Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, tác giả của nhiều bài thơ phổ nhạc để lại ấn tượng trong lòng khán giả như: "Qua đò nhớ mẹ" (Nguyễn Ngọc Tiến), "Dòng sông còn lại" (Thái Nghĩa), "Mênh mang Bà Nà" (Quỳnh Hợp), "Ký ức dòng sông" (Trịnh Tuấn Khanh)..., đang ra mắt tập thơ "Phơi cơn mưa lên chiều" và tập tiểu luận "Góc hồn quê" bao gồm các bài viết của bạn văn viết về thơ Nguyễn Ngọc Hạnh.
"Phơi cơn mưa lên chiều" với 45 thi phẩm được tác giả viết trong khoảng thời gian dài, được chăm chút cẩn trọng trước khi in. Không cẩn trọng sao được khi ông đang cõng hai trang thơ nặng ký trên Báo Đà Nẵng và Báo Công an Đà Nẵng cuối tuần với niềm đam mê cháy bỏng với thơ. Giấc mơ thi ca của tôi, một người trẻ được thành hình cũng từ ngày ấy, ngày đầu tiên được ông phát hiện khi tôi còn ngồi trên giảng đường đại học, chưa hề quen biết.
Theo cảm quan của tôi, ông là một người thích giao lưu, đọc nhiều và rất quan tâm đến lớp trẻ làm thơ chúng tôi. Tôi không thể hình dung được trong vô số khoảng thời gian bị guồng quay của phố xá chiếm dụng, thời gian nào ông dành cho những cuộc gặp gỡ bạn bè văn nghệ trong cả nước, thời gian nào ông dành cho làng quê, thời gian nào ông dành cho thi ca, thời gian nào ông dành cho những bóng dáng tình yêu đã "hóa thân" vào trong thơ của ông? Nhà thơ Trần Dzạ Lữ gọi ông là "người đắm đuối cùng thơ" với những câu thơ neo đậu phía đầu nguồn dòng sông quê ấy, bởi vì không ở đâu bằng nơi con sông tắm mát tuổi thơ mình, sưởi ấm nỗi lòng người con xa xứ:
Xin cũng đừng bội ước với dòng sông
Nơi ấy vẫn là nơi em đến
Vẫn là suối nguồn chảy ra biển lớn
Là bến sông xưa em neo đậu mưa chiều. (Giấc mơ)
Những nỗi niềm xúc động tái hiện trong từng con chữ mộc mạc, chân phương, lắng đọng phù sa vỗ về nơi con tim người đọc, để rồi những trái tim đồng điệu tìm đến với nhau soi rọi trong ánh mặt trời. Gần hết một đời làm thơ nhưng ông vẫn không khỏi lo lắng, mơ hồ khi nhìn về dòng sông chuyên chở tình thơ, nuôi dưỡng thân thể, tâm hồn. Tâm trạng của ông cũng chính là nỗi niềm của biết bao nhiêu người, khi xa quê, vẫn sợ một ngày nào đó lạc lõng trên bước đường về, khi vuông đất chôn nhau cắt rốn ngậm ngùi tiếc nhớ. Đôi khi, lắng lòng lại, chính nhà thơ cũng không thể hiểu nổi chính mình, đành mượn thơ để bày tỏ nỗi lòng:
Một mình đứng tựa bơ vơ
Sông xưa đã lấp đôi bờ cỏ khô
Sông giờ cạn hẹp thành ao
Người về đâu biết ngõ nào là quê. (Lạc)
Mấy dòng lục bát ngắn gọn mà đúc kết cả một chặng đường dài, ẩn hiện qua mỗi hạt bụi vương vương khóe mắt, rồi dòng nước mát lành của sông quê rửa trôi giữa ngã ba đường, chan chứa giọt mắt của vị tha và bao dung.
Phải chăng đời thơ của ông luôn luôn chuyển động nên câu thơ cứ chảy tràn vào tâm trí người đọc, không cần màu mè phô diễn, không ồn ào câu nệ, không cần làm dáng làm duyên. Nỗi lòng trước vẻ đẹp thiên nhiên của người đi kẻ ở cũng đầy khát khao cháy bỏng, cứ thế vỗ về, khắc cốt ghi tâm:
Không còn thì tôi xin đành
Người ơi, tôi cúi hôn mình trên sông. (Về quê)
Dường như có một dòng chảy lặng lẽ vô hình trong thơ ông bắt trúng mạch đập trong ký ức của mỗi người, để mỗi khi được đọc đều dâng trào một nỗi niềm man mác không thể lý giải bằng lời:
Lụy đò mà chẳng qua sông
Cứ rong ruổi bến, cứ trông ngóng bờ
Một đời lụy với câu thơ
Còn bao nhiêu chuyến, bao giờ đò ơi? (Lụy).
Bình luận (0)