò Cỏ và gò Ma Vương. Theo đó đã tập trung tôn tạo, chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, xây dựng các homestay, dịch vụ ăn uống, tham quan và trải nghiệm hoạt động đan lưới, hát hố, bài chòi… phục vụ du khách.
Theo ông Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, di tích văn hóa Sa Huỳnh vẫn còn hoang sơ, nhất là đầm An Khê, nên là địa điểm rất hấp dẫn du khách. Tỉnh sẽ sớm hỗ trợ phục dựng lại các làng nghề để gìn giữ những hoạt động văn hóa, hình thành các điểm du lịch xanh, du lịch nông thôn.
"Tỉnh sẽ đầu tư phát triển huyện đảo Lý Sơn, không gian di tích văn hóa Sa Huỳnh và kết nối với các khu, điểm du lịch của các tỉnh miền Trung, TP HCM, Hà Nội nhằm tạo nên chuỗi du lịch hấp dẫn" - ông Trần Hoàng Tuấn kỳ vọng.
Bình luận (0)