Sân khấu đang cần những kịch bản và vở diễn khai thác những vấn đề nóng bỏng của thời cuộc như chống tham nhũng hiện nay. Rất nhiều trại sáng tác đã được tổ chức nhiều năm qua nhưng đề cương và kịch bản được đem ra thảo luận lại rất hiếm đề tài chống tham nhũng. Sân khấu đang thờ ơ hay né tránh những vấn đề gai góc trong khi đội ngũ tác giả không thiếu những ngòi bút sắc bén. Nguyên nhân nào khiến họ nao núng?
Ngại đụng chạm hay thờ ơ?
Tại buổi tọa đàm "Những vấn đề sân khấu hôm nay", do Đài Tiếng nói Nhân dân (TNND) TP HCM tổ chức hôm 17-5, nhiều đạo diễn, nghệ sĩ, tác giả sân khấu đã thẳng thắn nhìn nhận thực tế sàn diễn hiện nay đang vắng đề tài chống tham nhũng. Đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc nói: "Có 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, tác giả kịch hôm nay ngại đụng đến đề tài này vì khâu kiểm duyệt. Thứ hai là hình thức hóa nghệ thuật câu chuyện chống tham nhũng như thế nào để đưa lên sân khấu không bị nguội, nhạt so với báo chí, truyền hình".
Cảnh trong "Kỳ án xứ mặt trời" - vở kịch khai thác đề tài chống tham nhũng hiếm hoi của Sân khấu Kịch TP HCM năm 2018
Các nhà chuyên môn đều cho rằng từ sức sống mạnh mẽ của truyền thông, nhất là có thêm sự tương tác của các trang mạng xã hội, tác giả kịch có nhiều kênh thông tin để "chế biến" cảm xúc thành những câu chuyện kịch. "Đáng lẽ đội ngũ tác giả bây giờ phải theo kịp trình độ phát triển của truyền thông nhằm phản ánh bằng ngôn ngữ nghệ thuật những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống. Nhiều trại sáng tác, đợt thảo luận đề tài sân khấu không thấy có tác phẩm nào đề cập tham nhũng. Nguyên nhân chính, theo NSND Giang Mạnh Hà, là "sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của người nghệ sĩ công dân, cụ thể là các vị trưởng đoàn, giám đốc các đơn vị nghệ thuật đã không xem trọng đề tài thiết thực từ cuộc sống để đặt hàng, chỉ đạo kịp thời".
NSƯT Trịnh Kim Chi nói trắng ra là những người sáng tác kịch hiện nay chưa thật sự dũng cảm, dám nhìn thẳng vào vấn đề nóng của xã hội, những bức xúc của con người, để cảnh tỉnh cho cộng đồng đang sống và cho cả tương lai. Tác giả Vương Huyền Cơ, Chi hội trưởng Chi hội Sáng tác Hội Sân khấu TP HCM, lý giải: "Đời sống hiện đại tác động làm tác giả mất đi khát vọng, cho nên người viết không dám nhìn thẳng vấn đề để lý giải trước công chúng".
Gần như đội ngũ sáng tác kịch đã không cảm nhận được sự thôi thúc của cuộc sống để cầm bút chiến đấu. Họ lại chọn cách đứng ngoài cuộc, thỏa hiệp với nhà sản xuất sáng tác những kịch bản làm vừa lòng nhà quản lý và an toàn cho doanh thu vở diễn. Bằng chứng là tại Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 2018 vừa được tổ chức tại TP HCM, không có vở diễn nào chọn đề tài chống tham nhũng.
Khi đi vào tìm hiểu, các nhà chuyên môn vỡ ra nhiều vấn đề. Đề cương chống tham nhũng của tác giả đã bị "bóp chết" từ trong trứng nước. Khâu duyệt phúc khảo cấp phép công diễn của cơ quan quản lý địa phương cắt xén thô bạo. "Thậm chí, tác giả không còn nhận ra "đứa con tinh thần" của mình. Ngay cả kịch truyền hình, nơi đáng lẽ phải dốc sức hưởng ứng đề tài này thì kịch bản chống tham nhũng lại bị gạt ra khỏi kế hoạch đầu tư và phát sóng" - tác giả Đăng Minh nói.
"Tôi tin liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp tổ chức tại Long An vào tháng 9 cũng sẽ không có vở chống tham nhũng" - tác giả Vương Huyền Cơ bảo. Bởi vở "Kỳ án xứ mặt trời" của chị không được chọn tham dự Liên hoan Sân khấu kịch toàn quốc 2018 vừa rồi.
Phải bắt tay làm ngay
Người xem kịch hôm nay quay lưng với sân khấu cũng một phần họ không tìm được sự đồng cảm trước những vấn đề nóng của cuộc sống. "Không đặt mình vào hàng ghế khán giả nên nhiều kịch bản nói chuyện đâu đâu, vui cười nhạt nhẽo. Trước hết khi đã nhìn thấy nguyên nhân thì phải ngay lập tức chấn chỉnh. Đừng tổ chức hội thảo, tập huấn mà phải làm ngay với việc đặt hàng tác giả đề tài chống tham nhũng" - đạo diễn NSƯT Trần Minh Ngọc nói.
"Vở diễn hôm nay phải có thông điệp mạnh mẽ góp phần vào cuộc chiến chống tham nhũng mà Đảng và nhân dân đang tiến hành. Mỗi nghệ sĩ phải thấy mình có trách nhiệm chung tay, góp sức. Theo tôi, nên xem nghệ thuật nói chung và nghệ thuật sân khấu nói riêng là phương tiện chống tham nhũng hiệu quả không kém các biện pháp an ninh, pháp lý khác. Hãy đầu tư để các tác giả trẻ thấy kịch bản của mình có cơ hội đến với công chúng chứ không phải chỉ dự liên hoan là xong" - nghệ sĩ Chánh Trực, người có vai diễn chống tham nhũng xuất sắc trong vở "Kỳ án xứ mặt trời", nói.
Trịnh Kim Chi cho rằng phải có những đợt phát động, kêu gọi nhằm thúc giục giới biên kịch tự tin hướng đến những đề tài gai góc này. Tác giả Vương Huyền Cơ đề nghị phải đầu tư, đào tạo và trao cho họ điều kiện sáng tác, tổ chức trại sáng tác theo chủ đề phản ánh vấn đề thời sự, trong đó khuyến khích các đề cương đủ sức nặng chọc vào các vấn đề nóng của công cuộc chống tham nhũng hiện tại. Nhưng theo tác giả Đăng Minh: "Thực tế cho thấy khi kịch bản hoàn tất thì tìm được nơi dàn dựng kịch đề tài chống tham nhũng cũng rất khó".
NSND Giang Mạnh Hà cũng nêu lên sự bất cập của khâu kiểm duyệt ảnh hưởng đến tinh thần sáng tác: "Qua nhiều khâu kiểm duyệt, kịch bản chống tham nhũng cứ bị bôi, xóa đi những chi tiết cho là nhạy cảm. Khi vở ra đời chẳng còn là câu chuyện chống tham nhũng mà chỉ hô hào chung chung nên khán giả xem không còn hứng thú".
NSND Hồng Vân thẳng thắn đặt vấn đề: "Sân khấu kịch Phú Nhuận sẵn sàng dựng vở đề tài chống tham nhũng. Nhưng điều tôi quan tâm là liệu có sự đồng hành của các cơ quan có thẩm quyền để vở diễn ra đời có đời sống mạnh mẽ?". Theo bà Hồng Vân, vở "Dấu xưa" và "Điều ước thiêng liêng" của Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM đã có đầu tư để đưa đến công chúng, đó là tín hiệu vui.
"Đội ngũ tác giả đương đại cần mạnh dạn đấu tranh chống quan điểm ngại đụng chạm, phải giữ ý chí sáng tác và đặt mình vào tâm trạng người xem, từ hàng ghế khán giả" - NSND Giang Mạnh Hà kêu gọi.
"Lưu Quang Vũ" thế hệ mới?
Trong lĩnh vực sân khấu, tài năng và những triết lý sâu sắc của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã được thừa nhận thông qua các tác phẩm kịch mà ông đã để lại cho đời. Các vở như: "Tôi và chúng ta", "Bông cúc xanh trên đầm lầy", "Bệnh sĩ", "Ông không phải là bố tôi", "Hồn Trương Ba da hàng thịt", "Lời thề thứ 9", "Trái tim trong trắng"..., luôn được khán giả nhiều thế hệ hào hứng đón nhận. NSƯT Trần Minh Ngọc nói: "Ngày nay, đội ngũ tác giả không có sự thôi thúc để viết những kịch bản như của Lưu Quang Vũ, đánh mất niềm kỳ vọng của xã hội".
Theo nhiều nhà chuyên môn, khi sân khấu kịch không chịu thắp lửa, không dám nhìn thẳng vấn đề yếu kém của mình để đầu tư, trao sứ mệnh cho đội ngũ trẻ bằng cách đặt hàng, mời gọi thì không thể có "Lưu Quang Vũ thế hệ mới".
Bình luận (0)