Tạo được dấu ấn đẹp bởi sự dàn dựng công phu, hình thức thể hiện đa dạng, sinh động. Qua gần 20 năm với 32 vở kịch, chương trình "Ngày xửa ngày xưa" đã để lại trong lòng khán giả những câu chuyện mang màu sắc cổ tích nên thơ. Chính vì thế, chương trình tăng thêm áp lực khiến ê-kíp thực hiện năm nào cũng phải tìm kiếm đề tài và thủ pháp dàn dựng, sao cho không gian vở diễn luôn mới mẻ, hấp dẫn không chỉ với khán giả nhí mà với cả phụ huynh.
Cảnh trong vở “Truy tìm thủy long kiếm”. Ảnh: VŨ VINH
Câu chuyện về cuộc truy tìm thủy long kiếm được lấy cảm hứng từ không gian văn hóa châu Á. Ở đó, có những nhân vật đại diện cho thủy cung và thiên cung, những nhân vật thiện và ác luôn đối đầu nhau, đồng thời gây sự tò mò, tưởng tượng của khán giả. Để vượt qua những hiểm nguy, những nhân vật thiện đã tìm được lý tưởng sống tốt đẹp, nâng cao lòng ái quốc, sự tôn kính thầy, hiếu thảo với cha mẹ. Các nhân vật còn giúp khán giả nhí loại bỏ sự ích kỷ, nhỏ nhen, tị hiềm, cạnh tranh không lành mạnh của mình làm ảnh hưởng đến việc học.
Đạo diễn Vũ Minh vẫn là gương mặt quen thuộc dàn dựng những vở diễn của chương trình. Vẫn giữ đúng hình thức dàn dựng hoành tráng, đầy màu sắc. "Ngày xửa ngày xưa" lần thứ 32 đầu tư mạnh ở phần cảnh trí thủy cung và thiên đình. Phục trang được thiết kế với hơn 100 bộ trang phục độc đáo. Phần âm nhạc mang sắc thái châu Á với 10 ca khúc được nhạc sĩ Cao Minh Thu sáng tác. Vở kịch có sự tham gia của các nghệ sĩ: Thành Lộc, Hữu Châu, Mỹ Duyên, Đình Toàn, Lê Khánh, Hoàng Trinh, Đức Thịnh, Don Nguyễn, Quốc Trung …
Bình luận (0)