xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Quay lưng rồi khóc!

Lò Duy Bưu

Giữa khuya mộng mị, chợt nhớ bác bảo vệ cho tôi tá túc qua đêm, nhớ chị bán hủ tiếu xởi lởi chỉ đường, nhớ anh Tr. biết tôi dạy học đồng lương còm cõi đã hào sảng bớt tiền phòng

Nhà tôi ở Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk. Tốt nghiệp đại học ngành Ngữ văn, tôi khăn gói vào TP HCM dạy học. Đó là một ngày cuối tháng Bảy, sáng sớm tôi rong ruổi lái xe máy từ Buôn Ma Thuột xuống TP HCM. Những cơn mưa mùa hạ tầm tã tạt vào mặt tôi ran rát, tôi co ro lạnh lẽo với chiếc áo mưa mỏng manh bay lất phất trong gió và gặp không ít khó khăn khi di chuyển, con đường đất đỏ bazan sình lầy, nhão nhoẹt, tôi tủi thân và bật khóc trong mưa. Tôi chạy xe lên dốc, xuống đèo, băng qua những đoạn đường khúc khuỷu. Khi màn đêm buông xuống tôi đã có mặt ở thành phố phương Nam.

Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến Sài Gòn – TP HCM là sự choáng ngợp trước những con phố về đêm tràn ngập ánh đèn nhấp nháy, nhiều màu sắc. Trời oi nóng, ngột ngạt, tôi nhễ nhại mồ hôi, quên đi cái lạnh tái tê khi ban trưa lái xe trong mưa xối xả. Thành phố đông đúc, nhộn nhịp, các tòa nhà cao ốc, khu chung cư đồ sộ nguy nga. Tôi bỡ ngỡ giữa thành phố nhiều kênh rạch, nhiều cây cầu và những con hẻm ngoằn ngoèo, lạc vào như mê cung không có lối ra. Tôi lóng ngóng, vụng về vì đường sá dày đặc xe cộ, tôi muốn qua đường thiệt khó khăn. Trời tối vừa mệt vừa đói lả, tôi tấp vào quán hủ tiếu gõ bên đường Nguyễn Thị Minh Khai, gọi một tô, ngồi xì xụp húp. Thấy tấm biển nhỏ ghi"Trà tắc bự chà bá 10K", tôi mua một ly, ly trà bự đến nỗi tôi uống không hết.

Trường tôi dạy nằm ở khu dân cư Trung Sơn, huyện Bình Chánh, gần cầu Him Lam và giáp quận 7 nhưng tôi không biết đường đi. Tôi hỏi chị bán hủ tiếu, chị nhiệt tình, xởi lởi chỉ đường cho tôi. Sau đó tôi đeo ba lô lên và chạy xe theo hướng chị chỉ. Chạy một lúc tôi ngơ ngác và bị lạc giữa thành phố lạ, nhưng tôi mạnh dạn vừa đi vừa hỏi, cuối cùng cũng tới trường.

Quay lưng rồi khóc! - Ảnh 1.

Khu dân cư Trung Sơn, nơi có ngôi trường tác giả từng dạy học một thời

Tôi vào phòng bảo vệ trường, nói với bác bảo vệ tôi là giáo viên mới, cần tìm phòng trọ, bác niềm nở nói rằng giờ đã khuya, cứ ở phòng nghỉ ngơi, mai hẵng hay. May mắn phòng bác có máy vi tính kết nối mạng, tôi lên google tra, một trang điện tử rao bất động sản xuất hiện. Một nam thanh niên giới thiệu rằng anh có hai phòng, ở không hết, cần chia phòng. Trên trang có để lại số điện thoại, tôi nhanh nhẩu bấm số, nam thanh niên nhấc máy, tôi nói qua loa về bản thân mình, rồi anh ta hỏi:

-Bạn làm nghề gì?

-Tôi dạy học

 -Vậy hẹn trưa ngày mai, bạn đến xem phòng nhé.

Đúng hẹn, trưa hôm sau, tôi đến khu chung cư nhận phòng, sau khi thỏa thuận xong giá cả. Anh giới thiệu anh tên là Tr., làm văn phòng tài chính bên quận 1. Anh Tr. lớn tuổi, làn da trắng, đeo kính cận, tóc húi cua.

Căn phòng tôi ở có ban công chan hòa ánh nắng, tràn ngập hoa giấy rực rỡ. Từ đó tôi bắt đầu chuỗi ngày tháng lập nghiệp ở TP HCM. Cả ngày tôi ở trường với các học sinh, tối lại về chung cư. Anh Tr. cũng đi làm từ sáng đến tối mịt, thậm chí tiếp khách hàng tới khuya mới về. Chúng tôi chỉ gặp nhau vào buổi sáng, chào hỏi nhau vài câu rồi ai nấy chạy xe đi làm. Chỉ có cuối tuần được nghỉ, chúng tôi rủ nhau đi siêu thị mua đồ dự trữ cho tuần tới, rồi nấu ăn, trò chuyện rôm rả rất vui.

Ở TP HCM riết rồi quen, về quê lại thấy nhớ nôn nao, da diết. Tôi nhớ giọng phát thanh viên trên Đài tiếng nói Nhân dân TP Hồ Chí Minh vào sớm tinh mơ. Tôi nhớ chương trình "Cửa sổ văn học" được phát vào buổi sáng chủ nhật, tôi nằm nghe những  sáng tác của các tác giả khắp mọi miền đất nước gửi về, thấy hình bóng tôi đâu đó trong tác phẩm của họ.

Tôi nhớ đường sách TP Hồ Chí Minh nằm trên đường Nguyễn Văn Bình, gần nhà thờ Đức Bà. Vào cuối tuần tôi hay ghé đường sách, đọc sách, thong thả tận hưởng cảm giác bình yên hiếm hoi giữa chốn phồn hoa đô hội. Tôi nhớ ly cà phê bệt ở đường Công xã Paris, bên cạnh nhà thờ Đức Bà; đàn bồ câu chao liệng trên hàng cây dầu, chúng bay quanh mái nhà thờ rồi sà xuống dạn dĩ, thân thiện đậu trên cánh tay tôi. Tôi thư thái nhấp ngụm cà phê, nghe tiếng chuông giáo đường ngân vang. Những cánh chò nâu xoay xoay bay trong gió chiều mùa hạ, vương vãi trên thềm.

TP HCM để lại cho tôi nhiều kỉ niệm. Giữa khuya mộng mị, chợt nhớ bác bảo vệ cho tôi tá túc qua đêm, nhớ chị bán hủ tiếu xởi lởi chỉ đường, nhớ anh Tr. biết tôi dạy học đồng lương còm cõi đã hào sảng bớt tiền phòng. Để rồi ngày xa có kẻ quay lưng rồi khóc.

Nhớ lắm! TP HCM thân thương.

Mời bạn đọc dự thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng"

Mỗi thể loại có 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 1 giải nhì trị giá 15 triệu đồng; 2 giải ba, trị giá 10 triệu đồng/giải và 3 giải khuyến khích, trị giá 5 triệu đồng/giải

Nhận bài dự thi từ ngày 10-4-2021. Kết thúc nhận bài dự thi vào ngày 15-7-2021.

Thời gian trao giải vào ngày kỷ niệm 46 năm thành lập Báo Người Lao Động (28-7-2021)

Những tác phẩm đạt chất lượng sẽ được giới thiệu trên Báo Người Lao Động (báo in và báo điện tử). Bài đăng báo in trên số ra Chủ nhật hàng tuần và trên Báo Người Lao Động Online.

Tác giả được hưởng nhuận bút theo quy định.

Tác phẩm dự thi ghi rõ "Tạp bút dự thi" hoặc "Thơ dự thi" gửi về: Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi viết "45 năm rực rỡ tên vàng".

Hoặc qua địa chỉ email: 45namtenvang@nld.com.vn

BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG



Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo