"Thời điểm này, khán giả không thể mạo hiểm đến rạp chỉ vì một bộ phim. Còn dịp lễ 30-4 và 1-5, nhiều người thường thích đi du lịch hơn là đến rạp. Do đó, chúng tôi quyết định dời phim sang tháng 5 bởi đó là thời điểm đầu mùa hè, phù hợp hơn với phim" - đạo diễn Lương Đình Dũng giải thích.
Theo đạo diễn Lương Đình Dũng, chi phí cho lần dời lịch chiếu này lên tới gần 6 tỉ đồng. Đây là dự án có kinh phí đầu tư lớn, được kỳ vọng sẽ tạo đột phá doanh thu phòng vé. Vì thế, việc ê-kíp sản xuất cân nhắc, thận trọng thời điểm phim ra rạp cũng là điều dễ hiểu trong bối cảnh rạp Việt vẫn chịu ảnh hưởng ít nhiều từ đại dịch Covid-19.
Cảnh trong phim “578: Phát đạn của kẻ điên”. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Một số phim Việt dời lịch chiếu đợt này còn có: "Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác" của đạo diễn Hàm Trần, "Kẻ đào mồ" của đạo diễn Công Hậu... Đa phần, việc dời lịch phát hành khiến nhà sản xuất tốn kém nhiều về chi phí truyền thông, quảng bá, áp-phích.
Phim "Rừng thế mạng" của đạo diễn Trần Hữu Tấn từng tiêu tốn 2 tỉ đồng sau 2 lần dời lịch chiếu do dịch bệnh. Phim "Bẫy ngọt ngào" của đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư cũng tiêu tốn 2 tỉ đồng cho những lần dời lịch chiếu. Đạo diễn Lý Hải từng cho biết nhà sản xuất lỗ tới 10 tỉ đồng chi phí in ấn áp-phích, truyền thông, quảng bá sau 2 lần hoãn chiếu phim "Lật mặt: 48H".
Hiện nay, quảng bá là khâu quan trọng với phát hành phim. Một phim quảng bá tốt, bài bản sẽ tạo hiệu ứng truyền thông, truyền miệng, giúp kéo khán giả đến rạp thưởng thức tác phẩm. Hẳn nhiên, chất lượng của tác phẩm sẽ là yếu tố giữ chân khán giả lâu dài nhưng khâu quảng bá như bước mở đầu để họ biết đến phim và đến rạp xem. Việc phải dời lịch chiếu luôn là lựa chọn không dễ dàng với nhà sản xuất. Người trong giới kỳ vọng thời gian tới, dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi để các hoạt động, bao gồm rạp Việt, phục hồi, giảm gánh nặng cho nhà sản xuất.
Bình luận (0)