Quê tôi ở vùng duyên hải miền Trung đầy nắng và gió Lào rát mặt. Không biết từ bao giờ, TP HCM trở thành điểm đến của nhiều người đàn ông trong làng rời ruộng đồng để vào Nam kiếm sống. Dần dà, trong làng chỉ còn người già và trẻ con. Nhưng bù lại, mỗi năm học mới, lũ trẻ được xúng xính tới trường trong bộ quần áo và đôi dép mới. Chái bếp, gian nhà của bà Hội, thím Bích... cũng được sửa sang không còn dột nát nhờ tiền con cái gửi về. Họ rỉ tai nhau, người TP HCM rộng lòng với dân ngoại tỉnh, đặc biệt là những người lao động tự do. Ai có bằng tốt nghiệp phổ thông thì xin làm công nhân. Không bằng cấp gì thì phụ hồ, khuân vác, lượm ve chai ..., miễn chăm chỉ là có tiền rủng rỉnh gửi về quê phụ giúp gia đình, nuôi con cái ăn học tử tế.
Một bữa nọ, chị họ tôi gọi điện khoe mới sắm được cho con gái chiếc xe đạp . Chị kể, bữa đang đi mua sắt vụn dọc đường thì có một chị gọi vào bán mấy cái vỏ lon bia. Nói chuyện qua lại, chị chủ nhà chỉ chiếc xe đạp mini Nhật dựng ở góc sân bảo: "Nhà mới "lên đời" cho cô con gái cái xe máy điện nên xe đạp này không dùng đến nữa, chị đưa tôi năm chục ngàn mà lấy." Chị họ tôi mừng quýnh, kể rằng mình đang cần mua một chiếc xe để con gái ở quê đi học, chứ trường xa quá cháu đi bộ thương lắm. Nghe vậy, chị chủ kiên quyết ấn cái xe vào tay chị tôi, bảo gửi về cho con, khỏi tiền nong gì cả. Chị tôi rơi nước mắt. Quê tôi nghèo, kiếm được đồng tiền rất khó khăn nên muốn mua cái gì cho con thì bố mẹ phải chắt bóp chi tiêu. Thế nên chị ráng tiết kiệm cả năm nay mới dám nghĩ đến việc mua cho con chiếc xe cũ. Giờ được tặng một món quà bất ngờ thế này, chị không mừng sao được. Chị vừa kể vừa xuýt xoa khen, dân TP HCM tốt lắm. Tôi ậm ừ, họ giàu nên tốt chị ạ. Nhưng chị cãi : "Không, người thành phố này rất hào sảng, đúng là họ giàu và chí thú làm giàu nhưng không khinh người nghèo. Có dịp cô vào chơi sẽ thấy người TP HCM dễ thương như thế nào".
Sau bao nhiêu dự định, đến mùa hè năm 2019 tôi mới có dịp đến với TP HCM. Thành phố đón tôi bằng cơn mưa bất ngờ cho thỏa chí tò mò từng biết qua trang sách. Cô bạn hết giờ dạy chạy xe từ quận Tân Bình qua quận 5 đón tôi đi tham quan thành phố. Vừa đi được vài mét, như nhớ ra điều gì bạn tôi ngó quanh rồi tấp xe vào hỏi một chú bán bánh mì trên vỉa hè : "Chú ơi, bạn con ở khách sạn đằng kia, nó mới ở ngoài Bắc vào chơi, con đi đón mà quên không mang nón bảo hiểm. Chú có thể cho con mượn được không ạ? Lát quay về con gửi lại chú". Tôi còn chưa hết ngạc nhiên khi bạn nhờ một người lạ thì ông chú đã đưa ngay chiếc mũ kèm theo lời chúc: "Hai đứa đi chơi vui nghe con". Tôi tròn mắt: " Sao không quen biết nhau mà chú cũng cho mày mượn ?". Bạn tôi cười : "Người TP HCM dễ thương vậy đó. Họ rất nhiệt tâm với mọi người xung quanh, kể cả với người lạ. Ở đây, nếu lỡ đi lạc có khi mày sẽ được người chỉ đường dắt tới tận nơi cần tìm đấy". Tôi gật gù, giờ mới vỡ lẽ câu khen của người chị họ hôm nào.
ATM thực phẩm miễn phí" do Báo Người Lao Động thực hiện ngay những ngày đầu khi dịch Covid-19 bùng phát ở TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Giờ tan tầm. Chúng tôi di chuyển giữa biển người và xe nối đuôi nhau. Tôi bắt đầu thấy mệt vì mùi xăng xe và hơi nóng hầm hập từ mặt đường bốc lên. Phải đến 20 phút sau, nhỏ bạn mới lách lên rẽ vào con đường nhỏ thoáng hơn. Xe đang chạy bỗng một thanh niên phía sau vượt lên ngang tầm chúng tôi nói với sang : "Bé ơi, gạt chân chống xe lên kìa. Nhắc nhỏ bạn em cất cái giỏ vào cốp xe đi" rồi vụt đi. Nghe nhắc, cô bạn liền dừng lại cất ngay vào cốp xe cái túi xách tôi đang cầm trên tay. Nó bảo, bây giờ hay có nạn cướp giật lắm, nên phải cảnh giác. Nhưng bù lại, câu chuyện về những hiệp sĩ đường phố lại là điểm sáng khiến thành phố này dễ thương hơn nữa. Ở đất này, làm việc nghĩa cũng tự nhiên như nắng phương Nam, nắng tỏa đến đâu, hơi ấm lan đến đấy, người này theo gương người kia, sáng bừng cả vùng trời.
Bạn ví TP HCM như nắng. Còn tôi càng thấy thành phố này sự đa dạng, hấp dẫn người khác đến với tình cảm chân thành, chỉ thời gian ngắn là đã có cảm giác thân thuộc. Chỉ cần siêng năng, lương thiện là có thể kiếm sống được dễ dàng. Với tấm lòng bao dung, TP HCM trở thành miền đất lành cho bao người.
Mời bạn đọc dự thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng"
Mỗi thể loại có 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 1 giải nhì trị giá 15 triệu đồng; 2 giải ba, trị giá 10 triệu đồng/giải và 3 giải khuyến khích, trị giá 5 triệu đồng/giải
Kết thúc nhận bài dự thi vào ngày 15-7-2021.
Thời gian trao giải vào ngày kỷ niệm 46 năm thành lập Báo Người Lao Động (28-7-2021).
Những tác phẩm đạt chất lượng sẽ được giới thiệu trên Báo Người Lao Động (báo in và báo điện tử). Bài đăng báo in trên số ra Chủ nhật hàng tuần và trên Báo Người Lao Động Online.
Tác giả được hưởng nhuận bút theo quy định.
Tác phẩm dự thi ghi rõ "Tạp bút dự thi" hoặc "Thơ dự thi" gửi về: Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi viết "45 năm rực rỡ tên vàng".
Hoặc qua địa chỉ email: 45namtenvang@nld.com.vn
BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Bình luận (0)