Từng một thời là "đặc sản" trên truyền hình khu vực phía Nam nhưng nhiều phim bối cảnh xưa gần đây dần giảm sức hút với khán giả màn ảnh nhỏ vì chất lượng phim không như kỳ vọng. Điển hình là 2 bộ phim kể về cuộc đời những mỹ nhân Sài Gòn xưa: "Mộng phù hoa" của đạo diễn Quế Ngọc - Nam Yên, "Mỹ nhân Sài thành" của đạo diễn Lê Cung Bắc, đang được phát sóng trên VTV, không tạo được sức hút đối với người xem.
Yếu từ kịch bản đến dàn dựng
Một thời, hàng loạt phim bối cảnh xưa chuyển thể từ tiểu thuyết của các nhà văn như "Đất phương Nam" (đạo diễn: Vinh Sơn), "Người đẹp Tây Đô" (đạo diễn: Lê Cung Bắc) hay một loạt phim chuyển thể từ các tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh: "Tân Phong nữ sĩ", "Tình án", "Khóc thầm", "Con nhà nghèo", "Cay đắng mùi đời", "Nợ đời", "Tại tôi"... gây tiếng vang, làm nức lòng người xem. Với sự đầu tư chỉn chu từ kịch bản, bối cảnh, trang phục, diễn xuất, các phim này mang đến cho khán giả những câu chuyện cảm động, nhân văn và sự trải nghiệm ấn tượng về cuộc sống, văn hóa của người Nam Bộ xưa.
Vì vậy, ngay khi thông tin "Mộng phù hoa", "Mỹ nhân Sài thành" được lên sóng giờ vàng VTV, nhiều khán giả mê phim bối cảnh xưa mong đợi, hy vọng được trải nghiệm thú vị. Nhưng thực tế, cả "Mộng phù hoa" và "Mỹ nhân Sài thành" đều chưa tạo được sức hút. Nguyên nhân có nhiều nhưng tập trung vào phần kịch bản nhiều sạn, tình tiết vô lý, xa lạ. Nhà báo Cát Vũ nhận xét: "Cả phim "Mộng phù hoa" và "Mỹ nhân Sài thành" đều có nhịp độ chậm, không hợp gu thưởng thức của khán giả trẻ. Phim "Mộng phù hoa" có tình tiết mỗi tập không hấp dẫn dù chen nhiều cảnh giường chiếu xoay theo cuộc đời kỹ nữ Ba Trang, câu chuyện kéo dài, chậm một cách cố ý đến mức cường điệu. Tôi thấy "Mộng phù hoa" giống kịch truyền hình hơn phim. Phim bối cảnh đẹp, trang phục và diễn viên đều đẹp nhưng đôi lúc đẹp quá lại giống sân khấu, màu mè, không thật so với dòng phim phản ánh cuộc sống Sài Gòn những năm 1930-1940".
Cảnh trong phim "Mộng phù hoa". (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Nhà phê bình Ngô Ngọc Ngũ Long cho rằng phim dù mới chiếu vài tập đầu nhưng "Mỹ nhân Sài thành" có nhiều chi tiết phóng đại, không đúng nên không cuốn hút khán giả từng sống qua thời đó. Như phần thi hoa hậu, thời xưa rất đơn giản, không nhà tài trợ này nọ nhưng trong phim lại có cho thêm phần cầu kỳ. Với khán giả trẻ, phim bối cảnh xưa có phần xa lạ, thiếu gần gũi và chậm, không cuốn hút. Trong khi đó, với khán giả có tuổi, muốn tìm lại kỷ niệm xưa qua phim thì lại bắt gặp nhiều "sạn", nhiều điều chưa đúng nên bực mình, không muốn theo dõi tiếp phim.
Cần sự đổi mới, sáng tạo
Nhiều người trong giới cho rằng phim bối cảnh xưa chất lượng ngày càng giảm phần lớn vì vốn đầu tư cao, nếu đầu tư đúng thì trong tình hình phim truyền hình khó khăn như hiện nay sẽ khó có lãi. Điều quan trọng mà không ít người trong giới cũng như khán giả chỉ ra là thiếu bối cảnh, thiếu kịch bản để có thể tạo ra một tác phẩm có câu chuyện trong bối cảnh xưa đủ sức chinh phục được khán giả.
"Dòng phim bối cảnh xưa từ trước đến nay sở dĩ chinh phục được khán giả là nhờ kịch bản chuyển thể từ tác phẩm văn học được nhiều người yêu thích, như "Đất phương Nam" từ tiểu thuyết "Đất rừng phương Nam" của nhà văn Đoàn Giỏi, "Người đẹp Tây Đô" chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Trầm Hương. Mới đây nhất là phim "Thương nhớ ở ai" của đạo diễn Lưu Trọng Ninh cũng được chuyển thể từ tác phẩm "Bến không chồng" của nhà văn Dương Hướng. Những phim thuộc dòng này làm bằng kịch bản không phải chuyển thể từ tác phẩm văn học nổi tiếng hầu như chưa đủ tạo sức bật thu hút khán giả" - biên kịch Thanh Hương nói.
Cảnh trong phim "Mỹ nhân Sài thành". (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Nhà phê bình Ngô Ngọc Ngũ Long cũng cho rằng những phim chuyển thể từ tiểu thuyết khai thác đúng tâm lý nhân vật sống thời đó nên người xem thấy thuyết phục. Nhưng nay, nhiều biên kịch viết kịch bản phim bối cảnh xưa lại đặt tâm lý nhân vật sống ở thời hiện đại vào nên chưa thể lột tả đúng tâm lý, cách hành xử của nhân vật lúc đó, dẫn đến người xem thấy không hợp lý, chán nản. Phim muốn chinh phục khán giả trẻ thì cần có sự thay đổi, đẩy nhanh mạch phim, cao trào trong mỗi tập, còn nếu muốn chinh phục khán giả trung niên buộc giữ tâm lý nhân vật phù hợp với thời điểm phản ánh.
"Tôi nghĩ dòng phim bối cảnh xưa đến lúc cần sự sáng tạo, một hướng tươi mới hơn nhưng vẫn giữ được giá trị cốt lõi" - nhà biên kịch Thanh Hương bày tỏ.
Chẳng đọng lại gì...
Hầu hết người trong giới cho rằng sự đổi mới là cần thiết nhưng đổi mới thế nào để vẫn có được tác phẩm nổi bật, chinh phục được khán giả nhiều thế hệ là điều không dễ. "Đạo diễn cứ mặc định phim bối cảnh xưa phải chậm, nói chậm, diễn tiến chậm, tình tiết chậm... nhưng chậm quá cũng gây nhàm chán, nhất là khi chậm mà tình tiết chẳng có gì cuốn hút, thiếu cao trào, chỉ là các nhân vật đối thoại qua lại rồi hết một tập, chẳng đọng lại gì cho khán giả. Tôi thấy nếu có thay đổi, vẫn giữ những tâm lý, cách ứng xử như người xưa nhưng mạch phim cần tăng tốc, mỗi tập đều có yếu tố gay cấn để khán giả còn thích thú chờ đón tập sau" - nhà báo Cát Vũ gợi ý.
Bình luận (0)