Danh hài Tùng Lâm và NSND Bạch Tuyết
Gặp lại ông vẫn thấy nét tươi tỉnh, từng câu nói như muốn gửi gắm đến người nghe tâm tình của ông về nghề nghiệp. Trong số các danh hài miền Nam trước 1975, chỉ còn mỗi ông được xem là "bảo bối" của làng hài. NS hài Hồng Tơ xúc động: "Bố Tùng Lâm là đại thụ của làng hài mà chúng tôi tôn kính. Các nghệ sĩ nổi danh cùng thời với bố đã lần lượt ra đi như: Phi Thoàn, Xuân Phát, Khả Năng, La Thoại Tân, Hề Minh, Thanh Việt, Thanh Hoài… Mơ ước của bố là nỗi niềm chung của người nghệ sĩ, sống chết gì cũng muốn mình được ở trong ngôi nhà sân khấu".
Danh hài Tùng Lâm nhận quà trong buổi họp mặt nghệ sĩ
Mỗi câu chuyện quái kiệt Tùng Lâm kể đều hàm chứa những suy nghĩ của một nghệ sĩ có 65 năm gắn bó với nghề. Với 84 tuổi đời, 65 tuổi nghề, nghệ danh Tùng Lâm được công chúng yêu sân khấu tặng cho danh hiệu quái kiệt. Hiện nay, ông nói mình sống nhờ uống thuốc. Mỗi ngày ông vẫn được người con gái út dẫn đi bộ một vòng quanh các con hẻm ở quận Bình Thạnh, sau đó ông về nhà xem tivi, nghe radio và tối cuối tuần thì đến các sân khấu để gặp gỡ con cháu, thế hệ nghệ sĩ hài trẻ.
Quái kiệt Tùng Lâm và Thanh Hoài
"Tôi thích được sống trong không gian của tiếng cười để nhớ về cái nghề mà tôi đã gặp nhiều gian truân nhưng cũng giữ được tinh thần lạc quan" – ông tâm sự.
NSND Kim Cương nhận xét danh hài Tùng Lâm có nhiều nghề, từ khi bước vào sân khấu đã là ca sĩ, sau đó lại làm MC, rồi hoạt náo viên, diễn viên điện ảnh và những biệt tài chọc cười duyên dáng đã đưa ông lên vị trí quái kiệt.
Trả lời câu hỏi ông thích khán giả gọi mình là quái kiệt hay chỉ là một nghệ sĩ bình thường? Ông giải thích: "Trên thực tế, con đường đưa tôi đến với nghề quanh co lắm. Tôi đoạt giải thủ khoa trong cuộc thi tuyển ca sĩ do Đài Phát thanh Pháp Á tổ chức năm 1948. Năm đó tôi hát ca khúc tiền chiến "An Phú Đông" của nhạc sĩ Lê Bình. Đến năm 1952 - 1953, tôi lại đăng quang liên tiếp hai giải nhất với ca khúc "Tiếng dân chài" của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Tất cả những danh hiệu mà khán giả tặng đều xuất phát từ lòng hâm mộ, cho nên gọi tôi là nghệ sĩ Tùng Lâm ở thời điểm này là thích hợp nhất, vì tôi đã rời xa sân khấu, những danh từ như: "quái kiệt", "danh hài", "biệt quái cười", "đệ nhất tiếu vương hội"… xin được nhường lại cho đàn em, cháu sau này. Tôi chỉ xin đừng tách tôi ra khỏi sân khấu".
Quái kiệt Tùng Lâm, Mỹ Chi và Thanh Hoài trong một bộ phim truyền hình
Quá trình đến với nghề của quái kiệt Tùng Lâm được tính từ chương trình "Tạp lục" trên đài phát thanh, nơi mà ông sáng tạo nhiều "ngón nghề", từ MC, ca vọng cổ, hát tân nhạc đến kể chuyện tiếu lâm. Sau đó, ông được các đạo diễn điện ảnh thời đó của Sài Gòn chú ý, rồi được mời đóng phim. Khi có được vốn ông đầu tư làm phim và trở thành nhà tổ chức chương trình đại nhạc hội.
Danh hài Mỹ Chi nhắc lại: "Hồi đó báo giới Sài Gòn gọi ông là tiểu quái kiệt bởi năm 1958, tại rạp A – Rít – Tô (bây giờ là trụ sở của Công ty Xổ số kiến thiết TPHCM), có tổ chức chương trình Đại nhạc hội minh tinh – quái kiệt, qui tụ ba quái kiệt nổi tiếng Ba Vân, Trần Văn Trạch và Bảy Xê, hợp cùng các minh tinh: Kim Cương, Khánh Ngọc, Thẩm Thúy Hằng, Kim Vui... Ông được mời tham gia biểu diễn cùng với nghệ sĩ Xuân Phát. Bất ngờ hơn khi khán giả cổ vũ cặp nghệ sĩ hài trẻ. Từ đó ông được chú ý và giới chuyên môn thời đó khẳng định ông là một nghệ sĩ đa tài" – NS Mỹ Chi kể.
Dù cao tuổi nhưng vẫn nhận quay phim truyền hình, niềm vui của quái kiệt Tùng Lâm
Nói về cuộc sống hiện tai, ông nhắc đến câu thơ đúc kết được ở tuổi 84: "Còn trẻ đi lăng quăng. Đứng tuổi muốn tìm vàng. Về già làm hòa thượng". Nếu cho tôi làm lại từ đầu, cái thời còn trai trẻ, tôi vẫn chọn làm diễn viên hài để được đem tiếng cười cống hiến cho bà con khán giả" – quái kiệt cười thật tươi.
Bình luận (0)