Ông cho rằng đã đến lúc mỗi sân khấu phải chủ động tìm lối ra cho sàn diễn, trong đó việc bắt tay với các doanh nghiệp là rất quan trọng.
Cụ thể, tối 3-7, suất diễn thứ 106 của vở "Khóc giữa trời xanh" đã ra mắt khán giả tại TP Cần Thơ. Cho thấy mô hình Sân khấu Kịch Sử Việt của họa sĩ Sỹ Hoàng đã tìm được sự đồng cảm với các doanh nghiệp. Tương tự, phía Bắc có Sân khấu Lệ Ngọc cũng đi theo mô hình này, nghĩa là tạo mối liên kết với các doanh nghiệp trên cả nước, do vậy, vé của các suất diễn được phân phối đến tay khán giả qua hệ thống các doanh nghiệp cùng chung chí hướng: "chung tay vì sân khấu kịch Việt".
Vở “Khóc giữa trời xanh” do Sân khấu Kịch Sử Việt thực hiện, đã chủ động bắt tay với các doanh nghiệp để tìm đầu ra - hiện vở đã diễn 106 suất
Họa sĩ Sỹ Hoàng - người mới bén duyên với kịch nói sau nhiều năm gặt hái thành tựu từ ngành thiết kế thời trang áo dài - cho biết: "Phải chủ động tạo mối quan hệ với các doanh nghiệp, mời họ đến xem, nếu thấy hay thì sẽ thưởng cho nhân viên của doanh nghiệp bằng một suất diễn. Sau khi tham gia Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc tại TP HCM đầu năm 2022, chúng tôi đã dành 3 suất diễn vở kịch "Khóc giữa trời xanh" để giới thiệu với các doanh nghiệp, nhằm tìm thêm đối tượng khán giả".
Theo những người trong cuộc, cách làm trước đây như "ép mua vé" thông qua quen biết hay dùng lý do "đồng hương" để kêu gọi sự hỗ trợ đã qua rồi, vấn đề cốt lõi là tạo vở diễn hấp dẫn người xem. Các sân khấu xã hội hóa cần thực hiện những buổi giới thiệu các vở kịch mới, chương trình mới cho khách mời là doanh nghiệp, công ty lữ hành đưa khách là nhân viên, công nhân, du khách nội địa đến xem kịch. Đồng thời cũng cần lắng nghe và đáp ứng được nhu cầu cần thiết từ phía doanh nghiệp.
"Chủ động bắt tay với doanh nghiệp là một giải pháp hay. Song, mấu chốt quyết định vẫn phải là chất lượng của vở diễn. Vở diễn giá trị thì mới thuyết phục được doanh nghiệp bỏ tiền ra mua vé. Có như vậy, hướng liên kết này mới lâu dài" - NSƯT Ca Lê Hồng nói.
"Sân khấu bây giờ rõ ràng nếu chỉ có diễn viên diễn hay, vở diễn hấp dẫn là chưa đủ, mà cần phải có thêm đội ngũ những người biết làm kinh doanh giỏi. Sự linh động và biết cách kết hợp giữa sản phẩm sân khấu với nhu cầu của khán giả mọi lứa tuổi, mọi thành phần là rất quan trọng. Khi sàn diễn gặp nhiều khó khăn, thay vì cứ than trách thì đã đến lúc các sân khấu phải tự thân vận động, chủ động tìm mô hình phù hợp với tình hình hiện tại để hoạt động và phát triển. Phải tự tìm lối ra khi kết nối với các doanh nghiệp để bán vé, đưa những vở diễn ý nghĩa và phù hợp với từng lứa tuổi, đối tượng khán giả như nhân viên, công nhân hay học sinh, sinh viên tại các trường học" - NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, đúc kết.
Bình luận (0)