Khi chúng tôi dọn đến khu nhà trọ trên đường Bùi Đình Túy thì ở đây hãy còn là con đường đất. Từ bến xe Miền Đông theo đường Đinh Bộ Lĩnh đi vào nội thành thì đường Bùi Đình Túy nằm bên tay phải, vượt qua chiếc cầu nhỏ, lúc nào cũng dập dềnh những giề lục bình nở hoa tím ngát, là san sát những quán cà phê, tiệm cơm bình dân, chủ yếu phục vụ cho sinh viên, thợ hồ.
Đó là khoảng năm 1997, tôi mới ra trường được vài năm, kiếm sống bằng đủ thứ nghề lao động phổ thông, và mon men cộng tác cho một số tờ báo. Tôi cùng mấy người em trai, lúc này đang là sinh viên, ở chung nhà trọ trong khu Cư xá công an. Để tiết kiệm, chúng tôi tự nấu ăn, mấy anh em thay phiên nhau chợ búa. Chợ gần đó thôi. Là một cái chợ chồm hổm nằm ở hẻm chùa Long Vân. Băng qua con hẻm chợ này là ra đường Bạch Đằng. Từ đây, quẹo tay trái là xuôi về Hàng Xanh, Văn Thánh; quành tay mặt là lên Bà Chiểu, Tân Định… Sài Gòn cứ thế mà tuôn muôn ngả. Thời ấy, đi đâu cũng mang theo một cái bản đồ cũ kỹ, sờn rách; chứ không có Smartphone để tra Google Map như bây giờ.
Người dân TP HCM vẫn giữ thói quen đọc báo in mỗi sáng sớm bắt đầu một ngày Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đầu hẻm chùa Long Vân (phía đường Bùi Đình Túy) cũng có một sạp bán rau, thức ăn. Nếu hôm nào làm biếng vô chợ thì có thể ghé sạp rau này mua tạm vài món về nấu. Một bữa, khi tôi ghé vô sạp rau mua bó rau muống tính về bày món rau xào mỡ thì nghe dì Năm nói với ai đó về chuyện cho thuê cái sạp báo. Lúc này, tôi mới để ý thấy một cái sạp báo nho nhỏ dựng bằng ván ép nằm cạnh quầy rau, dưới gốc một cây bàng tuổi trẻ. Cái sạp báo dù tạm bợ nhưng còn mới nên ngó cũng tinh tươm. Nó lại nằm dưới gốc cây bàng, nên pha sắc màu lãng mạn. Thế là đột nhiên tôi bạo dạn hỏi dì Năm về chuyện thuê sạp báo.
Nhưng khi dì Năm nói giá "sang nhượng" thì tôi hơi bị sốc. Cái sạp báo nhỏ xíu, chỉ vài tấm ván ép sơ sài, nhưng giá tới 2 chỉ vàng. Năm 1997, giá vàng tầm khoảng 300.000 – 400.000 đồng/ 1 chỉ. Nhưng giá một dĩa cơm bình dân chỉ khoảng 3.000 – 4.000 đồng. Tuy thấy giá hơi "chát", nhưng lúc này quyết tâm "khởi nghiệp" dâng cao, tôi tìm mọi cách xoay xở có 2 chỉ vàng để mua cái sạp báo ấy. Nói mua thì đúng hơn, vì lúc ấy, ngoài 2 chỉ vàng, tôi không phải tốn phí mặt bằng hằng tháng. Nghĩa là dì Năm đã "free" cho tôi tiền mặt bằng rồi.
Thế là sau khi chồng đủ 2 chỉ vàng, tôi chính thức trở thành… ông chủ sạp báo. Thực ra, việc mở một sạp báo lúc bấy giờ cũng khá đơn giản, chỉ cần mình liên hệ với một đại lý phát hành báo là xong ngay. Những năm này, các đại lý phát hành báo hoạt động rất mạnh ở khu mũi tàu đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (chỗ siêu thị Tự Do bây giờ) hoặc khu Nguyễn Đình Chiểu (đối diện Trường Đại học Kinh tế).
Hằng ngày, tầm khoảng 5 giờ sáng, người của đại lý chạy xe gắn máy chở báo ngang qua sạp báo của mình rồi vứt phịch vào đó. Cũng có khi sớm hơn hoặc trễ hơn. Mình phải canh có mặt để kiểm tra số lượng (đã đăng ký trước đó) rồi xếp báo. Những năm này, người TP HCM có thói quen mua và đọc báo rất nhiều, nên hình thành một đội ngũ bán báo dạo đông đảo, họ lấy báo từ sạp của mình để mang bán cho các khách ở bến xe, tiệm cà phê… Cứ như thế, mỗi sớm, tôi từ nhà trọ đạp xe ra sạp báo, bắt đầu một ngày tất bật mưu sinh cùng những người lao động bình dân.
Khi hoạt động của sạp báo dần vào guồng, khi lượng khách hàng đã tương đối đông, thì tôi nảy ý định kêu ba tôi từ quê vào "tiếp quản". Bởi việc bán báo tuy dần "khấm khá", nhưng tôi không thể chôn chân cả ngày ở đó, tôi muốn được trở thành nhà báo, chứ không thể mãi làm người bán báo. Không ngờ ba tôi đồng ý ngay với công việc này. Và, ông đã có hơn 10 năm bán báo ở TP HCM, trước khi về hẳn quê nhà.
***
Tôi nghĩ phải viết lại chuyện này, để tri ân Sài Gòn – TP.HCM, mảnh đất đã cưu mang mình, đã đành. Nhưng, có lẽ điều quan trọng hơn là tôi phải kể lại để chống sự lãng quên của chính mình. Tôi nhớ câu thơ đại ý thế này: "Ngày trôi qua rất chậm/ Nhưng năm trôi qua rất nhanh". Có lẽ điều ấy lại càng đúng với ba tôi, khi tuổi của ông đã ra ngoài "thất thập cổ lai hy".
Tôi nhớ khi ba tôi vào TP HCM thì chúng tôi chuyển nhà. Nhưng vẫn trên đường Bùi Đình Túy. Căn nhà trọ nằm trong con hẻm nhỏ, gần với sạp báo hơn, để mỗi sớm ba tôi có thể đi bộ ra đó. Tôi vẫn nhớ căn nhà nhỏ với khoảnh sân nhỏ, có một cái cây sơ-ri từ bên kia bờ rào hàng xóm ngả cành sang. Chỗ khoảnh sân, chúng tôi đặt một cái chõng tre để ngồi hóng mát vào buổi chiều vì căn phòng quá chật hẹp cho mấy con người.
Đó là những năm tháng khó quên nhất trong đời tôi. Mỗi buổi sớm, tôi thường theo ba ra sạp báo, vừa để xếp báo phụ ông vừa để xem tờ báo nào có đăng bài của mình. Đó là những năm tháng tôi bắt đầu sống bằng nghề viết báo, đầy nhọc nhằn, nhưng cũng đầy kỷ niệm ấm áp. TP HCM có hai mùa mưa nắng. Người bán báo khổ nhất là vào mùa mưa. Phải thức dậy sớm hơn bình thường để canh khi báo đến là mình có mặt ngay lấy liền cho khỏi ướt. Rồi phải che chắn quầy báo sao cho không bị mưa tạt. Mùa mưa, lượng báo bán cũng giảm nhiều.
Lúc này ba tôi đã thành người bán báo chuyên nghiệp, còn tôi chỉ như người phụ việc. Ngoài bạn mua báo, ba tôi còn có bạn chơi cờ tướng, bạn bình luận thời sự, bạn đồng hương… Những khi nghe ông khoe với bạn việc tôi viết văn viết báo, tôi rất dị, nhưng rồi cũng quen dần. Đến một lúc, tôi nghĩ mình phải sống sao cho ba có thể tự hào, hoặc ít ra là không xấu hổ về mình.
Hơn mười năm ba tôi bán báo ở TP HCM để cùng phụ tiền thuê nhà, tiền gạo rau mắm muối, nuôi mấy đứa em tôi ăn học nên người.
Hơn mười năm chúng tôi ở trọ trên đường Bùi Đình Túy mà không biết rằng đây là tên của một nhà báo nổi tiếng, từng công tác ở Thông tấn xã Việt Nam. Đây hình như, cũng là con đường nhà thi sĩ tài hoa Tuân Nguyễn từng đạp xe qua lại để lấy báo về Thanh Đa cho vợ bán.
Còn ba tôi, một người nông dân vô danh, từng hơn 10 năm bán báo trên con đường này. Nhưng chúng tôi luôn nhớ và tự hào về điều đó.
Mời bạn đọc dự thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng"
Mỗi thể loại có 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 1 giải nhì trị giá 15 triệu đồng; 2 giải ba, trị giá 10 triệu đồng/giải và 3 giải khuyến khích, trị giá 5 triệu đồng/giải
Nhận bài dự thi từ ngày 10-4-2021. Kết thúc nhận bài dự thi vào ngày 15-7-2021.
Thời gian trao giải vào ngày kỷ niệm 46 năm thành lập Báo Người Lao Động (28-7-2021)
Những tác phẩm đạt chất lượng sẽ được giới thiệu trên Báo Người Lao Động (báo in và báo điện tử). Bài đăng báo in trên số ra Chủ nhật hàng tuần và trên Báo Người Lao Động Online.
Tác giả được hưởng nhuận bút theo quy định.
Tác phẩm dự thi ghi rõ "Tạp bút dự thi" hoặc "Thơ dự thi" gửi về: Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi viết "45 năm rực rỡ tên vàng".
Hoặc qua địa chỉ email: 45namtenvang@nld.com.vn
BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Bình luận (0)