Tên gọi "Lệnh Hòa" được các học giả Nhật Bản lựa chọn có nguồn gốc từ tập thơ cổ "Manyoshu", đọc theo âm Hán - Việt là "Vạn diệp tập". Vì sao một vương triều ở thế kỷ XXI, nổi tiếng là cường quốc công nghiệp lại chọn niên hiệu lấy cảm hứng từ thơ ca?
"Vạn diệp tập" là tập thơ đầu tiên của dân tộc Nhật Bản. Được biên soạn trong thời gian khá dài bởi nhiều học giả, trí thức, ôm trọn 4 thế kỷ thơ ca của xứ Phù tang, từ thế kỷ IV đến thế kỷ VIII, với hơn 4.500 bài gồm nhiều thể thơ khác nhau được in trong 20 quyển, từ thơ ca của Hoàng thất, Vương công có tên trong sử sách đến thơ ca của một thiếu nữ vô danh.
Giống như tên gọi "Vạn diệp" - mười ngàn chiếc lá, từ những cảm xúc trong trẻo như lộc non mới nhú cho đến nỗi buồn bi ai nhuốm màu tàn úa của chiếc lá thu phai lìa cành…, nó như quyển nhật ký ghi lại mọi cung bậc cảm xúc, tâm tư tình cảm trong suốt vòng quay của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Những chiếc lá được sinh ra trên cùng cây đời, có chung nguồn cội, chứng tỏ tâm hồn giàu có của người dân, tuy chỉ là thơ ca trong 4 thế kỷ nhưng tính tươi mới cùng những cảm thức u huyền phảng phất trong đó mãi còn lưu lại với ngàn sau. Do đó, nó còn được gọi là "Mandai no shu" tức "Vạn đại tập" - tập thơ của muôn đời.
Người dân Nhật Bản tự hào khoe ảnh niên hiệu “Reiwa” được viết thư pháp. Ảnh: Kyodo.
Theo các học giả, niên hiệu "Reiwa" (đọc theo âm Hán Việt là "Lệnh Hòa") lấy cảm hứng một phần từ bài thơ số 815 trong tập 5 của "Vạn diệp tập", miêu tả một tháng đầu xuân, thời tiết tốt lành, gió nhẹ nhàng, hoa mận bừng nở. Bài số 815 được viết theo thể thơ waka (hòa ca) - một thể thơ cổ của Nhật Bản vốn là tên gọi chung chỉ các thể thơ để phân biệt với thơ ca Trung Quốc. Nhưng từ thế kỷ VIII trở đi, người Nhật Bản xem waka đồng nghĩa với tanka. Tanka là một thể thơ 31 âm tiết, có thể được xếp thành 5 dòng, các âm tiết được chia theo cấu trúc: 5 - 7 - 5 - 7 - 7.
Người Nhật Bản xưa đã sử dụng chữ Hán theo lối mượn âm để ghi lại các bài thơ trong "Vạn diệp tập". Trong bản gốc, các từ được chọn là "reigetsu" (令月- lệnh nguyệt) nghĩa là tháng được chọn và "kaze odayaka" (風和- phong hòa) nghĩa là gió hòa. Các hợp từ "lệnh" trong "lệnh nguyệt" và "hòa" trong "phong hòa" để thành niên hiệu mới là "Lệnh Hòa".
Các nhà bình luận cũng chỉ ra rằng "lệnh" đề cập tháng 2, là tháng sinh của Thái tử Naruhito, người sẽ trở thành hoàng đế vào ngày 1-5 và "hòa" ám chỉ một thời đại hòa bình, thịnh vượng cho thần dân Nhật Bản.
Việc đặt niên hiệu mới, lấy cảm hứng từ tập thơ cổ nhất Nhật Bản chứng tỏ Nhật hoàng mới lần nữa khẳng định rằng tuy là tân vương nhưng điểm tựa của ông là truyền thống mấy ngàn năm của Nhật Bản, bén rễ vào đời sống văn hóa tinh thần của từng người Nhật. Trong "Vạn diệp tập" có thể thấy thơ của quân vương được xếp cạnh thơ của thứ dân, trước thiên nhiên, trước vũ trụ, điều đó có ý nghĩa trong thơ ca, mọi người đều bình đẳng như nhau, vua cũng như dân đều bình đẳng trước cái đẹp.
Niên hiệu này cũng mang tính tiên phong, khi thoát khỏi cách đặt niên hiệu theo các điển tích, điển cố Trung Quốc mà lựa chọn từ thơ ca trong buổi bình minh của một nền văn hóa rực rỡ. Không đại ngôn, không khoa trương, nó biểu hiện một đất nước có thể được trị vì bởi tình yêu và cái đẹp, bởi sự lãng mạn cùng lòng sùng bái thiên nhiên, là bước đi tiếp nối của những bước đi từ ngàn năm trước, từ một nền văn hóa không lúc nào làm chúng ta không thấy khâm phục.
Bình luận (0)