"Thạch Thảo" là tác phẩm điện ảnh thứ hai do đạo diễn Mai Thế Hiệp thực hiện và cũng là tác phẩm thứ hai được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phê duyệt đầu tư 70% chi phí sản xuất theo đề nghị của Cục Điện ảnh sau "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh". Phim khai thác đề tài học đường, tuổi thanh xuân đậm chất Việt, lột tả được sự trong trẻo, dễ thương của lứa tuổi học trò nhưng kịch bản không xuất sắc, thiếu chiều sâu cần thiết để chinh phục toàn bộ khán giả.
Chê nhiều hơn khen
Thành công của "Em chưa 18", "Cô gái đến từ hôm qua", "Tháng năm rực rỡ" thúc đẩy các nhà làm phim Việt mạnh tay đầu tư vào dòng phim đề tài học đường, tuổi thanh xuân. Nhưng từ đó đến nay, phim Việt thuộc nhóm đề tài này chưa có tác phẩm thật sự có chất lượng, thắng doanh thu. Những phim như: "Hạ cuối tình đầu", "Em gái mưa" đều bị chê nhiều hơn khen, ra rạp rồi mất hút. "Hạ cuối tình đầu" tập trung khai thác sự nổi loạn của các cô gái cuối lớp 12 nhưng nửa vời, rời rạc. "Em gái mưa" quá non nớt về kịch bản, tình yêu tuổi học trò cũng trong trẻo, đáng yêu nhưng xử lý khiên cưỡng.
Cảnh trong phim “Thạch Thảo”. (Ảnh do nhà sản xuất phim cung cấp)
Trong lúc khán giả đang ngán ngẩm với dòng phim này thì "Thạch Thảo" xuất hiện thu hút sự chú ý. Nội dung phim tập trung khai thác câu chuyện về Thạch, một học sinh hoạt bát, chuyển lên Kon Tum cùng với anh trai là thầy giáo Thiết. Ở lớp mới, Thạch làm quen với nhiều bạn và có cảm tình với Thảo - một cô gái xinh đẹp nhưng tính cách lạ kỳ cùng nỗi u uất khó biết. Tình bạn ban đầu giữa hai người dần phát triển thành tình yêu tuổi mộng mơ. "Thạch Thảo" (có kinh phí 15 tỉ đồng) được ghi nhận có nhiều điểm sáng. Dàn diễn viên trẻ nhưng chất lượng. Hai diễn viên chính tròn vai còn dàn phụ có vài gương mặt tạo được dấu ấn với khán giả như nhân vật Tùng Ú duyên dáng, A Rok thân thiện, cô giáo Mi Ngor dễ thương làm bật lên chất thanh xuân trong trẻo. Kon Tum trên phim được khắc họa tươi đẹp qua những cánh rừng nguyên sinh ngút ngàn, nhà thờ gỗ, cầu treo, thác nước nổi tiếng. Những đặc sản vùng cao như canh cà đắng, cơm lam muối é được khéo léo đưa vào. Bên cạnh đó, "Thạch Thảo" cũng cài cắm những vấn đề thời sự như nạn xâm hại tình dục vị thành niên, khai thác vàng trái phép...
Đòi hỏi chiều sâu
"Thạch Thảo" dù trong trẻo, dễ thương vẫn khó có thể thu hút bởi khâu kịch bản thiếu chiều sâu. Phim nhắm đến đối tượng khán giả học trò nên cố tình xây dựng một câu chuyện dễ hiểu, dễ đoán nhưng hời hợt, thiếu chặt chẽ, cao trào cần thiết. Nội dung ôm đồm, lan man, mở ra nhiều vấn đề nhưng lại chọn cách giải quyết đơn giản, chóng vánh, chưa đủ tạo sức nặng đối với khán giả. Việc xây dựng nhân vật chưa làm bật lên được tính cách, tâm lý. Chính điều này đã khiến thông điệp về vấn nạn xâm hại tình dục đáng được tô đậm trở nên mờ nhạt, tư tưởng của phim cũng vì thế mơ hồ. "Tôi thích phim vì dàn diễn viên trẻ hợp vai, lời thoại phim rất cập nhật, tạo được tiếng cười duyên. Những kỷ niệm tuổi học trò như trốn học, bị lớp trưởng ghi sổ hay thậm chí đánh nhau,... khiến tôi nhớ lại tuổi học trò của mình và thích sự trong trẻo, đáng yêu này hơn so với phong cách trường quốc tế sang trọng của "Em chưa 18". Tuy nhiên, "Thạch Thảo" thiếu đi sự sâu sắc thuyết phục ở vài tình tiết cùng cái kết chóng vánh" - khán giả Nguyễn Thị Nguyên (Bình Chánh, TP HCM) nhận xét. Đạo diễn Mai Thế Hiệp cũng thừa nhận mình cố tình giải quyết câu chuyện theo cách đơn giản để chiều lòng khán giả tuổi teen. Lứa tuổi này, các em thích sự giải quyết nhanh gọn, không phải suy nghĩ quá nhiều.
Thực tế, nếu so về mặt kịch bản, "Thạch Thảo" không bằng được "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", "Cô gái đến từ hôm qua". Các phim này đều có được sự cộng hưởng ăn khách từ sách đến phim. Đặc biệt, "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" tạo độ lan tỏa lớn là nhờ lần đầu chú trọng khai thác vẻ đẹp thiên nhiên đầy cảm hứng trên phim. Sau phim này, cảnh đẹp đã không còn là "chiêu" lạ để thu hút khán giả hay tạo hiệu ứng trên mạng.
Nhiều người trong giới cho rằng ngoài yếu tố trong trẻo và dễ thương đúng tuổi học trò nếu tập trung khai thác sâu vào một thông điệp có lẽ sẽ hữu hiệu hơn cho dòng phim học đường hiện nay. "Tôi thấy bất kỳ thể loại phim nào dù học đường hay kinh dị, tình cảm hài, hành động... điều quan trọng nhất là có được câu chuyện sâu sắc, đủ để thuyết phục khán giả. Kịch bản tốt sẽ góp phần quan trọng vào thành công của tác phẩm. Đây là thời điểm thị hiếu khán giả đã được nâng cao chứ không đơn giản chạy theo diễn viên ngôi sao hay một câu chuyện hời hợt chỉ có chọc cười bất chấp" - biên kịch Thanh Hương khẳng định.
Lép vế bên "bom tấn" ngoại
Sau hơn một tuần công chiếu đón đầu dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, "Thạch Thảo" vẫn trụ được với bình quân 3-4 suất một ngày ở các cụm rạp. Đây không phải mức tệ nhưng cũng chẳng cao đủ để kỳ vọng vào doanh thu tốt như "Tháng năm rực rỡ", "Cô gái đến từ hôm qua" hay "Em chưa 18" làm được. "Khán giả phản ứng với phim hơi chậm do có thể dàn diễn viên quá trẻ, chưa tạo được sự tin tưởng ban đầu. Sau khi phim ra rạp lượng khán giả quan tâm tăng lên. Tôi vẫn hy vọng với sự truyền miệng tăng trong giới trẻ, doanh thu phim tốt hơn" - đạo diễn Mai Thế Hiệp cho biết. Đối đầu trực tiếp với "bom tấn" ngoại "Sinh vật huyền bí: Tội ác của Grindelwald" ra rạp cùng ngày, "Thạch Thảo" lép vế hẳn. Hiện tại, suất chiếu của "Sinh vật huyền bí: Tội ác của Grindelwald" vẫn duy trì 6 -10 suất ở các cụm rạp khác và 16-20 suất ở cụm rạp phát hành chính.
Bình luận (0)