Ngẫm ra, cuộc đời của một vùng đất cũng khác chi đời người. Tới đoạn phải chọn lựa và thay đổi thì bắt buộc phải thích nghi, nỗ lực để trưởng thành. Tôi từng ném mình vào thành phố khi đêm trũng sâu hun hút, dưới ánh đèn vàng vọt của đoạn đường đang thiêm thiếp ngủ, tự hỏi đô thị này từng có diện mạo thế nào?
Có lẽ, thành phố từng mang dáng dấp của cây cầu Chà Và bắc qua kênh Tàu Hũ. Thương nhân gốc Ấn Độ xưa nếu được phép vượt thời gian tới tương lai, hẳn họ sẽ lạc mất lối trên chính vết tích từng in dấu chân mình! Trong những cuộc vui trường kỳ, thỉnh thoảng người ta nhắc về cầu Ba cẳng, thương xá Tax hay nhà đèn Chợ Quán. Dân Sài Gòn xưa gặp TP Hồ Chí Minh nay, chắc sẽ e dè đôi chút vì vừa quen, vừa lạ! Thành phố đang tiến lên và phát triển dưới một cái tên thiêng liêng – TP Hồ Chí Minh, đó là kỳ vọng cũng là khát vọng hướng đến một đô thị văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Tôi viết những dòng này khi vừa nhận được tin nhắn nhắc lịch tái khám của Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh. Hơn bốn mươi ngày trước, tôi đưa bà ngoại tới đây chữa bệnh. Một ngày rưỡi ở bệnh viện, điều tôi ấn tượng nhất chính là tinh thần làm việc của các nhân viên bảo vệ kiêm hướng dẫn bên ngoài các phòng khám.
Đứng chờ bên ngoài hành lang các khu khác nhau, tôi có đủ thời gian quan sát chu kỳ làm việc của từng nhân viên bảo vệ, những người đàn ông trung niên khỏe mạnh, tinh anh và nhân hậu. Họ lắng nghe hết thắc mắc của người bệnh rồi chậm rãi giải thích bằng âm lượng giọng nói vừa phải, cẩn trọng và tỉ mỉ. Nhận xấp giấy chỉ định lộn xộn từ tay người nhà, họ thành thạo cắt đặt thứ tự di chuyển giữa các phòng khám sao cho thuận tiện và tiết kiệm thời gian nhất.
Anh bạn đi cùng tôi tấm tắc: "Ai trụ được trong môi trường này phải là hạt chắc ở lại sau quá trình sàng sảy chán chê." Tôi thì mường tượng, bộ phận tuyển dụng của bệnh viện hẳn đã sắm cái vòng quay li tâm rồi bảo các ứng viên: "Nào, các anh lên đây!", rồi họ cứ xoay không ngừng. Có lẽ, chỉ những ai đủ năng lực thể chất và tinh thần mới đứng vững trong khối lượng công việc đó, kiên trì hướng dẫn đám đông liên tục từ ngày này qua năm khác.
Trên xe từ bệnh viện về nhà hôm ấy, tôi đã rất vui. Thành phố đã đẹp lên nhiều quá! Đất này phải tốt nhường nào mới khiến người ta bỏ ra đồng tiền mồ hôi mua tấm vé hòa vào đêm hoa lệ của kịch nói, cải lương... Thị dân phương Nam phóng khoáng và hào sảng biết mấy khi dò một lô vé số trật lất mà còn vỗ đùi cười sảng khoái. Cái đẹp của lòng nhân ái, nghĩa hiệp, hào sảng, chân tình là vẻ đẹp nội sinh đến từ nỗ lực của rất nhiều người dân thành phố phương Nam này.
Một gia đình trên đường Bạch Đằng (phường 2, quận Tân Bình, TP HCM) dành hiên nhà để làm chỗ nghỉ trưa cho những người lao động nghèo. Ảnh: Hải Dương
Đi xa về, những khi máy bay hạ cánh sắp sửa hạ cánh vào ban đêm, tôi đã xúc động biết bao khi nhận ra những dấu hiệu chứng tỏ máy bay đã về đến TP Hồ Chí Minh. Những vùng ánh sáng cứ trải ra, trải ra rộng lớn hơn khi độ cao giảm dần, tôi như đắm vào biển đèn loang loáng của phố phường.
Chỉ dừng lại đó thì thành phố nào khác cô thôn nữ trăng tròn đang đi trong gió xuân e ấp, đẹp hoàn hảo, không tì vết. Song, "cô gái" này chẳng phải vậy, cũng vừa đáng yêu mà đỏng đảnh đôi khi. Tối qua, đứng chờ đèn đỏ ở ngã tư Lý Thường Kiệt – Tô Hiến Thành – Lữ Gia, tôi nhìn thấy dăm bảy trái chò nâu đang nổi lều bều trong một vũng nước sậm màu. Những trái chò nâu đã trở thành hình ảnh đặc trưng của thành phố vào mùa hạ. Trên các chuyên trang du lịch, chò nâu được miêu tả bằng những câu văn bóng bẩy tràn ngập mỹ từ. Thế mà chúng lại đang ở đấy, thân mình nửa chìm nửa nổi trong vũng nước đọng tối mờ. Rõ ràng không phải dễ và không nên tách bạch đẹp – xấu, miễn là mỗi người cảm nhận theo cách khác nhau.
Giàu quá khứ và cá tính riêng, Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh là đô thị đậm tính người! Đó là một đặc tính riêng biệt hiếm thấy, có lẽ vậy nên đất này luôn có hấp lực dồi dào, níu chân biết bao lượt khách quen, kẻ lạ.
Quá khứ và hiện tại, lớp người trước và thế hệ sau cùng tạo nên một miền đất sống động. TP Hồ Chí Minh không còn đơn thuần là không gian địa lý mà đã thành dòng chảy mải miết, nuôi sống hàng triệu cư dân trong lưu vực màu mỡ.
Mời bạn đọc dự thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng"
Mỗi thể loại có 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 1 giải nhì trị giá 15 triệu đồng; 2 giải ba, trị giá 10 triệu đồng/giải và 3 giải khuyến khích, trị giá 5 triệu đồng/giải.
Kết thúc nhận bài dự thi vào ngày 15-7-2021.
Thời gian trao giải vào ngày kỷ niệm 46 năm thành lập Báo Người Lao Động (28-7-2021).
Những tác phẩm đạt chất lượng sẽ được giới thiệu trên Báo Người Lao Động (báo in và báo điện tử). Bài đăng báo in trên số ra Chủ nhật hàng tuần và trên Báo Người Lao Động Online.
Tác giả được hưởng nhuận bút theo quy định.
Tác phẩm dự thi ghi rõ "Tạp bút dự thi" hoặc "Thơ dự thi" gửi về: Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi viết "45 năm rực rỡ tên vàng".
Hoặc qua địa chỉ email: 45namtenvang@nld.com.vn
BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Bình luận (0)