Không phải đến bây giờ khán giả điện ảnh, truyền hình mới dành lời khen ngợi cho những bộ phim của Tây Ban Nha. Trước đó, bộ phim "Phi vụ triệu đô" đã giữ chân khán giả bởi sức hấp dẫn gay cấn của nó. Nếu người xem hâm mộ loạt phim "Ocean’s Eleven" và "Ocean’s Eight" thì chắc chắn không thể bỏ qua loạt phim này của Tây Ban Nha. Câu chuyện về một băng cướp 8 người với những tài năng dị biệt đang cố gắng thực hiện một vụ cướp ngân hàng lớn nhất thế kỷ trị giá 2 tỉ euro khiến người xem phải suy nghĩ để nhận ra giữa kẻ cướp và cảnh sát ai là thiện, đâu là ác. Trong khi đó, "Cable Girls" hay "Elite" cũng của điện ảnh Tây Ban Nha được đánh giá là một trong những bộ phim xuất sắc. Trong đó, "Cable Girls" là loạt phim ca ngợi sức mạnh của phụ nữ một cách tinh tế ở thời đại mà "bình đẳng giới" là khái niệm không tồn tại, còn "Elite" cuốn hút bởi kịch bản táo bạo, những vấn đề ẩn khuất trong xã hội được vạch trần ngay ở ngôi trường thuộc đẳng cấp cao của Tây Ban Nha.
"Bordertown" của điện ảnh Phần Lan thu hút người xem bởi câu chuyện của một viên thám tử tài năng chấp nhận công việc tại vùng quê heo hút ở thị trấn nhỏ gần biên giới Nga để có thể dành nhiều thời gian hơn cho người vợ bị ung thư não. Hay với "Dark", bộ phim của Đức thu hút người xem từ những giây phút đầu tiên bởi vụ án mất tích khó hiểu. Bộ phim "Suburra: Blood in Rome" của Ý lấy cảm hứng từ những vụ án hoàn toàn có thật xảy ra tại thành phố Rome xinh đẹp: tham nhũng trong chính trị, rửa tiền ở nhà thờ, những giao dịch ngầm của các băng đảng mafia khét tiếng. "The Rain" của Đan Mạch lại khai thác chủ đề tận thế vốn đã quen thuộc theo một cách mới lạ. Trong khi đó, "Okkupert (Occupied)" của Na Uy lại đào sâu vào những vấn đề thời sự, chính trị, quân sự đầy lôi cuốn. Còn "Call my agent!" của Pháp lại xoay quanh cuộc sống văn phòng của một công ty quản lý, không chỉ vẽ lên khung cảnh Paris thanh lịch đúng như những gì ta tưởng tượng mà còn đề cập thẳng thắn đến các vấn đề bất bình đẳng giai cấp, bình đẳng giới….
Không ngoa khi nói rằng thế độc tôn của điện ảnh Hollywood đang bị đe dọa. Không thể phủ nhận lối đi tiên phong trong khai thác đề tài của Hollywood nhưng nhu cầu doanh thu và áp lực khán giả khiến Hollywood đang dần đi vào lối mòn với những siêu anh hùng hay phụ thuộc tối đa vào sức mạnh tối thượng của "chiếc đũa thần kỳ" công nghệ. Điều đó khiến cho điện ảnh Hollywood luôn luôn hoành tráng, lung linh nhưng thiếu chiều sâu, bỏ mất một thị phần quan trọng khác, những khán giả muốn tìm kiếm khoảng lặng, độ lắng trong các câu chuyện phim để suy ngẫm, phân tích và sống cùng với nó.
Khi bộ phim "Parasite" của điện ảnh Hàn Quốc giành chiến thắng vang dội tại lễ trao giải Oscar vừa qua cũng là lúc điện ảnh thế giới đã khẳng định Hollywood không còn chiếm thế độc tôn nữa.
Bình luận (0)