Khi mạng xã hội phát triển, các nền tảng công nghệ số trở thành phương tiện truyền tải nhanh nhất và rộng rãi nhất những sản phẩm giải trí đến với công chúng, trong số đó có những sản phẩm chưa qua kiểm duyệt nội dung, những sản phẩm đã phát sóng trên truyền hình, trình diễn ở sân khấu, chiếu ở rạp… Điều đáng nói là các sản phẩm này dù có qua khâu kiểm duyệt hay không đều có phiên bản đầy đủ trên mạng xã hội.
YouTube luôn có bản full
Vài hôm trước, câu chuyện tình yêu của cặp đôi "bố - con" trong chương trình truyền hình "Vợ chồng son" gây sốt cộng đồng mạng, sau khi câu chuyện giường chiếu của cặp đôi này được vô tư kể trước bàn dân thiên hạ. Phụ huynh bức xúc vì không thể chấp nhận được câu chuyện độc hại với trẻ em như thế này lại được lên sóng một đài truyền hình. Thực tế, đây là một trong những câu chuyện nhà sản xuất qua mặt nhà đài, khi giữ lại những hình ảnh bị cắt bỏ trên sóng truyền hình khi đưa chương trình lên trên kênh YouTube của mình.
Cách đây không lâu, cuộc khẩu chiến giữa cựu người mẫu Trang Trần với tiến sĩ Lê Thẩm Dương trong chương trình "Giải mã kỳ tài" gây bão trên mạng xã hội vì người xem bất bình trước cách nói chuyện đến mức "vô lễ" của cô này với người lớn tuổi mà cô gọi bằng thầy. Clip này thu hút gần 100.000 lượt người theo dõi và bình luận trên YouTube và được chia sẻ rộng rãi trên nền tảng Facebook với nhiều ý kiến trái chiều. Thực tế, video Trang Trần khẩu chiến tiến sĩ Lê Thẩm Dương đang được lan truyền rộng khắp đó là phiên bản đầy đủ do nhà sản xuất tung ra trên YouTube dài 37 phút. Còn với phiên bản phát sóng trên truyền hình dài 26 phút thì mọi chuyện khá suôn sẻ bởi những ngôn từ quá đà đã được cắt bỏ.
Đây chính là cách làm của hầu hết các đơn vị sản xuất chương trình truyền hình giải trí hiện nay vừa phát truyền hình vừa đăng trên mạng để tăng lượng người xem. Khán giả có thể dễ dàng xem full (đầy đủ) nếu muốn. Tất nhiên, so với bản được phát sóng trên truyền hình thì những bản được đăng trên nền tảng mạng thường dài hơn vì đầy đủ nội dung. Trong đó, khán giả có thể được xem cả những nội dung đã bị cắt bỏ qua kiểm duyệt của nhà đài vì không phù hợp.
Hình ảnh giới thiệu trên mạng về phiên bản phát sóng chương trình “Vợ chồng son” có nội dung vô tư kể chuyện giường chiếu
Tự do như nền tảng mạng
Khi đặt ra vấn đề này với nhà đài, câu trả lời chung là: Chúng tôi đã cố gắng kiểm soát tốt mọi nội dung bằng việc cắt bỏ những nội dung thừa, không phù hợp... trong quyền hạn của mình.
Quyền hạn của các nhà đài hiện nay là chỉ chịu trách nhiệm những gì lên sóng, còn ngoài sóng truyền hình thuộc về nhà sản xuất. Thực tế, những chương trình truyền hình có nội dung phản cảm, dung tục hay gọi chung là "rác" đều nằm trong những bản full do đơn vị sản xuất đăng tải trên website của chương trình hay kênh YouTube kinh doanh của họ.
Tất cả đơn vị sản xuất chương trình truyền hình khi được đặt vấn đề đều thừa nhận bản phát sóng hoàn toàn khác với bản mà nhà sản xuất sẽ đưa lên website hay kênh YouTube để kinh doanh. Với những nền tảng mạng xã hội hay kênh YouTube cá nhân, người kiểm duyệt nội dung chính là nhà sản xuất nên họ có quyền đưa những nội dung mình muốn để phục vụ nhu cầu của khán giả.
Nhiều nhà đài kêu oan vì nhiều nội dung vốn nhạy cảm, quá đà đã bị khâu kiểm duyệt cắt bỏ hoặc biên tập khi phát sóng nhưng lại được các nhà sản xuất đăng tải trọn vẹn trên mạng, dẫn đến bị công luận chỉ trích khi nội dung ấy có vấn đề. Đây là lỗ hổng trong khâu quản lý nội dung. Các nhà đài đều biết nhưng không làm gì được vì các nhà đài cũng cần các nhà sản xuất để có chương trình phát sóng thu quảng cáo.
Thực tế cho thấy khi các nền tảng mạng phát triển vượt cả truyền hình, nhiều đơn vị sản xuất chương trình, game show thậm chí không cần đến nhà đài phát sóng chương trình của họ. Khá nhiều game show đã ra mắt trên nền tảng công nghệ số. Nhiều chương trình phản cảm, lố lăng kiểu lột đồ đối phương bằng răng, dùng bông tắm lau khắp cơ thể, ôm ấp hôn hít trong phòng tối, những câu chuyện giới tính, quan hệ tình dục, ăn thức ăn trên người… liên tiếp ra mắt trong sự phản đối kịch liệt của người xem. Những game show này chỉ đăng trên mạng thay vì phát sóng truyền hình để tránh bị cắt và biên tập.
Rõ ràng, trong thời buổi dùng chiêu trò, thậm chí tạo xì-căng-đan để có lợi thế cạnh tranh trong cuộc chiến giành người xem thì việc bất chấp tạo ra những sản phẩm có nội dung vi phạm của vài đơn vị sản xuất cũng không khó hiểu. Vấn đề còn lại là trách nhiệm của các cơ quan quản lý.
Sẽ có biện pháp xử lý khi đủ cơ sở
Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) TP HCM cho biết: "Khi đã có đủ cơ sở, Sở TT-TT cũng sẽ có biện pháp xử lý theo đúng quy định hiện hành. Tuy nhiên, với những trường hợp được đề cập, nhiều chương trình truyền hình bị phản ánh có nội dung không phù hợp, thậm chí dung tục, phản cảm, sở sẽ phải tổng hợp và chuyển toàn bộ thông tin qua Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM, cơ quan quản lý nghệ thuật, để cơ quan này thẩm định nội dung trước. Sau khi có kết quả thẩm định, chương trình truyền hình hay game show nào có nội dung phản cảm như phản ánh sẽ bị xử lý theo quy định. Đơn vị xử lý vi phạm có thể là Sở Văn hóa và Thể thao hay Sở TT-TT, dù đó là chương trình được phát sóng trên đài truyền hình hay trên nền tảng công nghệ số".
Về số lượng trường hợp bị xử phạt trước nay, đại diện Sở TT-TT cho biết sẽ đưa ra con số cụ thể sau khi có được thông tin từ chánh thanh tra sở này.
Bình luận (0)