Từ khi sân khấu tấu hài gần như bị xóa sổ, các tụ điểm tấu hài không còn rộn ràng như xưa, sự xuất hiện của nhóm "Sài Gòn tếu" với thể loại độc thoại hài được khán giả ưa thích. Mỗi tuần vào tối thứ tư và thứ sáu, "Sài Gòn tếu" lại gặp gỡ khán giả tại quán cà phê 698 Sư Vạn Hạnh, quận 10, TP HCM. Trong đợt phòng chống dịch Covid-19, quán chỉ giới hạn 25 người/suất. Cứ thế, "Sài Gòn tếu" đều đặn sáng đèn mang đến tiếng cười cho khán giả.
Thể loại độc thoại hài của nhóm "Sài Gòn tếu" có tên tiếng Anh là Stand-up Comedy. Ở thể loại này, nghệ sĩ biểu diễn trực tiếp trước khán giả, kể những câu chuyện hài hước về một thói quen, một hành động nào đó, gửi một thông điệp tốt đẹp đến mọi người.
Ưu thế của nhóm chính là sự thông minh, dí dỏm của 9 thành viên, họ tạo dựng thương hiệu "Sài Gòn tếu" bằng việc khai thác thông tin từ báo chí, truyền hình, những vấn đề giới trẻ đang quan tâm. Họ dễ dàng nắm bắt nhu cầu thích được cười của công chúng, xoáy vào những vấn đề nhức nhối, biến những điều phê phán thành tiếng cười.
Họ đã làm nên chuyện khi góp phần mang lại một không gian biểu diễn độc thoại hài bằng chính ngôn ngữ, suy nghĩ của giới trẻ hôm nay. Ở đó, chính những câu chuyện độc thoại hài gây tiếng cười ấy chứa đựng sự chia sẻ, tạo sự tương tác mang tính phản biện, để mỗi khán giả tìm thấy mình trong đó.
Tối thứ sáu là chương trình mở, khán giả có thể lên sân khấu độc thoại hài về câu chuyện của chính mình. "Sàn diễn trở thành diễn đàn thú vị để chia sẻ, để có trách nhiệm trong tiếng cười, góp phần làm cho đời sống cộng đồng tốt đẹp hơn" - Uy Lê (trưởng nhóm) nói.
Trong gần 2 giờ, nhiều thành viên lần lượt lên sân khấu độc thoại. Họ mang lại nhiều cảm xúc bằng phong cách riêng.
Uy Lê đam mê độc thoại hài từ nhỏ, có vốn ngoại ngữ giỏi, anh đã từng đi diễn độc thoại hài Anh ngữ trước khi quyết định hình thành phong cách độc thoại hài Việt. Mỗi thành viên đều có công việc riêng: Uy Lê là nhân viên marketing, Uy Nguyễn nhân viên du lịch, Hoài Thương đạo diễn, Bảo Minh họa sĩ thiết kế, Phan Phương Trọng sinh viên, Việt Trung MC truyền hình… Nhưng khi tụ lại, họ là những nghệ sĩ không đơn độc dù chọn lối đi "độc thoại hài" trên sân khấu.
Một buổi trình diễn độc thoại hài của thành viên nhóm “Sài Gòn tếu” Ảnh: UY LÊ
Trần Thanh Tùng (32 tuổi), thành viên và cũng là chủ quán cà phê, cho biết nhóm bắt đầu diễn từ cách đây 1 năm, lúc đầu có 5 thành viên chính nay đã 9 người. Một số workshop về độc thoại hài, những câu chuyện dung dị thường ngày như học hành, thi cử, khởi nghiệp, tình yêu đôi lứa và các vấn đề xã hội… của nhóm tổ chức đã thu hút đông khán giả, trước mùa dịch.
Còn kênh YouTube của nhóm đã có tổng cộng hơn 30 triệu lượt xem. Đặc biệt, nhóm cũng tổ chức các workshop trên kênh này để khán giả tham gia, với các chủ đề: "Nghĩ hài hước", "Viết hay ho", "Quẩy tự tin"… Từ sân chơi này, các bạn trẻ được luyện tập, thực hành kỹ năng trình diễn, giọng nói, ngôn ngữ hình thể. Nhiều bạn trẻ trước đây từng tự ti mỗi khi đứng trước công chúng thì nay qua chương trình này đã trở nên tự tin, mạnh mẽ.
Giá trị mà nhóm hướng tới chính là độc thoại hài nhưng không cường điệu; vận dụng sự chân thật để rèn luyện kỹ năng tự tin; bứt phá để trở thành diễn viên độc thoại hài.
Chính sự hài hước hóa mọi góc nhìn, quan điểm, cảm xúc mà nhóm mang đến cho người xem đã tìm được sự đồng cảm. Để sau mỗi suất diễn, khán giả nhìn mặt trái của cuộc sống một cách có trách nhiệm, góp phần điều chỉnh, không che giấu, sợ hãi khi nhắc đến; cùng tạo cơ hội để mọi người chia sẻ, tránh xa ý nghĩ tiêu cực.
Bình luận (0)