Vở kịch "Sài Gòn" kể lại cuộc đời của những người Pháp, người Việt Nam bị đẩy đưa theo dòng lịch sử trải dài suốt 40 năm. Nhà hàng của bà Marie-Antoinette là nơi diễn ra câu chuyện vượt thời gian và không gian, vừa ở Paris vừa ở Sài Gòn, vừa ở quá khứ vừa ở hiện tại. 11 nhân vật trong vở kịch, do các diễn viên người Pháp, Việt Nam và Pháp gốc Việt hóa thân, tạo nên xã hội thu nhỏ với đầy đủ những âm sắc trong những câu chuyện, mảnh đời, những cảm xúc… khác nhau.
Cảnh trong vở “Sài Gòn”. (Ảnh do Lãnh sự quán Pháp cung cấp)
Chất liệu để tạo nên vở kịch "Sài Gòn" là những gì xưa cũ mà Caroline tìm thấy được ở khắp nơi. Cô cũng đã đến TP HCM vào năm 2015 và 2016, trong khuôn khổ chương trình nghệ sĩ lưu trú Villa Sài Gòn của Viện Pháp tại Việt Nam, để hòa nhập thực tế, tìm hiểu và thu thập chất liệu sáng tác nên vở kịch "Sài Gòn". Cô đã tuyển chọn 4 diễn viên trẻ Việt Nam tại Trường ĐH Sân Khấu và Điện ảnh TP HCM. Để viết vở kịch này, Caroline Guiela Nguyen nhiều lần đi - về giữa Việt Nam - Pháp trong 2 năm, gặp gỡ những nhân chứng ở cả Việt Nam và Pháp. Chia sẻ về vở kịch, cô nói: "Chúng tôi đã thu được những câu chuyện, cả những âm thanh, hình ảnh, không khí, từ đó câu chuyện của chúng tôi ra đời".
Sau tiếng vang lớn tại Liên hoan Sân khấu quốc tế Avignon lần thứ 71, vở kịch "Sài Gòn" liên tục công diễn và được khán giả chào đón nồng nhiệt tại các nhà hát danh giá nhất trên thế giới. Vở diễn hiện đang lưu diễn quốc tế.
Nữ đạo diễn mang 2 dòng máu Pháp - Việt (mẹ là người Việt Nam) này được đánh giá là một biên kịch và đạo diễn sân khấu tài năng với nhiều tác phẩm để lại ấn tượng cho người xem. Caroline Guiela Nguyen từng được trao tặng Huân chương Hiệp sĩ Nghệ thuật và Văn chương, vinh dự nhận được 3 đề cử cho giải Molières vào năm 2015 và 2018.
Bình luận (0)