Theo đạo diễn Ái Như và NSƯT Thành Hội, không chỉ riêng sân khấu Hoàng Thái Thanh, những sân khấu kịch khác cũng đang gặp khó. Có 3 lý do phải thay đổi lịch diễn là thiếu trầm trọng kịch bản hay; khó xếp lịch diễn viên và không tìm được nguồn khán giả trẻ chịu đến rạp xem kịch.
Đạo diễn Ái Như cho biết để đáp ứng nguyện vọng của số đông khán giả đã yêu thích một số tác phẩm tiêu biểu sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh (trong đó có nhiều vở đã từng được bạn đọc Báo Người Lao Động đề cử Giải Mai Vàng), sàn diễn này sẽ có 2 tháng tái diễn 10 vở tiêu biểu (từ ngày 7-5 đến 3-7), gồm các vở: "29 anh về", "Bông hồng cài áo", "Nửa đời hương phấn", "Bàn tay của trời", "Hãy khóc đi em", "Con ma nhà họ Hứa", "Tình yêu trời đánh", "Sông dài", "Bạch Hải Đường", "Nửa đời ngơ ngác".
Một cảnh trong vở “Bạch Hải Đường” trên sân khấu Hoàng Thái Thanh
Sân khấu Hoàng Thái Thanh sẽ dựng vở mới vào mùa kịch giữa năm và chỉ mời diễn viên chấp nhận gắn kết với sàn diễn trong 4 tháng mùa kịch. "Vì nhiều nguyên nhân khiến sân khấu kịch hiện nay không thể đều đặn sáng đèn như khi xưa, nên nhiều diễn viên phải tham gia đóng phim, quay quảng cáo… để mưu sinh. Do vậy thời gian qua có thời điểm sân khấu rất khó xếp lịch diễn vì bị động diễn viên, có khi lịch diễn phải gián đoạn khá lâu" - đạo diễn Ái Như thông tin.
Theo những người trong giới cách diễn theo mùa không mới, không chỉ riêng có ở Việt Nam, các nước trong khu vực châu Á như: Thái Lan, Philippines, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc… đều đã áp dụng cách thức này.
"Chọn hướng đi chuyên diễn bi kịch luôn kén khán giả. 12 năm qua "lợi nhuận" lớn nhất mà thương hiệu "Hoàng Thái Thanh" có được chính là 53 vở diễn chính kịch, đi đúng tiêu chí nghệ thuật và đào tạo được một thế hệ diễn viên tỏa sáng, chắc nghề. Nếu phương án lịch diễn theo mùa không thành công, sân khấu Hoàng Thái Thanh sẽ tính tiếp hướng đi khác, thậm chí có thể là phải đóng cửa" - NSƯT Thành Hội trăn trở.
Bình luận (0)