Đó là thông điệp mà khán giả có thể nhận biết qua vở "Những giấc mơ lóng lánh" (tác giả: Tùng Phi, đạo diễn: Thái Kim Tùng) đang biểu diễn tại Nhà hát Sân khấu nhỏ TP HCM (Kịch 5B).
Tác giả Tùng Phi viết "Những giấc mơ lóng lánh" cùng trong style "Tình ca phố" anh sáng tác cách đây mấy năm. Dường như Tùng Phi chưa thôi đắm đuối về một Sài Gòn xô bồ mà thơ mộng. Nếu "Tình ca phố" rất thơ với ly cà phê pha theo kiểu cũ đã cuốn chân người trở lại nơi góc nhỏ đợi chờ thì hôm nay, "Những giấc mơ lóng lánh" cũng rất thơ với rạp hát xưa cũ nằm quạnh hiu trong xóm nghèo. Sài Gòn vẫn còn đó cô đào Dạ Thu hương tàn phấn nhạt, còn đó một khán giả như ông Sáu Lý mê mẩn cánh màn nhung và còn cả cô Hằng Việt kiều ôm tình yêu cùng sự hối hận trở về. Bên cạnh đó là những cư dân giang hồ tứ chiếng trôi dạt về đây để được đùm bọc, chở che, như cô Giàu dân miền Bắc bị chồng đánh, mắc nợ; như anh An Hội miền Trung bán kẹo kéo; anh Trọng miền Tây cạo gió giác hơi…
Quốc Thịnh và Công Ninh (phải) trong vở "Những giấc mơ lóng lánh"
Sài Gòn hiện lên như vậy đó, ẩn phía sau cái vỏ nghèo lam lũ là những giấc mơ làm người tử tế. Cho nên, khi chàng thanh niên tên Phong muốn làm giàu bằng con đường dễ dãi thì anh phải trả giá. May sao, người mẹ đã kéo anh lại. Bà cũng có những giấc mơ không kịp thực hiện trên sân khấu thì cuộc tình trắc trở đã bẻ gãy thanh xuân. Bà đã chịu khép lại oán hờn, chịu đứng lên thực hiện giấc mơ của chính mình, cũng đồng nghĩa với thực hiện giấc mơ cho con. Bà Hằng cũng trọn vẹn giấc mơ của người chồng quá cố, để bà thôi day dứt về cái tội cướp tình. Có nỗi buồn len lỏi nhưng cũng có niềm vui, để Sài Gòn mãi dấu yêu trong trái tim người tứ xứ.
Màu sắc dịu dàng của vở kịch đã được điểm xuyết bằng những giai điệu boléro hát ngay trên vỉa hè, đúng chất Sài Gòn, khiến lòng người xao xuyến. Sài Gòn mà thiếu boléro thì như thiếu cái gì đó không nói nên lời. Bi kịch của cô đào Dạ Thu không bị đẩy lên quá độ, bởi hình như Sài Gòn không chấp nhận những bi lụy thảm khốc mà chỉ vừa đủ dừng lại để người ta còn sức tranh đấu sống còn. Cho nên, nước mắt có chảy thì cũng vừa ngân ngấn, rưng rưng. Để rồi sau đó là những nụ cười tỉnh rụi của anh Trọng cạo gió giác hơi hoặc tính hài hước của anh An Hội ca sĩ kẹo kéo. Ra về, khán giả chỉ buông nhẹ một câu: "Dễ thương quá!".
Các nghệ sĩ Mỹ Uyên, Tuyết Thu, Công Ninh, Trung Dũng là những gương mặt gạo cội của Kịch 5B đã làm bộ khung vững chắc cho lớp trẻ như Tấn Phát, Thanh Tuyền, Thanh Thúy, Hoàng Giang… Đặc biệt, Quốc Thịnh là một cây hài rất duyên, từng nổi bật trên sân khấu cà phê Bệt lẫn Sân khấu Hoàng Thái Thanh, trước kia anh cũng đóng nhiều vai ở Kịch 5B. Nét hài của Quốc Thịnh không ồn ào mà chi tiết, chân thật nên khi vào những không gian nhỏ như sàn diễn 5B thì tương tác với khán giả rất tốt. Khán giả cười mãi với anh.
Đạo diễn Thái Kim Tùng thật táo bạo khi xẻ khán phòng ra làm 3 mảnh như hình tam giác. Ba cạnh của tam giác là ghế ngồi của khán giả, còn 3 đỉnh là nơi dựng cảnh, kết hợp với khu vực trung tâm là nơi diễn viên tung tẩy. Thật thú vị khi không gian đổi mới như thế, khác đi sân khấu hộp quen thuộc. Chợt nhớ ngày xưa, sàn diễn 5B là sân khấu thử nghiệm, cũng từng xoay trở khán phòng đủ kiểu để thỏa mãn đầu óc sáng tạo của nghệ sĩ lẫn khán giả. Lâu lắm rồi mới thấy trở lại kiểu làm kịch như thế. Hình như Kịch 5B cũng đang ấp ủ những giấc mơ. Giấc mơ chuyển mình sau bao khó khăn, giấc mơ làm kịch tử tế…
Bình luận (0)