Thật xúc động khi tôi cầm trên tay công trình đồ sộ có tính chất tổng kết này. Cuốn sách dày 827 trang mà 15 tác giả đã nhiều năm liền miệt mài vào kho tư liệu của một thời đã qua (1865-1954) để trả lời câu hỏi: "Gần một thế kỷ Việt Nam chìm trong lệ thuộc, người xưa của vùng đất này đã suy nghĩ và làm gì cho văn học?".
Mang tính khai phá và khai phóng
Xưa nay, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Nam Bộ là mảnh đất của kinh tế và báo chí, sáng tác văn học nói chung, nghiên cứu, lý luận và phê bình văn học nói riêng không phải là ưu thế của vùng đất này. Giờ đây, bằng vô số cứ liệu cụ thể có dẫn nguồn, cùng với chân dung 27 tác giả, công trình "Nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học ở Nam Bộ thời kỳ 1865-1954" đã phơi mở với chúng ta một thời kỳ sôi động của những người cầm bút ở không gian Nam Bộ, trong ý thức vừa bảo vệ văn hóa dân tộc vừa tiến hành con đường hiện đại hóa văn học.
Với văn học Nam Bộ, khi nghiên cứu hệ thống sẽ thấy nhiều "tính chất" đầu tiên, mang tính khai phá và khai phóng trong cả nước. Từ đó, văn học quốc ngữ Nam Bộ phát triển nhanh chóng với việc tiếp thu những thể loại văn học của phương Tây (ký, dịch thuật, tiểu thuyết, truyện ngắn), cho ra đời những tác phẩm giàu tinh thần yêu nước, đạo lý bình dân và tinh thần dân chủ, đồng thời văn học quốc ngữ Nam Bộ cũng giàu tính giải trí và đại chúng…
Theo nhóm nghiên cứu, để sự kiện lên tiếng, các cột mốc văn học sẽ từ đó hình thành; bức tranh hiện đại hóa văn học sẽ được bổ khuyết; những khuôn mặt bị chìm khuất trong lịch sử sẽ sáng lên qua giá trị của ý kiến, của tầm nhìn, của tấm lòng yêu thương đất nước cũng như thái độ chính trực của người trí thức. Vì vậy, công trình đã dành nhiều trang cung cấp một bức tranh chung theo dòng lịch đại; đồng thời thử đưa ra những phân tích về xu hướng, đặc điểm, thành tựu và sau cùng nghiên cứu sâu về các tác giả, những người một thời viết hết mình trên các trang báo, cũng như có nhiều cuốn sách mà cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Những trang viết của công trình được tiến hành khá nhất quán dưới gợi ý của các hướng tiếp cận: phê bình xã hội học, phê bình văn hóa học và phê bình hậu thuộc địa nhưng vẫn duy trì phong cách cá nhân và nhãn quan của từng tác giả.
Lóe sáng nhiều giá trị mới
Trong 27 tác giả, chúng ta sẽ gặp những nhà văn đi tiên phong, nay đã khá quen thuộc nhưng dưới cái nhìn soi rọi của người viết, lại thấy lóe sáng nhiều giá trị mới hoặc những cách hiểu mới, bao dung hơn, thấu cảm hơn như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký…; cùng những người của mọi vùng đất nước về Nam Bộ hoạt động và thành danh như Phan Khôi, Trần Huy Liệu, Thiếu Sơn…; những "kỳ nhân" của Nam Bộ một thời như Phan Văn Hùm, Nguyễn An Ninh, Hồ Hữu Tường; những tác giả gần như bị lãng quên, chưa được đánh giá đúng mức như Lê Thọ Xuân, Thiên Giang Trần Kim Bảng, Hoàng Hạ Huệ, Triều Sơn…, tất cả đều được trình bày, phân tích và lý giải dưới cái nhìn cẩn trọng, khách quan, có lý có tình.
Dưới bàn tay một "nhạc trưởng" chỉn chu, khó tính nhưng cũng không kém tài hoa, phá cách là Nguyễn Thị Thanh Xuân, công trình quy tụ được nhiều nhà nghiên cứu uy tín khác. Tôi sung sướng được đọc cùng trong một cuốn sách các "tiền bối", "hậu bối" viết về các tiền nhân. Có thể nói phong cách mỗi người một khác: có người tài hoa, có người kỹ lưỡng, có người cẩn thận, có người vượt thoát…
Công trình là tâm huyết của một nhóm tác giả - qua việc đào xới nghiêm túc những văn liệu xác thực và đáng tin cậy - muốn khẳng định vai trò của văn học Nam Bộ trong dòng chảy văn học dân tộc trong một giai đoạn gần 100 năm giao điểm của lịch sử, với những tiếp xúc Đông - Tây vừa cưỡng bức vừa tự nguyện, phải nói là giai đoạn đầy thử thách của dân tộc. Tôi đặc biệt ấn tượng với những nhân vật phải "kiêm" nhiều vai: nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà chính trị, nhà cải cách như Trương Vĩnh Ký, Nguyễn An Ninh, Phan Khôi… Họ phải rất khéo léo để có thể trong một hoàn cảnh khó khăn vẫn giữ vững cốt cách và làm tròn sứ mệnh trí thức của mình.
Công trình như một cách bày tỏ lòng biết ơn đối với các vị tiền nhân đáng kính đã một lòng vì văn hóa Việt Nam. Phải thật sự rất yêu mến vùng đất và văn chương Nam Bộ mới có thể có hơn 800 trang viết đầy tâm huyết thế này!
Một trong 3 đề tài nghiên cứu khoa học về văn học quốc ngữ Nam Bộ
Công trình này nằm trong chủ trương rà soát lại di sản dân tộc, trong đó đặc biệt là di sản văn hóa văn học Nam Bộ của ĐHQG TP HCM. Là một trung tâm nghiên cứu xã hội nhân văn lớn ở phía Nam, việc dồn trọng tâm vào nghiên cứu Nam Bộ là hướng đi đúng đắn, đầy ý nghĩa và trách nhiệm đối với di sản của tiền nhân.
Từ năm 2005, Khoa Ngữ văn và Báo chí (nay là Khoa Văn học) Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM đã đẩy mạnh những nghiên cứu về văn học quốc ngữ Nam Bộ. Đã có 3 đề tài được nghiên cứu theo diện rộng của từng giai đoạn: "Khảo sát, đánh giá, bảo tồn di sản văn học quốc ngữ Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX"; "Khảo sát, đánh giá, bảo tồn di sản văn học Nam Bộ 1930-1945" (PGS-TS Đoàn Lê Giang chủ nhiệm); "Sưu tầm, khảo sát và đánh giá văn học Nam Bộ 1945-1954" (PGS-TS Võ Văn Nhơn chủ nhiệm). Đề tài "Nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học ở Nam Bộ thời kỳ 1865-1954" (PGS-TS Nguyễn Thị Thanh Xuân làm chủ nhiệm) được tiến hành sau cùng, tập trung vào hoạt động tiếp nhận văn học ở Nam Bộ, trong suốt cả thời kỳ thuộc Pháp, tư liệu hầu hết rải rác trên báo chí. Quan niệm của nhóm tác giả là cố gắng tối đa, trong khả năng cho phép, tiếp cận tài liệu, sưu tầm, sao chụp, lưu giữ, chọn lọc và xử lý để giới thiệu với đông đảo bạn đọc.
Bình luận (0)