Không chỉ xuất hiện dày hơn trên màn ảnh nhỏ, phim đề tài xã hội đen, giới giang hồ còn tràn ngập các webdrama (phim chiếu mạng) một cách thiếu kiểm soát. Nhiều webdrama trình chiếu hàng loạt phim có kịch bản đơn giản, chỉ tập trung những pha đánh đấm, máu me để khỏa lấp khoảng trống trong đường dây cốt truyện.
Dấu hiệu lạm dụng
Sau thành công vang dội của phim Việt hóa "Người phán xử", phim đề tài xã hội đen phủ sóng trên màn ảnh nhỏ, với đủ hướng khai thác, góc nhìn khác nhau về cuộc sống, tình cảm gia đình, cách ứng xử đời thường của những "ông trùm" máu lạnh. Những góc khuất trong nội tâm của những người lầm đường lạc lối, sa chân vào giới giang hồ cũng được tô vẽ cặn kẽ. Vì vậy, sau "Người phán xử", truyền hình phía Bắc có "Quỳnh búp bê", phía Nam có các phim "Mật mã hoa hồng vàng", "Con gái bố già". Đây là những phim thu hút được lượng người xem ấn tượng ở thời điểm phim truyền hình chỉ mới có dấu hiệu khởi sắc chút ít. Nhận thấy được sự quan tâm lớn của công chúng với chủ đề về thế giới xã hội đen, nhiều nhà làm phim webdrama cho ra đời hàng loạt tác phẩm: "Giang hồ chợ mới", "Giang hồ chợ cũ", "Sài Gòn gangsters - Thợ săn giang hồ", "Ông trùm - Dẹp loạn giang hồ", "Thập tam muội", "Vi cá tiền truyện", "Chết thì chịu"... Đó là chưa kể đến các phim ngắn ca nhạc chọn chủ đề giang hồ cũng nỗ lực lồng ghép vào các cảnh đánh đấm, băng nhóm xử lý đúng kiểu phim hành động của Hồng Kông các thập niên trước.
Cảnh trong webdrama “Ông trùm - Dẹp loạn giang hồ”. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Vì đáp ứng đúng nhu cầu của một bộ phận khán giả nên các webdrama khai thác đề tài xã hội đen, giang hồ thu hút đông người xem, lên đến hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu lượt mỗi tập. Nó đang tạo thành trào lưu người người làm phim xã hội đen. Từ những diễn viên có danh tiếng như Việt Hương, Thu Trang cho đến những người chưa tạo dựng được vị trí vững vàng trong làng nghệ thuật đều dốc vốn sản xuất để trở thành các ông trùm, bà trùm gian hùng trên mỗi tập phim.
Cần cơ chế kiểm soát
Trước đây, dòng phim xã hội đen của Hồng Kông từng được yêu thích vượt tầm khu vực châu Á nhưng giờ đây đã không còn sức hút. Dẫu vậy, nó vẫn tạo được dấu ấn và ngày nay nhiều khán giả Việt vẫn thích những tác phẩm được đầu tư chỉn chu này. Trong khi đó, những phim webdrama Việt chủ đề xã hội đen phần nhiều sao chép, chắp vá từ các tác phẩm từng nổi danh của phim xã hội đen Hồng Kông. Nó trở thành tác phẩm "nửa mùa" với kịch bản được xử lý thay đổi một chút cho phù hợp bối cảnh Việt. Thêm vào đó, với lợi thế không cần qua kiểm duyệt, các phim này khai thác mạnh những pha thanh trừng băng nhóm, đánh đấm giữa các phe phái. Các phim đều cho rằng sẽ truyền thông điệp đề cao tình nghĩa anh em sống chết có nhau nhưng vì thời lượng ngắn, chưa đủ để đạt đến thông điệp này. Thay vào đó, những cảnh hai phe mang mã tấu, gậy gộc lao vào đâm chém loạn xạ, các nhân vật hút thuốc lá và chửi thề liên tục lại được sử dụng nhiều. Đây là cách để thu hút sự chú ý của người xem, lấp khoảng trống do đường dây cốt truyện vay mượn.
"Phim trên truyền hình chủ đề xã hội đen, giang hồ luôn có sự kiểm soát để tiết chế không quá bạo lực, gây hoảng sợ cho khán giả. Nhưng trên mạng lại khác, nhà làm phim tự do tạo nên tác phẩm theo ý thích của mình. Họ đáp ứng nhu cầu khán giả để thu hút nhiều lượt xem và nhận tiền từ YouTube" - đạo diễn Nguyễn Phương Điền cho biết.
Những phim được thực hiện chân thật, chỉn chu như "Quỳnh búp bê" hay "Kẻ ngược dòng" cũng bị công chúng truyền hình cho là có nhiều cảnh bạo lực và cảnh nóng không phù hợp với khán giả đa dạng của truyền hình. Phim "Quỳnh búp bê" đã phải tạm dừng chiếu để cắt bớt cảnh bạo lực rồi chiếu trở lại khung giờ phù hợp. Phim "Kẻ ngược dòng" cũng ngừng chiếu sau 4 tập để chờ điều chỉnh khung giờ phát sóng. "Tôi nghĩ đến lúc cần có sự kiểm duyệt đối với webdrama. Bởi chuyện phim khai thác vô tội vạ đề tài xã hội đen, giới giang hồ với những kiểu xử nhau bằng bạo lực như hiện nay sẽ có xu hướng tác động tiêu cực đến khán giả, nhất là người trẻ hoặc trẻ em" - biên kịch Đông Hoa cảnh báo.
Theo Đông Hoa, với những chủ đề thời sự nóng bỏng hoặc đề cập giới giang hồ không cần khai thác bạo lực theo kiểu phim xã hội đen Hồng Kông ngày trước vẫn có sức hấp dẫn riêng. Nhiều phim Hàn Quốc đã làm rất tốt việc này, họ ca ngợi mặt tích cực của cảnh sát chìm, khai thác công nghệ truy bắt tội phạm. Phim vẫn nhiều kịch tính nhưng có sự răn đe nếu bạn chọn sai đường, trở thành tội phạm sẽ bị trừng trị. Phim xã hội đen Việt trong các webdrama không có sự răn đe này, dễ cổ xúy cho lối sống bạo lực, gặp chuyện là vung nắm đấm.
Nhàn nhạt dễ gây nhàm chán
"Trước đây, khán giả cũng từng có giai đoạn thích phim hình sự, đề tài xã hội đen nhưng rồi dần chuyển sang phim tình cảm xã hội, gia đình. Hiện nay, họ quay lại thích phim xã hội đen lần nữa, bằng chứng là sự phủ sóng của hàng loạt tác phẩm thuộc loại này. Tôi thấy nếu cứ chạy theo xu hướng sản xuất nhiều phim đề tài xã hội đen, giới giang hồ mà không tạo dấu ấn riêng, nhàn nhạt dễ gây nhàm chán, nhanh thoái trào" - đạo diễn Dũng Nghệ nhận định. Nhiều người trong giới cũng cho rằng bất kỳ sự lạm dụng nào cũng đều không bền vững, thực tế đã chứng minh rất nhiều lần trước đó. Dòng phim tình cảm xã hội từng một thời phủ sóng truyền hình hoặc dòng phim xưa chuyển thể từ tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh cũng một thời gian hút hồn khán giả màn ảnh nhỏ phía Nam nhưng nhanh chóng khiến khán giả bội thực, vì sản xuất ồ ạt mà chất lượng phim sau không bằng phim trước.
Bình luận (0)