xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Quyển vở có hai màu giấy

TRANG NGUYỄN

Tấm gương của bố mẹ soi chiếu, định hình dần ý thức, thái độ, ứng xử của trẻ đối với cuộc sống, trong đó có cả cách sử dụng đồng tiền

Hôm qua, trong lúc kiểm tra bài cũ, tôi tình cờ gom được một niềm vui nho nhỏ từ cô bé học trò lớp 7. Quyển vở bài tập của em có đến 2 màu giấy. Một nửa quyển tập là giấy kẻ ô ly màu xanh lơ, nửa còn lại ô ly kẻ màu tím nhạt.

Tiết kiệm: Đức tính quý giá

Hai màu giấy được gộp lại từ những trang giấy trắng của 2 quyển vở cũ khác nhau. Vừa mân mê quyển tập trong lúc em trả bài, tôi vừa thầm khen cô bé, khen bố mẹ em biết dạy con một đức tính quan trọng, đó là tiết kiệm. Trao vở cho em về chỗ, tôi nhìn lâu hơn vào quyển tập có 2 màu giấy và cười bảo: "Quyển tập rất đẹp! Ngày xưa cô có vô số quyển như thế, nhiều màu hơn thế".

Quyển vở có hai màu giấy - Ảnh 1.

Minh họa: KHỀU

Tận dụng những trang giấy trắng của vở cũ năm học trước là một thói quen của học sinh nghèo chúng tôi ngày trước và một số bạn trẻ hôm nay. Giấy trắng còn mới tinh, nguyên vẹn đóng thành tập học được vô số môn, giấy đã dùng một nửa được cắt lề thẳng nếp kẹp vào làm vở nháp. Cứ như thế, chúng tôi lớn lên bên những quyển vở có nhiều màu giấy. Dẫu thiếu thốn một chút, thiệt thòi một chút mà biết trân quý sách vở, trân quý mọi thứ.

Tôi đang giảng dạy ở ngôi trường cấp 2 và chứng kiến nhiều cách dùng sách vở lãng phí của học sinh. Sách mới tinh bị các em dùng bút mực viết bừa vào. Cô có nhắc nhở hôm trước thì hôm sau, các em lại quên và khẳng định chắc như đinh đóng cột: "Em cháu sang năm bố mẹ mua cho sách mới chứ không chịu dùng lại sách cũ của anh chị đâu!".

Vở phần thưởng từ nhà trường, vở hỗ trợ từ các tổ chức thiện nguyện mới tinh, cáu cạnh bị các em chê. Nhiều bố mẹ chiều con phải mua loại vở cao cấp, khổ lớn ở nhà sách danh tiếng với giá đắt đỏ dùng để học chính thức. Còn vô số quyển vở khác chỉ dùng làm... nháp. Xài sang và lãng phí vô cùng!

Đồ chơi, áo quần của con trẻ thời nay vừa đẹp vừa phong phú về mẫu mã, kiểu cách. Bố mẹ nào cũng thương con, muốn sắm sửa cho con bằng bạn bè nên hễ con đòi là mua, thấy đẹp là sắm. Đồ chơi chất đống, áo quần đầy tủ làm con chơi hay mặc đều chẳng biết giữ gìn. Nhưng hễ nhắc đến chuyện chia sẻ đồ chơi cũ, áo quần chật cho người khác là la oai oái giành giật lại. Có lẽ đó là hình ảnh chung của nhiều đứa trẻ lớn lên trong cuộc sống đủ đầy vật chất, quen được cưng chiều, cung phụng.

Ảnh hưởng từ lối sống của bố mẹ

Sự khác biệt giữa một cô bé gom giấy trắng đóng tập và những cô cậu học sinh khác dùng sách vở, áo quần, đồ chơi một cách cẩu thả do đâu? Do gia cảnh khác biệt quyết định ý thức và cách sống ư? Tôi xin khẳng định là không. Bởi thực tế cho thấy rất nhiều đứa trẻ dẫu lớn lên trong cảnh nhà túng thiếu vẫn nảy sinh tính ích kỷ, thích hưởng thụ, đua đòi với chúng bạn. Rất nhiều trẻ lớn lên trong điều kiện kinh tế khá giả vẫn có lối sống giản dị, tiết kiệm.

Con trẻ chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ lối sống của chính bố mẹ và người thân trong gia đình. Tấm gương của bố mẹ soi chiếu, định hình dần ý thức, thái độ, ứng xử của trẻ đối với cuộc sống, trong đó có cả cách sử dụng đồng tiền. Người bố, người mẹ biết sử dụng tiền hợp lý, chi tiêu theo kế hoạch và dạy con về giá trị của đồng tiền, chắc hẳn mỗi đứa con đều có thái độ đúng khi sử dụng tiền do mồ hôi, công sức của bố mẹ đánh đổi.

Ngược lại, nhiều bố mẹ tiêu xài phung phí, không cần thiết vẫn mua, vẫn sắm những món đồ xa xỉ, đắt tiền. Thử hỏi con cái sẽ học được gì từ cách vung tiền như nước của bố mẹ? Chúng sẽ nghĩ đơn giản đồng tiền rất dễ kiếm và dần dần tiêm nhiễm cách xài tiền không hoạch định. Một chị bạn đồng nghiệp của tôi rất khá giả, việc con xin đôi giày thể thao, cặp vợt bóng bàn ngót nghét chục triệu đồng rất dễ dàng. Nhưng chị vẫn sử dụng chiêu "than nghèo kể khổ", hẹn lần lữa đến kỳ lương sau của bố mẹ mới đủ tiền. Chị nói: "Để con biết quý đồng tiền!".

Dù dạy con xài tiền theo cách cha mẹ Việt hay người Do Thái, người Nhật thì tôi nghĩ điều quan trọng nhất vẫn là dạy con có ý thức sử dụng tiền khoa học, hợp lý. Con phải biết những đồng tiền ấy được đánh đổi bằng ngày giờ công lao động của bố mẹ để sử dụng có ý nghĩa. Khi biết trân trọng tiền bạc, con mới biết giữ gìn đồ chơi, áo quần, sách vở… Và dù chúng ta đang thiếu thốn thật sự hay thừa thãi vật chất, tôi vẫn mong rằng bố mẹ đôi lúc hãy để cho con cái thiếu thốn một chút, chịu thiệt thòi một chút. Có như thế, con trẻ mới biết trân quý mọi điều trong cuộc sống. 

Gieo những hạt mầm tử tế

Tôi và cô bạn đồng nghiệp của mình đang dạy 2 cô con gái nhỏ tròn 5 tuổi của chúng tôi ý thức giữ gìn sách vở. Những quyển sách phát triển IQ, EQ; những quyển tập trò chơi dành cho trẻ mầm non có giá khá đắt. Chúng tôi cho con làm bằng bút chì rồi tẩy xóa vết bút đi, đổi sách cho nhau để học. Chúng tôi tự hào về 2 đứa trẻ mới 5 tuổi đã biết giữ gìn sách cho bạn học lại, biết chia sẻ đồ chơi, áo quần cho nhau, biết dành những đồng tiền mừng tuổi cho những cảnh đời cơ nhỡ. Hy vọng hạt mầm tử tế sẽ lớn lên khỏe mạnh trong các con.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo