icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sến cũng có nghĩa là... sang

Lê Minh Quốc

Có những từ mới xuất hiện, sau đó tồn tại dài dài, nếu thời điểm đó không ghi nhận về nguyên cớ ra đời, ắt sau này bí rị. Tha hồ tranh cãi.

Tha hồ tranh cãi. Chẳng hạn, "sến/ mari sến/ mari phông tên", gần đây còn có "sến rện/ sến súa/ sến như con hến" hiểu theo cấp độ rất sến.

"Việt Nam từ điển" (1931) chỉ ghi nhận sến là thứ gỗ tốt, rắn: cột sến, rầm sến. Tên gọi gỗ sến đã đi vào ca dao: "Cảm thương ô dước, bời lời/ Cha sao, mẹ sến dựa nơi gốc bần" (ca dao). Đi về miền Nam đầu thế kỷ XIX, còn nghe đến cụm từ "be sến", nếu ông Huình Tịnh Paulus Của không giải thích, ta ngắc ngứ lắm đây. Nó là cách nói tắt "be ghe bằng ván sến", tức ván đóng nối hai bên ghe; be là cơi thêm, nối thêm.

Xin hỏi, theo nghĩa phái sinh thì "sến" là gì và do đâu lại trở thành tiếng lóng? Tưởng rằng dễ, nhưng tẩn mẩn lật từ điển ra thì lại thấy mỗi nơi mỗi phách. Chẳng hạn, "Sến: gái điếm rẻ tiền, bắc bực làm sang, thật sự chẳng có gì hơn người/ dở mà hay làm màu, làm dáng/ rẻ tiền, mạt hạng, chẳng có giá trị, không đạt tiêu chuẩn giá trị" (Nam Chi Bùi Thanh Kiên); "quê mùa, diêm dúa/ ngụ ý thiếu thanh tao" (Bùi Minh Đức); do từ sen (con sen) nói trại ra/ Mari sến, tiếng gọi một cách chế nhạo con gái nhà nghèo hèn ở đợ cho người nước ngoài và bày đặt lấy tên theo người nước ngoài là "Marie" - tức Marie Sen" (Lê Gia)...

Lại có ý kiến tranh luận: "Về mặt âm lý, nếu sến có thể do sen mà ra thì nó cũng hoàn toàn có thể bắt nguồn từ selles. Sến < selles ban đầu vốn là một từ dùng để tỏ ý phủ nhận sự sang trọng, sự quý phái... của cô gái, dần dần mang cái nghĩa mới là: nhà quê, thấp kém về văn hóa…" (An Chi); "sến" nguyên là "Maria Sến" - đọc theo lối Việt hóa tên nữ diễn viên người Áo Maria Schell. Cô Schell trở thành hiện tượng ở các đô thị miền Nam đầu những năm 1960, sau khi thủ vai một vũ nữ hộp đêm hát múa một cách khiêu khích, bốc lửa trong phim "Anh em nhà Karamazov" - Hollywood dựng năm 1958 theo tác phẩm của đại văn hào Nga Dostoievsky (Hoàng Phủ Ngọc Phan)...

Vậy ta chọn lấy cách giải thích ý kiến nào? Khó lắm. Và, từ "sến" ấy trở nên càng rắc rối khi xuất hiện cụm từ "nhạc sến", ngay lập tức có "nhạc sang"! Hóa ra "sang" là trái ngược với "sến"?

Nhiều người ắt bụm miệng cười khi nghe nói, "sến" cũng còn có nghĩa là... "sang"; làm gì có chuyện kỳ quặc này?

Thế mà có đấy.

Bằng chứng "Việt Nam tự điển" (1970) ghi nhận: "Sến: Sang lại, nhượng lại, cả hai đều có điều kiện: Sến căn phố cho người ta được 50.000 đồng; Sến căn phố đặng ở hết 50.000 đồng". Vẫn chưa thuyết phục ư? Xin thưa, "Đại từ điển tiếng Việt" (1999) cũng ghi nhận: "Sến: Sang, nhượng, bán cho, mua cho: sến căn nhà cho người khác; sến được căn hộ gần đường".

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo