Phim là câu chuyện truy lùng nguồn gốc cổ thuật “Rượu sọ người” gây ám ảnh trong loạt phim “Tết ở làng Địa Ngục”.
"Kẻ ăn hồn" chú trọng trải nghiệm văn hóa linh dị, mở đầu bằng câu vè thú vị khi mang lại cảm giác vừa quen thuộc vừa rợn gáy: "Nghe vẻ nghe ve, nghe vè con rối. Lòng dạ tăm tối, bầy rối tới tìm".
Poster phim hé lộ đoàn rước đám cưới đeo mặt nạ chuột vừa ma mị, lại hút mắt giữa khung cảnh rừng tre đầy kỳ ảo trong đêm tối, hỷ sự diễn ra ở làng Địa Ngục như tăng phần kì quái.
Đạo diễn Trần Hữu Tấn chia sẻ: "Trong phim "Kẻ ăn hồn", khán giả sẽ được thấy một đám cưới chuột rất độc đáo giữa làng Địa Ngục. Sở dĩ có tập tục này vì người làng luôn muốn nhắc nhở mình là con cháu của băng cướp năm xưa, trốn chui trốn nhủi như loài chuột ở ngôi làng này và không muốn mắc phải những tội ác như cha ông đã gây ra. Ngoài ra nghi thức cưới hỏi này với người Làng còn là quan niệm xua tan cái ác, chờ đón những khởi đầu mới".
Poster phim "Kẻ ăn hồn"
Video clip quảng bá phim "Kẻ ăn hồn"
Phim mở ra hành trình truy tìm nguồn gốc "Rượu sọ người" - một loại cổ thuật dân gian được đồn đại đã từng xuất hiện ở chính ngôi làng Địa Ngục thuở sơ khai. Thứ cổ thuật này đã từng có mặt tại làng Địa Ngục mà chẳng ai ngờ đến.
Trong khi người ta vẫn thường rỉ tai nhau rằng kẻ luyện rượu sọ người sẽ sở hữu sức mạnh giúp chiếm xác đoạt hồn, điều binh khiến quỷ. Làng Địa Ngục năm ấy vẫn còn nhiều chuyện chưa bao giờ được kể về kẻ từng luyện thứ tà thuật đen tối, về cô gái áo đỏ luôn lảng vảng đầy quỷ dị và truyền thuyết mồ hôi máu cho ai dám đặt chân ra khỏi làng, cùng những tai họa giáng xuống ngôi làng quanh năm sương giăng hẻo lánh.
Thời điểm hậu duệ toán cướp dừng chân lánh nạn, sinh nhai tại làng Địa Ngục, ngôi làng từng trải qua một kỳ đại hoạ. Đặc biệt hơn, phim còn tiết lộ nhân vật Thập Nương vốn đã thâm nhập ngôi làng kỳ quái từ trước khi đại nạn xảy đến trong "Tết ở làng Địa Ngục".
"Kẻ ăn hồn" chuyển thể từ tiểu thuyết gốc cùng tên của nhà văn Thảo Trang được phát hành online song song với bộ phim. Đây cũng là tác phẩm điện ảnh trong cùng "vũ trụ" Làng Địa Ngục. Vì vậy, ngoài hình ảnh đám cưới chuột, khán giả còn được chiêu đãi thị giác những hình tượng đậm văn hóa Việt là bầy rối nước quen thuộc, thủy đình, bài vè...
Bên cạnh đó, những chi tiết vốn là biểu tượng được yêu thích ở làng Địa Ngục như bà Vạn lái đò chở vong hồn, mồ hôi máu, đom đóm câu hồn sẽ lần lượt xuất hiện trên màn ảnh rộng với trải nghiệm điện ảnh.
Tác giả Thảo Trang chia sẻ: "Khi chuyển thể "Tết ở làng Địa Ngục", tôi và đạo diễn Trần Hữu Tấn đã có dịp đi thật sâu và thật kỹ vào thế giới của Làng Địa Ngục và ở đó, tôi thấy có một vùng trời rộng lớn các ý tưởng và câu chuyện chưa được khai phá. Chính vì vậy, mà "Kẻ ăn hồn" được ra đời. Tôi kỳ vọng khán giả sẽ hài lòng với tác phẩm mới của chúng tôi!"
"Kẻ ăn hồn" cũng được quay tại làng Sảo Há - Hà Giang, với những bối cảnh được thiết kế độc lập, riêng biệt cho bản điện ảnh với không khí ma mị mờ ảo tuyệt đẹp của vùng núi rừng Đông Bắc. Ngoài ra, nhà sản xuất bộ phim cũng đầu tư về tạo hình, phục trang, hóa trang đặc biệt với chuẩn điện ảnh ngay từ đầu của dự án "song sinh". Trong suốt quá trình tiền kỳ, đội ngũ luôn kết hợp tham vấn ý kiến từ cố vấn sử học để mang lại hồn Việt nhiều nhất trong khả năng.
Phim quy tụ dàn diễn viên: Hoàng Hà, Võ Điền Gia Huy, Huỳnh Thanh Trực, NSƯT Chiều Xuân, Nghệ sĩ Viết Liên, NSND Ngọc Thư, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Phước Lộc, Nghinh Lộc, Lý Hồng Ân, Vũ Đức Ngọc… và dự kiến ra rạp từ 8-12.
Tạo hình Hoàng Hà trong "Kẻ ăn hồn"
Phim là câu chuyện về nguồn gốc Rượu sọ người
Cảnh đám cưới chuột trong phim
Bình luận (0)