Hai vai diễn mới nhất của NSƯT Phượng Loan là bà Liễng trong vở "Chuyện tình Khau Vai" (tác giả: Nguyễn Thế Kỷ; chuyển thể và đạo diễn: NSƯT Triệu Trung Kiên), do Sân khấu mới Đại Việt sản xuất và Dương Vân Nga trong vở "Thái hậu Dương Vân Nga" (tác giả: Trúc Đường, chuyển thể: Chi Lăng - Hoa Phượng, đạo diễn: Hoa Hạ) diễn ra trước đó một lần nữa chứng minh sự chuẩn mực của chị chính là bảo chứng cho đời sống các nhân vật.
Đằm thắm trên sân khấu
Phượng Loan diễn đằm thắm, không cố tình nổi bật, không cần "qua mặt" ai cả. Chị không nhiễm tánh của một số người muốn chơi nổi. Chị diễn rất trầm nhưng chịu khó nghe và xem mới thấy sức hút kỳ lạ. Vai bà Liễng của chị làm người ta nức nở trong tim, dù nước mắt chưa kịp rơi. Cái đau như thế mới thấm thía. Chị vô câu vọng cổ đẹp đến "chết người". Soạn giả Hoàng Song Việt đã viết riêng cho Phượng Loan câu vọng cổ không có trong kịch bản ban đầu bởi lên sàn tập, chị đã cảm nhận nhân vật sâu sắc hơn những gì trong kịch bản, thế là Hoàng Song Việt phải ra tay. Quả đúng "đo ni đóng giày"! Lời ca đẹp như hoa như gấm, đi cùng chất giọng mềm mại trữ tình của Phượng Loan, đã đẩy mối tình xưa của bà Liễng và ông tộc trưởng lên một cung bậc song song với mối tình hiện tại của chàng Ba và nàng Út. Chỉ cần một trường đoạn thôi, một mối tình ngang trái được khắc hoạ đủ đầy, với gương mặt chịu đựng của bà Liễng và cái mím môi nghẹn ngào của người đàn ông uy quyền. Không cần gào thét, không cần nức nở kiểu thường tình, cứ chầm chậm mà đau, chầm chậm mà xót xa, như người ta thong thả rứt từng cánh hoa đào vùng Đông Bắc thả nhè nhẹ trong gió lạnh cho nó tan tác mộng mơ. Cải lương bỗng hóa sang trọng với cách diễn như thế.
NSƯT Phượng Loan trong vở “Chuyện tình Khau Vai”
Thái hậu Dương Vân Nga cũng vậy. Phượng Loan đóng nửa tuồng đầu, Kim Ngân đóng nửa tuồng sau. Nửa đầu không có cao trào, không có chiến đấu, chỉ là những trăn trở với nỗi lo mất nước, là âu yếm dịu dàng với con thơ, là hốt hoảng trước sự mất mát... Một NSƯT mà chịu diễn phần "nhẹ" hơn, để phần cao trào "dễ lấy điểm" cho một nghệ sĩ mới như Kim Ngân. Thường các cô đào nổi tiếng khác chưa chắc chấp nhận như thế. Nhưng Phượng Loan rất vui vẻ: "Ai diễn cũng được, miễn cải lương sáng đèn là tôi mừng. Kim Ngân bỏ vốn ra để phục hồi một vở hay thì mình nên ủng hộ". Nhưng đúng là Phượng Loan diễn nửa đầu vở rất thích hợp bởi chị sở trường chất ngọt ngào, tâm lý sâu sắc, làm nên một thái hậu rất "đời". Mà chị cũng không thiếu uy nghi. Nét mặt ấy khi cần uy nghi thì rất chinh phục người ta, kể cả sự sang trọng cần có cho một bậc mẫu nghi thiên hạ.
NSƯT Phượng Loan trong vở Thái hậu Dương Vân Nga
Chân thật và chuẩn mực
Gần 30 năm trước, tôi biết Phượng Loan, từ dạo chị chưa nổi tiếng, chưa được phong Nghệ sĩ Ưu tú. Tôi rất thích nét diễn chân thật và chuẩn mực của chị. Lạ vậy đó. Có những nghệ sĩ dù chưa rầm rộ tiếng tăm nhưng vẫn tạo được nét son trong khán giả. Nhắc tới họ, khán giả phải nghĩ ngay tới cái gì ngọt ngào. Đó là những khán giả không chạy theo bề nổi, khi xem vở là xem rất kỹ, nghe rất kỹ, lắng mình vào từng nét diễn, từng câu ca, không bị tên tuổi và truyền thông lấn át sự cảm nhận riêng mình, không bị ám thị bởi bất cứ phong trào thời thượng nào. Sự thật là có những tài năng nghệ thuật số phận không cho họ may mắn, họ bị chìm nghỉm trong vô vàn thông tin giật gân và ánh hào quang rực rỡ của đồng nghiệp. Họ chòi đạp để giữ lấy nghề, giữ vững tâm huyết của mình, không bỏ cuộc, lẳng lặng sống chết cùng sân khấu. Và đến một ngày, họ cũng tỏa sáng, được yêu mến. Sự tỏa sáng và được yêu mến này cũng bền bỉ, chân thành, y như họ đã bền bỉ và chân thành đi theo Tổ nghiệp.
Phượng Loan mồ côi cha khi mới 2 tuổi, đến 3 tuổi thì mẹ lại mất. Chị sống với người dì ruột, vẫn gọi là má. Má đã hứa với người đã khuất là nuôi dạy Phượng Loan ăn học đàng hoàng. Cho nên khi thấy cháu ngày nào cũng ẵm em lân la sang nhà ông thầy đờn Hoàng Nô học hát, bà tức giận lôi về, đánh cho chừa. Nhưng nó không chừa.
Hoàng Nô là nhạc sĩ cổ nhạc nổi tiếng, ông nhận ra khả năng của cô học trò 13 tuổi này, thế là khi bạn ông thành lập đoàn Tuổi Trẻ trực thuộc Sở Công nghiệp TP HCM, ông gửi Phượng Loan vào. Từ đó, Phượng Loan "phiêu bạt giang hồ" qua biết bao đoàn, bao nhiêu tỉnh, thành trong miền Nam, ngoài miền Trung… Không thân thích, không thế lực, cô bé 13 tuổi tự chòi đạp với đời, với nghề, giỏi dần lên mà vẫn không mất đi tính thiện lương.
Đời công bằng lắm, dù muộn màng nhưng vẫn không phủ nhận một giá trị nào. Phượng Loan là một tài năng như thế.
Hạnh phúc trong đời
Giờ thì Phượng Loan hạnh phúc vô cùng. Một vợ, một chồng trong thế giới nghệ sĩ là rất khó, hai vợ chồng lại rất ít khi cãi nhau, ông xã hiền lành và chăm vợ con hết mực, lại có thêm hai cháu ngoại xinh ngoan. Chị nói: "Thực ra tôi không giàu có đâu, chỉ vừa đủ sống. Nhưng tôi thấy bình yên. Trời cho bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, mình nỗ lực thôi chứ đừng bon chen thêm khổ". Chị từng bị 2 lần biến cố mất giọng, phải phẫu thuật. Chị khóc như mưa, sợ không còn đi hát được nữa. Chị khấn Tổ nghiệp phù hộ, căn bệnh hết một cách diệu kỳ, thậm chí hát còn hay hơn ngày xưa.
Bình luận (0)