Phóng viên: Ngày 8-3 người ta thường nghĩ về vai trò người phụ nữ trong xã hội, vai trò của phụ nữ nghệ sĩ, theo chị, có gì khác?
- NSND HỒNG VÂN: Mọi người thường nghĩ nữ làm công việc sáng tạo nghệ thuật thì sẽ không chu toàn việc nhà nhưng với tôi, ngoài công việc sáng tạo, quản lý sân khấu, tôi còn rất chăm chỉ trong công việc nhà. Hễ có thời gian là dành hết cho chồng, cho con. Năm nào tôi cũng có ngày 8-3 ý nghĩa, được chồng tặng quà, được con trai tặng hoa chúc mừng và rất nhiều học trò gọi là u, là mẹ, là má nhắn tin chúc sức khỏe. Người phụ nữ làm nghề nào trong xã hội cũng đều hướng đến việc góp phần chăm sóc mái ấm gia đình mình, để từ tế bào gia đình khỏe mạnh góp phần tạo nên cơ thể xã hội lớn mạnh.
NSND Hồng Vân Ảnh: MINH QUÂN
Nghệ sĩ luôn được nhắc đến là những người đa sầu, đa cảm. Biết bao vai diễn, tác phẩm của họ đã khiến người đời phải khóc, cười, làm thay đổi nhiều cuộc đời, số phận. Chị cũng là một nghệ sĩ như thế. Đa sầu, đa cảm, với chị, có là lợi thế trong cuộc sống?
- Nếu nhìn chúng tôi ở góc cạnh đời thường, sẽ thấy những bi cảm ấy có sức ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống văn hóa, thậm chí còn được coi là hiện thân của một tâm hồn tinh tế, dễ cảm thấu với cuộc đời. Sợ nhất là người nghệ sĩ bị mắc đọa, khi day dứt, bức xúc không được nói. Tôn thờ hạnh phúc quá mức có thể bất hạnh nhiều hơn nếu cứ sống diễn xuất, giả tạo. Tôi nhìn nhận đúng đắn và công bằng những cảm xúc tích cực để giúp mình trau dồi trí tuệ, cân bằng cảm xúc và đời sống tinh thần. Tôi cũng luôn dạy các học trò mình điều đó.
Chị hơi đặc biệt so với nhiều đồng nghiệp khác là diễn xuất đa dạng các loại vai và vào loại vai nào cũng ngọt, từ chính kịch đến hài kịch, kể cả phim mới nhất là webdrama "Phượng khấu". Phải chăng có bí quyết?
- Ở chính kịch, tôi được đào tạo bởi nhiều thầy cô giỏi nghề, nên nhân vật được nhào nặn có chiều sâu tâm hồn. Ở hài kịch, tôi là người thích nhìn mọi vật bằng con mắt châm biếm nhưng khi diễn, tôi thích chừa ra những khoảng lặng, khiến khán giả bị cuốn vào tiếng cười sau đó cùng tôi thổn thức với nhân vật. Thật ra, với hài kịch, tôi thích khai thác cái duyên dáng, dí dỏm mà phải đi đến tận cùng của sự tinh tế.
Riêng với phim "Phượng khấu" là cơ duyên. Tôi quyết định tham gia phim "Phượng khấu" là vì có NSƯT Thành Lộc và nghệ sĩ Hồng Đào đóng chung. "Phượng khấu" (nghĩa là khuy áo hình chim phượng) kể về cuộc đời nhân vật Phạm Hiệu Nguyệt, tức Phạm Thị Hằng hay còn gọi là Từ Dụ Hoàng thái hậu do nghệ sĩ Hồng Đào đóng. Tôi vào vai vợ hai của vua, bà Lệnh phi Nguyễn Phương Nhậm - con người tham vọng, mưu mô nhất trong hậu cung. Cả hai bà đều là vợ của vua Thiệu Trị do NSƯT Thành Lộc đóng. Đúng là đủ duyên để chúng tôi hội ngộ.
Trên thực tế, đây là cuộc hội ngộ không đúng sở trường của các anh chị? Vì sao không làm một tác phẩm sân khấu quy tụ thế hệ nghệ sĩ vàng của sân khấu kịch sau ngày đất nước thống nhất?
- Tôi từng mơ có một vở kịch gom đủ các diễn viên một thời gắn bó và tỏa sáng trên sân khấu nhỏ 5B lại với nhau. Nhưng khó lắm. Vì chúng tôi đều phải trụ ở sân khấu của mình, không thể bỏ nồi cơm chung của anh chị em ở đó để lo cho cuộc chơi của riêng mình. Bởi vậy, tôi mới nói đó là sự kiện đủ duyên. Phim "Phượng khấu" đã tặng chị em chúng tôi đóa hoa hồng ngày 8-3 thật ý nghĩa, để tôi, Hồng Đào, Minh Trang, Ngọc Hiệp, Tuyết Thu, cô Lê Thiện… có được kỷ niệm đẹp từ bộ phim này. Trong suốt thời gian quay, tôi như trở lại tuổi thanh xuân của mình, cái thời còn ở sân khấu nhỏ 5B. Với tôi, NSƯT Thành Lộc là anh lớn, chúng tôi nghe theo sự chỉ dẫn của anh, để hóa thân vào các vai diễn, được sống như cái thời mới vào nghề.
Như định mệnh, chị sinh ra để theo nghiệp sân khấu. Nhưng hình như sân khấu cũng khiến chị đảo điên?
- Tôi đã hết gồng nổi để duy trì 2 điểm diễn kịch của mình quản lý sáng đèn. Thương cho các học trò của tôi, sau nhiều khóa đào tạo, rất nhiều em trong số đó có triển vọng nhưng rồi không có "đầu ra" nên không duy trì được nghề diễn. Từ hồi còn là đại biểu HĐND TP HCM, tôi đã nhiều lần lên tiếng, kêu gọi sự đầu tư, trợ giúp của nhà nước để sân khấu xã hội hóa có được điểm diễn, có kinh phí tài trợ dựng tác phẩm sân khấu đỉnh cao. Nhưng rồi TP chúng ta còn nhiều việc phải lo nên thực tế cứ kéo chúng tôi đi về phía thị trường, phải dựng vở chiều theo thị hiếu khán giả để có tiền nuôi quân. Thời gian qua, chúng tôi vẫn cố gồng. Nói đến việc phải thuê mướn mặt bằng làm sân khấu kịch, tôi chỉ muốn khóc.
Là nghệ sĩ thành đạt, tấm gương sáng cho nhiều đàn em noi theo, tới thời điểm này, chị có hài lòng với chính mình?
- Về gia đình, tôi hạnh phúc. Về công việc cá nhân thì tương đối. Còn về sự nghiệp làm bầu sân khấu, nếu không có ông xã tôi gồng gánh phụ giúp tôi nhiều năm qua thì có lẽ chúng tôi không còn giữ được 2 sân khấu của mình đến hôm nay.
Bình luận (0)