Ở đó, các văn nghệ sĩ đương thời được mến mộ, tập hợp lại, cùng nhau làm ra một ấn phẩm tâm đắc gửi đến người đọc đón Tết. Sách có thể không phải để đọc ngay, mà là một thứ cho đủ lệ bộ tựa như mâm ngũ quả ngày Tết. Ra giêng ngày rộng tháng dài, lúc ấy mới giở cuốn sách Tết còn thơm mùi mực, nhẩn nha nhấm nháp không khí của ngày Xuân. Thú văn chương tao nhã ngày Xuân đã trở thành cái lệ đầu năm với nhiều người.
Nhưng từ sau năm 1958, không còn ấn bản nào mang tên sách Tết, để lại trong lòng người đọc một khoảng trống tinh thần. Đó là lý do để họa sĩ Trần Đại Thắng gặp gỡ nhà văn Hồ Anh Thái, mời ông đứng ra kêu gọi, đặt hàng các tác giả viết để có được cuốn "Sách Tết" đầu tiên sau 60 năm gián đoạn.
Xoay quanh 8 chủ đề văn, thơ, nhạc, sử, cổ tích, bình thơ, góc nhìn và cuối cùng là vĩ thanh, "Sách Tết" Kỷ Hợi 2019 ghi lại những cảm xúc, suy tư, dấu ấn mang hơi thở của ngày hôm nay, đồng thời cũng khôi phục và lưu giữ các phong tục, hương vị Tết xưa của người Việt. Phần văn là tổng hòa của những cái Tết xưa và nay, từ miền quê đến chốn thị thành. Phần thơ cũng không thiếu những xúc cảm với những cái Tết miền núi, hải đảo in hằn những dấu chân văn sĩ đã qua. Phần "Bình thơ" và "Góc nhìn" chuyển tải cái nhìn của tác giả khi thì với thơ khi thì với cuộc sống quanh mình, đôi khi là sự chiêm nghiệm, đôi khi là hồi ức về những tục lệ xưa - làm sống lại tuổi thơ của bao người.
Bình luận (0)