Sau thời gian được sản xuất ồ ạt để lấp khoảng trống phim truyền hình dài tập đang sụt giảm nghiêm trọng, phim sitcom (situation comedy - hài tình huống) Việt nhanh chóng rơi vào tình trạng bão hòa và tuột dốc không phanh.
Thiếu hấp dẫn
Phim sitcom được chọn làm giải pháp thay thế phim truyền hình trong lúc khó khăn về sức hút khán giả nhưng sau một loạt tác phẩm sitcom Việt ra đời, do kịch bản yếu, khán giả truyền hình chóng chán món mới này. Hơn một năm trước, phim sitcom trở lại rầm rộ và đa dạng về đề tài, chủ đề, dàn diễn viên trẻ trung. Một loạt phim được phát sóng trên các kênh thuộc VTV, HTV với khung giờ trải đều cả trưa, chiều, tối: "Sắc màu phái đẹp", "Phụ nữ là số 1", "Xóm trọ vui nhộn", "Chuyện gì đang xảy ra", "Nè biết gì chưa?", "Gia đình vui nhộn", "Gia đình là số 1", "Vợ chúa chồng tôi", "Tiệm tóc tình yêu", "Lắm người nhiều ma", "Oan gia bùm chéo", "Xin chào ông chủ", "Glee"... Nhưng nay giờ chiếu của nhiều phim sitcom Việt trên truyền hình và YouTube đã giảm hẳn: "Gia đình sô-bít", "Biệt đội tất tần tật", "La La school", "Tám công sở", "Có giời mới biết", "Ngôi sao khoai tây", "Những bà mẹ bỉm sữa", "Thiên thần 1.001", "Khi ba mẹ biết yêu", "Xin chào hạnh phúc"...
Trước đây, kênh HTV7 dành khung giờ 12 giờ 30 phút cho sitcom nhưng hiện tại khung giờ đó chuyển thành phim truyện nước ngoài. Trên VTV, phim truyện truyền hình dài tập được phân bổ nhiều hơn.
Cảnh trong phim sitcom “Tám công sở”. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Có lượng, chẳng có chất
Nhiều người trong giới nhận định sitcom Việt có lượng mà chẳng có chất. Cứ làm theo kiểu "Thấy người ăn khoai, mình vác mai đi đào", đầu tư qua loa mong thu lợi trước mắt nên rất khó thành công. Đa phần kịch bản không đặc sắc, nhiều phim được chế từ kịch bản phim truyền hình dài tập thành sitcom, loanh quanh vẫn là những tình tiết cố tạo tiếng cười gượng gạo, tận dụng nghệ sĩ hài từ già đến trẻ, biến sitcom Việt thành kịch truyền hình, không đúng phim hài tình huống như quốc tế đã và đang làm. Sự dài dòng, lan man, nhạt nhẽo trong nội dung phim là nguyên nhân khiến khán giả chóng chán. Kể cả phim "Gia đình là số 1" từng được ngợi khen Việt hóa tốt nhưng gây chú ý cũng chỉ vì yếu tố lạ, những sitcom Việt hóa sau này đã không còn sức hút nữa. "Sitcom hay phim truyện truyền hình dài tập cũng đều là một dạng phim phục vụ khán giả truyền hình, đòi hỏi kịch bản phải có sức hút, diễn viên diễn giỏi mới lấy được tiếng cười của khán giả chỉ trong vòng 25 - 30 phút. Chúng ta đã thiếu kịch bản hay mà đôi khi còn làm ẩu; không nhiều kinh phí, không có phim trường... nên khó sản xuất được sitcom chất lượng đúng nghĩa" - bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc điều hành Tổ hợp Giải trí và Truyền thông Mega GS, lý giải.
Theo biên kịch Châu Thổ, khi người ta đua nhau sản xuất sitcom, nhu cầu kịch bản càng cao thì càng khó có kịch bản hay. Đó là chưa kể lâu nay, sitcom Việt vẫn chưa tạo được điểm nhấn nào đáng kể, phần lớn được biết đến là các phim Việt hóa, cốt truyện có sẵn từ nước ngoài.
"Tôi thấy mọi người đổ xô làm phim sitcom để chiếu truyền hình, chiếu trên mạng nên đoán trước thực trạng này. Bởi món ăn nào cũng thế, quá nhiều mà lại thiếu ngon sẽ dễ gây ngán" - đạo diễn Nguyễn Phương Điền đúc kết.
Chuyển sang phim truyện dài tập
Một số phim truyện truyền hình của VFC tạo được cơn sốt trong công chúng, mang về doanh số quảng cáo cao, trong khi phim sitcom chẳng có tác phẩm nào làm được như thế, cũng góp phần khiến thị trường bắt đầu có sự dịch chuyển.
Các nhà sản xuất phía Nam trở lại làm phim truyền hình dài tập, nỗ lực tạo sản phẩm chỉn chu, thuần Việt để lôi kéo khán giả. Hẳn nhiên, số lượng phim không thể nhiều và những khó khăn về quảng cáo, đầu ra của phim sẽ khó có thể khởi sắc một sớm một chiều, cần thời gian chuyển hóa dần. Hầu hết người trong giới cho rằng muốn được khán giả chú ý trở lại, nhà sản xuất phải thay đổi quan điểm cũ, tìm kiếm giải pháp từ phương thức làm phim mới, hiện đại hơn. "Khi thấy phim dài tập sụt giảm, sitcom nở rộ thì đua nhau sản xuất sitcom. Đến lúc thấy sitcom không phải giải pháp, một vài phim truyền hình dài tập của VFC thắng, lại nghĩ đến việc quay lại với phim truyền hình dài tập. Tôi nghĩ nếu cứ làm theo kiểu cũ, khó lòng tạo được sự thay đổi, rồi cứ xoay vòng vòng, theo hết trào lưu này đến trào lưu khác" - ông Nguyễn Văn Thi, Giám đốc Hãng phim Bách Việt Phương Nam, cảnh báo.
Bình luận (0)