Với thời lượng 20 tập, "Đảo khát" mô tả phần nào đời sống của ngư dân trên đảo Lý Sơn, hòn đảo tiền tiêu giữa biển Đông - nơi nhiều thế hệ ngư dân không chỉ đối mặt với bão tố mà còn phải chống chọi với kẻ cướp và kẻ thù xâm lược; từ thế kỷ XVII, triều đình nhà Nguyễn đã cho thành lập Đội Hoàng Sa để giữ trọng trách lớn lao trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của quốc gia.
Cảnh trong phim “Đảo khát”. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Đảo có tên "Đảo khát" vì nơi đây nguồn nước sinh hoạt, nguồn nước nuôi dưỡng cỏ cây, gia súc chỉ trông chờ vào mùa mưa và tích trữ. Cơn khát của hòn đảo này còn hiển hiện trong những cái chết đau thương của những ngư dân gặp nạn trên biển.
Câu chuyện trong "Đảo khát" đan xen giữa quá khứ và hiện tại. Trong đó, câu chuyện hiện tại kể về Văn - một bác sĩ nội trú của một bệnh viện thành phố - tình nguyện ra đảo phục vụ. Văn được ông Tư Mốt (chủ tịch xã) và bà con đảo tiếp đón bằng những tình cảm nồng hậu vì trước đó đã có nhiều bác sĩ đến rồi sớm ra đi do không chịu đựng được cuộc sống khó khăn nơi đây. Với kiến thức của mình, bác sĩ Văn giúp ông Tư Mốt phát hiện con cá mà ngư dân bắt về bị nhiễm độc chất xyanua; chữa căn bệnh giảm áp (bệnh nghề nghiệp của thợ lặn) cho người dân nơi đây; giúp chặn đứng nguy cơ dịch tả trên đảo do nguồn nước dự trữ của người dân bị ô nhiễm. Tình cảm của ngư dân "Đảo khát" đối với bác sĩ Văn lớn dần cũng như tình cảm của Mịn - con gái ông chủ tịch xã - dành cho Văn từ ngưỡng mộ chuyển thành tình yêu. Câu chuyện của quá khứ là những dòng họ đã vượt biển ra khẩn hoang lập ấp nơi hòn đảo này. Họ đối mặt với thiên nhiên và chống chọi với kẻ cướp, kẻ thù xâm lược. Xuyên suốt câu chuyện quá khứ là tình yêu của chàng trai vạn chài tên Hai Nghĩa và cô thôn nữ tên Thắm. Tình yêu của họ gắn liền với cuộc sống và sự đấu tranh sinh tồn của ngư dân đảo thời khẩn hoang lập ấp; gắn liền với sứ mạng giữ gìn chủ quyền của Tổ quốc thiêng liêng…
Phim được phát sóng lúc 22 giờ trên HTV9 từ ngày 14-8.
Bình luận (0)