Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) năm nào tôi cũng cùng gia đình chồng thắp hương cho ông nội ở nghĩa trang. Một bia mộ nhỏ bé chỉ vỏn vẹn dòng tên tuổi và năm hy sinh. Những năm của rất lâu rồi, lúc tôi chưa sinh ra và chỉ biết chiến tranh qua lời người lớn kể lại.
Những bia mộ được quét vôi màu trắng, nằm ngay ngắn từng hàng; họ đều là những người con của quê hương tôi, hy sinh ở khắp các mặt trận phía Nam, được gia đình đưa nắm xương cốt còn lại về đây, tụ họp nơi nghĩa trang này. Nhìn dòng chữ khắc năm sinh, năm mất, tôi chợt nhận ra những tuổi xuân đọng lại trên mỗi ngôi mộ. Họ là những người lính mới độ tuổi mười tám đôi mươi, mãi mãi nằm lại chiến trường khi tuổi đời còn rất trẻ. Mỗi ngôi mộ một cuộc đời, một câu chuyện tình chưa kể hay đã được kể, điều đó người làng tôi biết.
Ngôi mộ khắc tên Nguyễn Văn Duật nằm cạnh mộ ông tôi. Hồi ấy, chú mới cưới vợ được bảy ngày, chiến tranh vội vã không để cho người lính có thời gian thu xếp chuyện tình cảm. Chú có bảy ngày hạnh phúc bên người vợ mới cưới rồi khoác ba-lô lên đường nhập ngũ. Trên đường khói bụi bay, chú nhớ vợ nên chỉ biết nắm chặt chiếc khăn tay và tấm ảnh để bên ngực áo. Chú sợ những con đường hành quân trơn trượt xô ngã nên cài chiếc kim băng vào túi, mục đích để chiếc khăn tay và chiếc ảnh không bị văng ra. Nhưng chiến tranh tàn khốc chẳng thương nổi một ai. Chú Duật đã nằm lại chiến trường, bỏ lại lời hứa trở về với người vợ tảo tần ngày đêm mong ngóng. Chú không biết vợ chú đã sinh cho chú một người con trai. Lá thư cuối cùng cô viết báo tin, chú chưa kịp nhận được thì đã hy sinh mất rồi. Người con trai lớn lên không biết mặt cha, anh chỉ nhìn cha qua bức ảnh đen trắng mờ nhạt, đầy vết ố. Những dòng thư và một tờ giấy báo tử, đó là tất cả những gì anh biết về cha mình.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Hành trình tìm lại nắm xương cốt của chú khó khăn và xa xôi lắm. Vợ con chú đi khắp các chiến trường xưa, nơi đơn vị chú tham gia chiến đấu năm 1972 ở Quảng Nam. Chỉ có những hàng cây vi vu đón gió, những dòng sông lững lờ chảy trôi. Cơ thể chú hòa cùng đất cát lâu rồi, biết ở đâu mà tìm, mà bới. Nhưng vợ con chú làm đủ mọi cách với hy vọng tìm ra chú, mang chú trở về quê hương. May mắn cuối cùng cũng đến, họ tìm được nhân chứng là chú Tha, đồng đội cùng chiến đấu với chú ngày hôm ấy, chú Tha tả lại nơi giao thông hào chú Duật đã hy sinh ra sao. Bao ngày trời đào xới tìm lại vị trí trận địa cũ, họ tìm thấy được một nắm xương còn lại. Kỳ lạ thay, vẫn còn chiếc khăn tay và tấm ảnh của vợ chú bọc trong túi ni-lông phía bên ngực trái rơi ra cùng chiếc kim băng đã han gỉ. Người vợ bật khóc nức nở, ngày ra đi bịn rịn mà ngày gặp lại thật chát chao. Vợ chú ôm nắm xương đã hóa đất còn sót lại, chắc cô muốn tìm lại cái nắm tay xưa chú từng hẹn thề. Hàng cây bạch đàn bên đường xào xạc lá như đang khóc cho cuộc đoàn tụ của người còn sống với người đã mất sau chiến tranh.
Chú Duật được người dân tiễn đưa một lần nữa tới nghĩa trang thôn nhà. Chú gặp lại những đồng đội quê hương trên những bia mộ cũng từng ra đi chiến đấu và hy sinh. Mọi người đặt lên mộ những điếu thuốc lá được đốt cháy. Nỗi niềm rưng rưng khi âm dương chẳng còn khoảng cách, những điếu thuốc trên mộ rực đỏ chiếc tàn nhả khói bảng lảng như sương. Chắc đồng đội về đây đoàn tụ, các liệt sĩ được một ngày hội ngộ rưng rưng.
Mỗi bia mộ là một câu chuyện kể, họ cũng từng sống và từng yêu, họ cũng từng cười và từng khóc. Ngôi mộ chú Toan ở đằng xa phía bên tay phải, người làng tôi, chú yêu cô Mận, ngày ra đi chú nắm tay cô hẹn khi nào hòa bình chú trở về. Người lính vốn sẵn tính lãng mạn, chú bảo sẽ gặp lại cô trong bài hát quan họ "Mời trầu" quê mình. Vậy mà chú hy sinh tại Thành Cổ Quảng Trị, chú không về nữa. Ngày trở về cũng là ngày sau chiến tranh khi người ta mang chú về từ nghĩa trang xa xôi Thành Cổ đặt vào bia mộ nghĩa trang quê nhà. Cô Mận chẳng đi lấy chồng, cô ở với một người con nuôi và chung thủy với mối tình sắt son cho tới tận bây giờ. Trên đầu cô tóc đã bạc trắng, trên mộ chú vẫn còn tuổi xanh. Nếu trừ năm mất cho năm sinh, chú tròn 22 tuổi. Cô Mận thắp nén nhang thơm lên mộ chú Toan: "Em đã già còn anh vẫn trẻ". Lời cô nói run run trong buổi chiều tưởng niệm vỡ vụn không gian. Chiến tranh đã lùi xa nhưng chẳng thể làm những mảnh đời méo mó bởi họ vẫn sống vẹn tròn một chữ tâm.
Quê hương tôi và những quê hương khác trên dải đất hình chữ "S", xã phường nào cũng có một nghĩa trang. Còn cả những người lính khuyết danh, họ đã hòa tan xương máu vào đất, vào nước, họ không có mặt ở nghĩa trang. Nhưng người thân nhớ họ, những thế hệ con cháu chúng tôi sinh ra và lớn lên nhớ họ. Chiến tranh vẫn lẩn quất đâu đây qua câu chuyện kể của ông, của bà, qua những gương mặt hồn hậu quê tôi. Tôi thắp nén nhang thơm tưởng nhớ về những người lính, lòng tôi rưng rưng một niềm thương. Chiều tháng bảy nghĩa trang bảng lảng khói sương.
Bình luận (0)