Bên cạnh 4 tập phim "Người phán xử tiền truyện" làm ra để phát trên nền tảng mạng phục vụ miễn phí khán giả, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) còn cho biết nhiều chương trình đang được số hóa phục vụ đông đảo khán giả xem qua internet.
Khán giả ở đâu, truyền hình ở đó
Theo thông tin từ Công ty Nghiên cứu và Khảo sát thị trường Kanta Media, 5 năm gần đây, khán giả xem chương trình, phim của truyền hình qua thiết bị di động chiếm đến 89%. Những người sử dụng phương tiện di động thông minh, tiếp cận mạng xã hội không chỉ giới trẻ mà cả người trung niên. Họ sử dụng máy tính bảng, điện thoại thông minh để xem lại tin tức, phim nhiều tập hay các chương trình yêu thích. Sự bùng nổ của công nghệ kỹ thuật số cùng thói quen tiếp cận thông tin qua internet khiến khán giả có xu hướng dịch chuyển sang xem truyền hình số. Từ đó, các nhà đài truyền thống bắt đầu dịch chuyển theo nhu cầu người xem, bắt nhịp những kênh truyền hình kỹ thuật số đã có đường hướng phát triển trước đó. Nếu trước đây, các đài VTV, HTV, THVL xây dựng trang web, app điện thoại chỉ để cập nhật lại chương trình đã phát sóng thì nay bắt đầu có những phần phim, chương trình được xây dựng kết hợp truyền hình truyền thống với số hóa. "Khán giả thay đổi thì chúng ta cũng thay đổi. Cùng một nội dung, chúng ta tạo ra nhiều hình thức tiếp cận khán giả nhanh chóng, dễ dàng nhất. Họ không xem một phương tiện duy nhất là tivi truyền thống, nhà đài và người làm truyền hình buộc tìm cách phát triển hình thức khác đáp ứng nhu cầu" - ông Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC), nhìn nhận tại hội thảo "Phát triển nội dung truyền hình trong bối cảnh chuyển dịch số", thuộc khuôn khổ Telefilm 2018. Nhận thức được tầm quan trọng trong sự phối hợp truyền hình và số để mở rộng lượng khán giả cho truyền hình truyền thống, ông Đỗ Thanh Hải cho rằng cần xây dựng những chương trình độc quyền để giữ chân khán giả, xem như cơ hội để thu hút các nhà đầu tư, tài trợ.
Cảnh trong "Người phán xử tiền truyện", một thử nghiệm phát triển nền tảng số của VTV. (Ảnh cắt từ phim)
Ông Bùi Huy Năm, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Truyền hình cáp Việt Nam (VTVcab), khẳng định sự dịch chuyển của người xem từ tivi truyền thống sang mạng là tất yếu. Khán giả hiện nay đặt ra yêu cầu xem bất cứ khi nào, bất cứ nơi đâu.
"Chương trình muốn thu hút khán giả số thì phải đổi mới phương thức sản xuất để thu hút người xem. Khán giả ở đâu là mình phải ở đó!" - nhà báo Diễm Quỳnh, Trưởng Ban VTV6, bày tỏ.
Sản phẩm phải độc đáo
Việc đưa kho dữ liệu chương trình của mình sau khi phát sóng lên mạng đã được hầu hết các đài thực hiện từ lâu. Tuy nhiên, để nền tảng mạng của mình thu hút được khán giả từ đó tạo nguồn thu hoặc thu hút nguồn đầu tư, tài trợ không phải đài nào cũng làm được. HTV Online ra đời từ lâu nhưng đến nay trang này chủ yếu cung cấp chương trình đã phát sóng trên đài để mọi người xem lại. THVL cũng tạo app trên điện thoại nhưng đa phần để khán giả xem lại phim và gameshow đã phát của đài, không sản xuất cái mới. HTV2 nỗ lực tận dụng kênh YouTube để đăng tải phim đa phần là mua bản quyền của Hàn Quốc, nỗ lực đổi mới bằng cách ra phiên bản lồng tiếng. VTC có VTC Now phân phối nội dung đa phương tiện trên điện thoại, máy tính... Riêng VTV, ông Đỗ Thanh Hải cho biết đài tìm cách sản xuất những nội dung vừa quen thuộc với truyền hình truyền thống và phù hợp nhu cầu khán giả thông qua phương thức mới. Việc đưa các phần phim, chương trình mới lạ, độc quyền lên nền tảng số VTV giải trí nhằm mở rộng và giữ chân khán giả. Từ đó, nhà đài điều chuyển khách hàng giải trí về đúng kênh sản phẩm cần phát triển, sử dụng VTV giải trí vừa là công cụ kinh doanh vừa là công cụ quảng bá để kéo người xem quay trở lại với các nội dung trên truyền hình.
Nhà báo Diễm Quỳnh nói về chương trình "Cất cánh" do ê-kíp của mình thực hiện như minh chứng cho sự tích hợp giữa truyền hình truyền thống và số hóa mà Đài Truyền hình Việt Nam theo đuổi. Theo Diễm Quỳnh, chương trình được xây dựng không chỉ thu hút khán giả xem tivi mà còn giúp cho những người sử dụng YouTube và Facebook có thể tương tác trực tiếp với diễn giả, cùng thảo luận về một chủ đề nóng trong xã hội. Việc sản xuất chương trình tích hợp truyền thống và số chi phí cao hơn vì phải cần đến 2 ê-kíp làm việc song song nhưng bù lại tạo sự mới lạ, thu hút thêm khán giả trẻ. Tuy nhiên, việc giữ độ nóng cho chương trình, thu hút khán giả lâu dài không phải chuyện dễ dàng, đòi hỏi sự đầu tư đến nơi đến chốn.
Áp lực cho nhà sản xuất
"Truyền hình dịch chuyển số là tương lai gần khi chiếc điện thoại thông minh trở nên phổ biến với người dùng Việt. Khán giả truyền thống vẫn còn và tivi sẽ là nơi truyền tải những tin tức chính trị, xã hội, nội dung tuyên truyền còn toàn bộ mảng giải trí như phim, gameshow... có thể được sản xuất nhiều trên nền tảng mạng. Tuy nhiên, để có kinh phí phát triển nền tảng số trong lúc chưa tạo được sức hút với khán giả, chưa có nguồn tài trợ là không đơn giản. Nếu chương trình sản xuất không hay sẽ khó cạnh tranh với vô số webdrama, các tài khoản YouTube hiện nay" - đạo diễn Minh Trương bộc bạch.
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc sản xuất Công ty Sena Film, cho rằng phim truyền hình không thu được quảng cáo do người xem chuyển dần sang xem các webdrama hoặc qua các nền tảng số khác. Việc phát triển nền tảng số, tiếp cận khán giả trẻ, tăng lượng xem cũng là cách để thu hút nhà tài trợ, quảng cáo quay về đầu tư cho phim truyền hình. Hẳn nhiên, sản phẩm phải độc đáo mới đủ sức tạo hấp dẫn với khán giả ngày nay.
Bình luận (0)