xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sân khấu phải mang hơi thở cuộc sống

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Khi kịch bản về đề tài hôn nhân, gia đình không còn đi vào lối mòn do cách viết, cách bố cục và tư duy dễ dãi như trước, sẽ là tiền đề để các đạo diễn hào hứng tiếp tục chinh phục đề tài này trên sân khấu

Chuẩn bị cho sàn diễn sáng đèn khi dịch Covid -19 được đẩy lùi, các sân khấu kịch và cải lương đã chuẩn bị phương thức hoạt động mới. Theo các nhà chuyên môn, để thu hút khán giả đến rạp thì ngay từ bây giờ nguồn kịch bản phải thật hấp dẫn, nhất là những vở diễn đề tài hôn nhân, gia đình không thể cứ na ná giống nhau mà phải phản ảnh hơi thở cuộc sống.

Cập nhật đời sống xã hội

Không thể phủ nhận lợi thế và sức hút của dòng kịch bản về đề tài hôn nhân, gia đình đã làm nên thương hiệu của các sân khấu kịch xã hội hóa thời gian qua. Những vở diễn phản ánh chiều sâu nội tâm, xung đột trong gia đình và lên án lối sống thực dụng, chạy theo danh vọng, vật chất dẫn đến bi kịch đã tô điểm cho bức tranh sân khấu nhiều gam màu đặc sắc. 

Nhiều vở diễn tạo được dấu ấn theo phong cách dàn dựng của từng sân khấu, như: "Bàn tay của trời", "Mút chỉ mút cà tha", "Chờ thêm chút nữa", "Bạch Hải Đường" (Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh); "Bồ công anh", "Tía ơi con lấy chồng", "Rồi mắc cái gì cười"… (Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM); "Ngũ quý kỳ phùng", "Ác nhân cốc", "Cậu Đồng", "Người lạ người thương rồi người dưng" (Kịch IDECAF); "Ma nữ không chồng", "Hồn ma báo oán", "Yêu bất chấp", "Ông 5 - Cậu 10", "Mẹ chồng bá đạo" (Kịch Hồng Vân); "Hồn ma cô đào hát", "Chúng ta thuộc về nhau" (Sân khấu Sài Gòn phẳng - Nhà hát Thế giới trẻ)...

Sân khấu phải mang hơi thở cuộc sống - Ảnh 1.

Một cảnh trong vở “Bồ Công Anh” của Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM

Mỗi vở diễn là một câu chuyện khác nhau nhưng cũng không ngoài những khúc mắc, xung đột trong tình yêu, hôn nhân, ngoại tình, mâu thuẫn con chung - con riêng, cha mẹ ngăn cấm vì môn đăng hậu đối, phát hiện con trai đồng tính, gây sức ép với con cái thay đổi cuộc hôn nhân… Không thể phủ nhận đề tài kịch về hôn nhân, gia đình dễ chiếm được cảm tình của khán giả. Câu chuyện kịch là những khúc mắc, mâu thuẫn trong đời sống thường nhật mà có thể bất cứ người xem nào cũng từng trải qua.

 "Thế nhưng cứ đi theo lối mòn mà bỏ quên trách nhiệm cập nhật đời sống xã hội để thông qua đó, khán giả có thể tìm được cho mình một bài học hay giải pháp cần thiết thì xem như sàn diễn vẫn chưa tìm được lối thoát" - NSƯT Ca Lê Hồng nhận định.

NSƯT Lê Thiện cũng cho rằng nên tránh vết xe đổ từ phim truyền hình về việc khai thác quá nhiều cảnh đánh ghen, những bà mẹ độc đoán, những ông chồng hám của lạ, những người phụ nữ ngang nhiên chen vào mái ấm người khác... Nếu kịch sau đại dịch cứ xuất hiện liên tục các vở đi theo mô típ đó sẽ khiến khán giả, đặc biệt là những người trẻ thiếu niềm tin vào hôn nhân và những giá trị truyền thống.

Theo NSND Trần Minh Ngọc, để tránh đi vào lối mòn, cần phả vào kịch hơi thở cuộc sống hiện tại. Đó là những kịch bản nói về gia đình, hôn nhân khi đối mặt với đại dịch Covid -19. "Có nhiều gia đình lâm vào cảnh túng quẫn do kinh doanh trì trệ, công nhân lao động mất việc, người buôn gánh bán bưng thu nhập bấp bênh. Rồi những đám cưới dời lại sau dịch bệnh, những cuộc chia ly bởi con virus vô hình tấn công vào đời sống. Và trước những luồng thông tin rác tác động hằng ngày đến nhận thức của người dân về phòng chống dịch bệnh, dẫn đến suy nghĩ tiêu cực, thì kịch gia đình, hôn nhân ở các sàn diễn không thể đứng ngoài cuộc" - NSND Trần Minh Ngọc chia sẻ.

Truyền năng lượng tích cực

Các nhà chuyên môn cho rằng một khi kịch bản về đề tài hôn nhân, gia đình không còn đi vào lối mòn do cách viết, cách bố cục và tư duy dễ dãi như trước, đó sẽ là tiền đề để các đạo diễn hào hứng tiếp tục chinh phục đề tài này. NSƯT Trịnh Kim Chi cho biết sân khấu của cô đang chuẩn bị dàn dựng vở "Khát vọng ngày mai" của tác giả Trần Văn Hưng. Bên cạnh việc phản ảnh thông điệp chào đón tuyến tàu metro đầu tiên tại TP HCM, câu chuyện còn được lồng ghép những mâu thuẫn nội tại của một gia đình trước tác động của đại dịch toàn cầu. 

Hoặc kịch bản "Người Nô làng hạnh phúc" của tác giả Ngọc Trúc (do đạo diễn Nguyễn Khắc Duy dàn dựng theo mô hình nhạc kịch) sẽ là một cách đặt vấn đề mới về những tác động từ đời sống đương đại đến mái ấm gia đình.

Trước khi bước vào đợt giãn cách xã hội mới nhất, NSND Trần Ngọc Giàu đã kịp dàn dựng vở mới của Sân khấu Sài Gòn Phẳng - Nhà hát Thế giới trẻ, vở "Tình một đêm" của tác giả Lê Hoàng. Vở chỉ có 4 diễn viên nhưng xoay quanh chuyện gia đình, hôn nhân và đặt nhiều vấn đề thời sự của xã hội. 

Tương tự, Công ty Hero Film của đạo diễn Ngọc Hùng và NSƯT Ngọc Trinh sẽ tham gia Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2021 vào tháng 10 tại Hải Phòng với kịch bản "Chỉ có thể là yêu" của đạo diễn Bùi Quốc Bảo, được viết từ truyện ngắn "Lời thề trước miễu" của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Ở vở diễn này, ê-kíp cũng muốn truyền đến người xem năng lượng tích cực để bảo vệ mái ấm gia đình.

Hiện nay, khi mạng xã hội phát triển mạnh, khán giả không chỉ đến xem ở rạp mà còn bày tỏ quan điểm bình luận trên các trang cá nhân và từ đó một số diễn viên phản hồi lại, tạo thành sự trao đổi phong phú nhằm thúc đẩy sự phát triển của dòng kịch bản về đề tài gia đình, hôn nhân. NSƯT Hạnh Thúy cho rằng đó là tín hiệu tốt "bởi khán giả nhìn thấy họ trong kịch, nhìn thấy những bức xúc từ đời sống được khắc họa sinh động trên sàn diễn, để vỡ òa sự đồng cảm". "Tôi tin nếu làm kịch bám chặt tính thời sự, mạnh dạn không lặp lại tình tiết cũ, các sân khấu đặt thẳng những vấn đề do đại dịch tác động và đưa ra giải pháp tích cực để giữ mái ấm gia đình, hôn nhân thì khán giả sẽ hưởng ứng" - NSƯT Hạnh Thúy chia sẻ.

Còn theo NSND Trần Ngọc Giàu, yếu tố giải trí của dòng kịch này rất cần được chăm chút. Ông phân tích lý do khiến kịch ma, quỷ, đồng tính một thời ăn khách rồi sau đó bắt đầu nguội dần là khán giả thấy bội thực, nhàm chán. "Bất cứ thời đại nào, gia đình và những giá trị của mái ấm hạnh phúc luôn được xã hội đề cao, trân trọng. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, gia đình luôn chịu sự ảnh hưởng không nhỏ của cơ chế thị trường, đời sống trong diễn biến phức tạp của đại dịch. Việc nâng niu và giữ gìn giá trị gia đình, hôn nhân càng cần thiết hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, nếu không chăm chút về sáng tác kịch bản sẽ khiến khán giả thất vọng" - NSND Trần Ngọc Giàu nhận định. 

Lan tỏa ý nghĩa giáo dục

Đạo diễn Phan Quốc Kiệt, Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang, cho biết sân khấu cải lương cũng chuẩn bị nhiều kịch bản bám chặt vấn đề thời sự. "Từ sau vở cải lương ngắn "Vững niềm tin chống dịch" của tác giả Phạm Văn Đằng, do nghệ sĩ Linh Trung dàn dựng và phát trên kênh YouTube của nhà hát, chúng tôi đặt hàng nhiều tác giả để sáng tác kịch bản cải lương văn học, thúc đẩy những giá trị căn bản của cuộc sống hôn nhân và nền tảng vững chắc bảo vệ mái ấm gia đình. Để khi sàn diễn sáng đèn, các vở diễn này sẽ kịp thời chào đón khán giả đến rạp, góp phần lan tỏa ý nghĩa giáo dục mang tính nhân văn sâu sắc từ nhu cầu bảo vệ gia đình và hạnh phúc hôn nhân" - đạo diễn Phan Quốc Kiệt chia sẻ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo